Sẽ thu bảo hiểm y tế theo năm học

Ngày 9/9, trả lời PV Tiền Phong, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (thuộc BHXH Việt Nam) cho biết, Bộ Y tế đang chủ trì cùng với Bộ Tài chính sửa nhiều nội dung Thông tư 41, trong đó sẽ sửa quy định thu BHYT đối với HSSV theo năm học.

Học sinh được chi bao nhiêu?

Ông Phạm Lương Sơn cho biết, dự kiến, các bên liên quan sẽ sửa Thông tư 41 theo hướng: Sửa thu BHYT theo năm học như trước đây (không thu một cục theo năm tài chính 15 tháng như hiện nay - PV). Ngoài ra, còn dự kiến sẽ sửa nhiều nội dung tại Thông tư 41 nữa như điều chỉnh phân bổ kinh phí cho các trạm y tế xã theo hướng tăng lên, tối thiểu là 10% tổng quỹ khám chữa bệnh…

“Trước quy định mới, đáng lẽ khâu tổ chức thực hiện phải có hướng dẫn cụ thể để phân kỳ nộp ra, giảm thiểu các khoản đóng đầu năm học cho phụ huynh học sinh. Vì thế, BHXH Việt Nam đang hướng dẫn là thu 3 tháng cuối năm 2015 cho trọn năm tài chính; 12 tháng năm 2016, có thể phân ra thu 6 tháng - 6 tháng hoặc 9 tháng - 3 tháng, 3 tháng - 9 tháng tùy sự linh hoạt của mỗi địa phương”- ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam)

Về việc tăng thu BHYT đối với HSSV lên mức 4,5%, ông Sơn cho biết, theo Luật BHYT hiện hành, phải quy định một tỷ lệ phần trăm theo hướng thống nhất giữa các đối tượng tham gia.

Riêng với HSSV, trước đây do được Nhà nước ưu tiên nên chỉ thu 3%, nay tăng đồng loạt lên 4,5% cùng với các đối tượng khác nhằm đảm bảo tính thống nhất về tỷ lệ đóng.

Việc quy định mức đóng 4,5% là theo nguyên lý hỗ trợ chéo từ người có mức sống cao cho những người có mức sống thấp, người khỏe mạnh hỗ trợ người bị bệnh...

Theo ông Sơn, riêng với HSSV, có quyền lợi đặc thù mà các đối tượng khác không có đó là được chăm sóc sức khỏe ban đầu.

“Việc điều chỉnh mức đóng từ 3% lên 4,5% là đã được cân nhắc, tính toán thận trọng đến tất cả các yếu tố để giảm tối đa khó khăn cho người dân”, ông Sơn nói. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay, đó là năm học 2015 là năm quá độ nhưng Thông tư 41 lại quy định thu theo năm tài chính, nên phụ huynh học sinh phải đóng 15 tháng BHYT (3 tháng năm 2015 và 12 tháng năm 2016).

 - ảnh 1

Thu và chi trong năm 2014 và ước 6 tháng đầu năm 2015 của Quỹ Khám chữa bệnh học sinh, sinh viên. Nguồn: BHXH Việt Nam.

Ốm nặng, điều trị dài ngày mới thấy BHYT giá trị

Ông Phạm Lương Sơn cho rằng, chuyện một số phụ huynh (chủ yếu là nhà giàu) thắc mắc tại sao mua BHYT thương mại rồi lại phải bắt buộc mua BHYT của nhà nước là không thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và không tuân thủ pháp luật. “Việc anh đi mua bảo hiểm thương mại là quyền của anh, nhà nước không cấm; nhưng việc anh là người giàu, anh phải có trách nhiệm hỗ trợ chéo cho người nghèo hơn”, ông Sơn nói.

Ông Sơn khẳng định, Luật BHYT là luật chung của xã hội, chính sách BHYT là chính sách an sinh quốc gia chứ không phải của riêng cơ quan BHXH. “Trong Luật, quy định rất rõ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan, trong đó có trách nhiệm của ngành Giáo dục là phải tiến hành thu BHYT chứ không phải thu hộ cho cơ quan BHXH”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Đình Khương, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, theo thông báo, mỗi học sinh sẽ phải đóng 543.700 đồng, cao gấp đôi năm học trước. Nhưng đây là mức thu cho 15 tháng, chứ không phải 12 tháng như mọi năm.

Mọi năm, học sinh mua BHYT theo năm học, từ tháng 9 năm nay sang tháng 9 năm sau. Nhưng từ năm nay, cách đóng BHYT sẽ theo năm (từ 1/1 đến 31/12). Như vậy, các học sinh phải đóng cả 3 tháng còn lại của năm 2015 và thẻ BHYT sẽ có giá trị từ tháng 9/2015 đến tháng 12/2016.

Tuy nhiên, chính việc thu gộp lại không được giải thích cặn kẽ trước khi tiến hành, đã khiến nhiều người lầm tưởng số tiền BHYT tăng gấp đôi.

Ông Khương cũng cho rằng, việc các phụ huynh cho rằng thẻ BHYT gần như không sử dụng nên không cần thiết là quan niệm vô cùng sai lầm. Ông Khương lý giải: BHYT có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó là người khoẻ nộp để chi trả cho người bệnh...

“Nhiều phụ huynh không sử dụng thẻ BHYT là vì con họ đang ở mức độ đi khám, còn trường hợp ốm nặng, phải điều trị dài ngày, lúc đó mới thấy BHYT vô cùng quan trọng. Lúc đó, số tiền BHYT chi có thể lên tới hàng tỷ đồng mà không một bảo hiểm thương mại nào có thể bù đắp nổi”, ông Khương nói.

Theo ông Khương, khi trẻ phải nhập viện, bị mắc những bệnh hiểm nghèo, thời gian điều trị dài, trừ một số ít gia đình giàu có, còn lại, với đại đa số người dân, BHYT vẫn có ý nghĩa như “phao cứu sinh” để có điều kiện trị bệnh đến cùng mà không lo gánh nặng về tài chính.

Theo Tiền Phong