1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sinh viên chật vật tìm việc mùa Covid-19

Ngọc Trang

(Dân trí) - Dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành không chỉ khiến nhiều lao động đối mặt với nguy cơ thất nghiệp mà còn biến niềm vui ra trường của nhiều sinh viên trở thành nỗi lo kiếm tìm công việc phù hợp.

Hoang mang tìm… "chỗ đứng"

Mọi dự định đi học nghề dẫn chương trình (MC) và đầu quân cho một công ty tổ chức sự kiện tại Hà Nội của bạn Phạm Thu Hà, 22 tuổi, cử nhân báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhanh chóng bị trì hoãn bởi các sự kiện không được tổ chức do tác động của đại dịch Covid-19.

Để tránh khỏi tình trạng thất nghiệp, Phạm Thu Hà đã đăng ký làm công việc nhân viên tư vấn nhà đất. "Mơ ước tạm gác lại, tôi phải chấp nhận hiện thực và đi làm để trang trải cuộc sống vốn đang rất khó khăn" - Phạm Thu Hà tâm sự.

Bạn Phạm Thu Hà đi làm không có lương cố định. Nếu tháng nào bán được dự án, cô gái này sẽ có mức lương có thể dao động từ 7-8 triệu/tháng. Tuy nhiên, nếu không đạt doanh thu, con số ấy cũng không thể đảm bảo.

Sinh viên chật vật tìm việc mùa Covid-19 - 1

Phạm Thu Hà tạm thời làm nhân viên tư vấn nhà đất - công việc không liên quan đến ngành học suốt 4 năm qua.

Cũng trong thời gian này, Trần Minh Trang, 22 tuổi (sinh viên năm cuối ĐH Ngoại thương) cùng lúc đối mặt với nhiều áp lực.

Bạn Trần Minh Trang kể: "Thời gian trước, tôi có một công việc làm thêm ổn định nhưng dịch bùng phát. Tôi chuyển sang làm việc online và lương bị cắt giảm. Tôi bắt đầu thấy hoang mang nghĩ đến khó khăn sau ra trường."

Thêm vào đó, Trần Minh Trang càng thêm áp lực bởi theo học tại một ngôi trường có tiếng. Những kỳ vọng của người thân cùng với định kiến tốt nghiệp Ngoại thương sẽ làm kiểm toán tại Big4 với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng càng khiến nỗi lo trong cô gái 22 tuổi càng thêm chồng chất.

Đó là mong ước, bởi trong tế, mức lương cao chỉ dành cho một số ít sinh viên xuất sắc và có nhiều thực tế làm việc khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Còn mặt bằng chung, mức lương kế toán khởi điểm chỉ từ 5,5-6 triệu đồng/tháng.

Câu chuyện của Phạm Thu Hà hay Trần Minh Trang không phải là câu chuyện cá biệt. Bạn Nguyễn Huy Hiếu Nghĩa, 22 tuổi (sinh viên ĐH Bách Khoa) bộc bạch:

"Tôi theo khối ngành kỹ thuật nên khi dịch bùng phải học online làm tôi thấy hiệu quả học tập bị hạn chế. Kéo theo đó, kế hoạch thi và thực tập tốt nghiệp cũng bị thông báo hoãn.

Không có việc gì, tôi về quê sống cùng gia đình. Nhìn bố mẹ thì lo lắng, mọi việc lại diễn ra không theo dự định trước kiến cuộc sống của tôi bị đảo lộn, không thể không trăn trở chuyện công ăn việc làm."

Sinh viên chật vật tìm việc mùa Covid-19 - 2

Nguyễn Huy Hiếu Nghĩa mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để hoàn thành khóa thực tập.

"Lấy ngắn, nuôi dài..."

Thực tế, từ phía các nhà tuyển dụng, đại dịch là nguyên nhân hàng đầu khiến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thay đổi.

Chị Dương Lệ Hằng - chuyên viên chế độ chính sách Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, cho hay: "Nếu không có dịch Covid-19 thì khi sinh viên tốt nghiệp, doanh nghiệp thường sẽ tuyển dụng các bạn trẻ bởi các bạn có sự năng động, mới mẻ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô do đó, doanh nghiệp không thể kiêm nhiệm thêm phần đào tạo cho sinh viên mới ra trường".

Điều này đòi hỏi các bạn trẻ cần có sự quan sát và tìm hiểu kỹ công việc trước khi ứng tuyển. Câu chuyện làm các công việc trái ngành trong thời gian ngắn để có thu nhập và kinh nghiệm thực tế là điều có thể tính tới.

So sánh với các khóa sinh viên trước, giảng viên Nguyễn Thị Thu (Khoa PT-TH, HV Báo chí và Tuyên truyền) nhận định: "Năm 2021, sinh viên ra trường phải đối mặt với cuộc cạnh tranh việc làm gay gắt hơn bởi đại dịch Covid-19".

Tuy nhiên, trong "nguy có cơ", giảng viên Nguyễn Thu cũng đưa lời khuyên rằng các bạn trẻ không nên quá lo lắng khi chưa tìm được công việc ưng ý. Thay vào đó, sinh viên rất nên tận dụng triệt để thời gian này để tích lũy thêm kinh nghiệm và bồi dưỡng năng lượng ngoại ngữ, tin học cũng như các kỹ năng mềm.

Cơ hội việc làm vẫn rộng mở cho những tân cử nhân chỉ cần các bạn biết cách học hỏi để trau dồi bản thân.

Trong khi chờ đợi dịch bệnh được kiểm soát và nền kinh tế được phục hồi, việc làm là mối lo lớn không chỉ với người lao động nói chung mà còn là mối lo của hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp trong thời điểm hiện nay.