1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sếp ơi đừng khen em nữa!

“Giá như sếp không khen mình nhiều đến thế thì mình đã không bị cô lập như bây giờ. Bị chê cũng khổ mà được khen cũng khổ”, Yến chia sẻ.

Sếp khen, đồng nghiệp ghét

Là người mới nên Hoàng Yến (27 tuổi, Khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy) luôn cố gắng hòa đồng với mọi người. Trong công việc Yến cũng cẩn thận, chỉn chu nên được các chị cùng phòng khá yêu quý. Mọi người vẫn thường xuyên cùng nhau đi ăn trưa, rủ nhau đi làm đẹp, tám chuyện vui vẻ giờ giải lao.

Nhưng thời gian sau, Yến thấy các chị càng ngày càng nhạt với mình, nói chuyện cũng chỉ nói với nhau, đi ăn cũng không gọi Yến đi cùng. Yến cố gắng bắt chuyện thì mọi người lơ đi như không có sự tồn tại của cô. Dần dần Yến tự tách mình ra khỏi tập thể, đến công ty chỉ cắm đầu vào máy tính làm việc cho đến giờ về, ăn trưa cũng lủi thủi một mình.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


“Mình làm việc chăm chỉ, có chính kiến nên được sếp quý, hay được khen trong các cuộc họp. Còn mấy chị hay bị mắng, bởi sếp không bằng lòng ai là chê thẳng thừng. Mình là người mới mà lại được khen, người ta ma cũ thì bị mắng, có thể vì thế nên bị ghét”, Yến phân tích.

Yến bảo, thời gian đầu khi biết mọi người ghét mình vì được sếp ưu ái, cô cũng tìm cách bắt chuyện nhưng mọi người vẫn dửng dưng. Sau rồi cô cũng lơ đi, việc ai nấy làm, không đụng chạm đến nhau.

“Lúc đầu cũng buồn nhiều vì thái độ của mọi người. Sau một thời gian mình nhận ra không việc gì phải thế, người ta nhiệt tình thì mình chơi, không thì nghỉ. Ganh ghét là điều tất yếu, ngay cả bản thân mình đôi khi còn ganh tị trước hạnh phúc của người khác cơ mà”, Yến nói.

“Giá như sếp không khen mình nhiều đến thế thì mình đã không bị cô lập như bây giờ. Bị chê cũng khổ mà được khen cũng khổ”, Yến nói thêm.

Mệt mỏi vì mang tiếng xu nịnh

“Vui vì được sếp quý, tin tưởng nhưng nhiều lúc nghĩ cũng buồn vì nhiều người trong công ty đặt điều nói xấu mà chả làm gì được”, Thanh Vân trưởng nhóm kinh doanh của một trang web rao vặt bắt đầu câu chuyện của mình bằng một câu đầy tâm trạng.

Vân mới vào công ty gần được nửa năm thì được cất nhắc lên chức trưởng nhóm kinh doanh gồm 8 người. Sự thăng tiến nhanh của Vân khiến nhiều người đố kỵ, họ đặt điều cho rằng cô xu nịnh trưởng phòng nên mới được leo nhanh như vậy.

“Do đặc thù công việc nên lúc mới vào công ty mình đã làm việc trực tiếp với trưởng phòng, thường đi cùng để hỗ trợ cho anh khi gặp khách hàng. Anh có nói là thấy mình có năng lực, cũng như hòa đồng với đồng nghiệp nên cất nhắc mình lên vị trí đó. Thế mà nhiều người ghen ăn tức ở, bảo mình đi “cửa sau” nên mới leo nhanh vậy”, Vân bức xúc.

Vân rất ức chế, nhiều lần cũng muốn làm rõ trắng đen, quặc lại cái người tung tin thất thiệt ấy nhưng không có bằng chứng nên không làm gì được.

“Cứ làm việc theo kiểu bằng mặt mà không bằng lòng thế này thì mệt mỏi lắm. Nhiều khi chỉ muốn từ chức làm “dân đen” cho xong”, Vân nói. Theo chuyên gia tâm lý Võ Thanh Giang (Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm) việc bị đồng nghiệp ghét khi được sếp quý mến hay được thăng chức quá nhanh cũng là điều dễ hiểu bởi lòng tham, ích kỷ, không muốn người khác hơn mình là bản tính vốn có của con người. Đặc biệt, trong môi trường xin việc khó như hiện nay, sự cạnh tranh để có một công việc tốt, một vị trí tốt là nguyên nhân dẫn đến sự ganh ghét đố kỵ.

“Đối với công việc mang tính chất tập thể, yếu tố làm giảm sự đố kỵ với người khác là mình chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết thành công. Khi làm việc nhóm phải tôn trọng ý kiến của nhau, lắng nghe các ý kiến và đề cao đóng góp của mọi người. Không nên tự kiêu, tự đề cao mình, mà hãy đề cao người khác trước”, bà Giang đưa ra lời khuyên.

Bà Giang cũng cho biết, chính những người hay đố kỵ là những người không tự tin vào bản thân.

“Họ không tự tin vào bản thân nên phải dìm người khác để họ nổi lên. Cách giúp họ, cảm hóa họ là khen ngợi, động viên, đề cao họ một cách khéo léo. Bất kỳ con người nào cũng có những ưu điểm, quan trọng là mình biết nhìn ra và khen ngợi một cách khéo léo”, bà Giang lý giải.
Theo La Hoàn
Vietnamnet