Sếp sẽ mỉm cười nếu…
Sếp luôn được gắn với hình ảnh cau có, khó tính, xét nét và… chặt chẽ. Tuy nhiên, sếp sẽ rất dễ chịu và luôn mỉm cười nếu bạn…
Có trách nhiệm
Sếp của bạn có nhiều việc để làm hơn là chỉ quan tâm xem công việc của bạn có được hoàn thành đúng yêu cầu và đúng hẹn hay không. Vì thế bạn phải có trách nhiệm báo cáo kết quả công việc của mình thường xuyên. Như thế là bạn đã đóng góp sức lực của mình giúp mọi việc ở công ty được tiến hành một cách trôi chảy và ít tốn kém hơn đấy.
“Có trách nhiệm” còn có nghĩa là bạn phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình trong công việc. Các sếp đều hiểu rằng có những việc vượt quá khả năng xử lý của bạn, nhưng một người có trách nhiệm sẽ không đưa ra lý do để trốn tránh, họ sẽ cố gắng hết khả năng của mình, báo cáo trung thực những gì họ đã làm và đưa ra hướng giải quyết.
Chuẩn bị tốt
May mắn hay thành công chính là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng kết hợp với một cơ hội tốt. Ví dụ bạn sắp sửa tham gia vào một cuộc họp, hãy bước vào phòng họp với tất cả những thông tin hợp lý và đầy đủ cho chủ đề của buổi họp đó. Bằng cách này, sếp không phải giải thích những khái niệm hay chiến lược mới cho bạn, đồng thời bạn còn có thể đưa ra những ý kiến mang tính xây dựng để cuộc họp thành công hơn.
Các sếp thích những người có sự chuẩn bị tốt vì điều đó cho thấy bạn thực sự muốn cống hiến cho công ty, luôn tự khích lệ bản thân và tự tin - những tính cách ấy khiến bạn được thăng tiến rất nhanh.
Làm việc một cách thông minh
Một ngày làm việc 8 tiếng không phải là nhiều, và các sếp cũng chỉ mong đợi bạn làm thế nào để làm được nhiều việc nhất trong thời gian ngắn nhất.
Làm việc thêm giờ không nhất thiết sẽ đem lại ấn tượng tốt cho cấp trên. Trên thực tế, quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo về việc làm thêm giờ là bạn làm việc không hiệu quả nên mới cần thêm thời gian. Hãy đi sớm thay vì ở lại muộn.
Luôn cập nhật
Cập nhật thông tin, công nghệ và các kỹ năng là một điều tối quan trọng trong môi trường kinh doanh đầy thách thức hiện nay. Sẵn sàng học hỏi và cho sếp thấy bạn biết cách tự động viên mình, thông minh, nhanh nhạy và tự tin.
Làm cho sếp thấy rằng sếp mới là người giỏi nhất
Bạn có thể có tất cả những điều ở trên, nhưng vẫn chưa lấy được nụ cười của sếp vì bạn chưa biết cách “biến” sếp thành người giỏi nhất. Đừng chỉ trích, moi móc các lỗi sai của cấp trên trước mặt nhiều người. Nếu cần, hãy nói riêng với họ thật khéo léo và nhẹ nhàng, cố gắng không làm cho họ thấy xấu hổ, luôn khen ngợi khi họ đưa ra một ý kiến độc đáo… Hãy thông minh và chừng mực để không biến mình thành kẻ xu nịnh.
Theo Lê Quang Huy
Sinh viên Việt Nam