“Sau 20 năm, chỉ còn 9 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu”
(Dân trí) - Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH VN, cho rằng mức đóng BHXH thấp hơn mức hưởng lương hưu, tỉ lệ tham gia BHXH ngày một giảm là nguyên nhân khiến phải điều chỉnh tuổi hưu.
Trong khi đó, tình trạng doanh nghiệp dùng 2 bảng lương: Một bảng lương đóng BHXH thấp hơn so với bảng lương thực trả cho người lao động vẫn đang là một tồn tại.
VN đang áp mức đóng BHXH khá cao nhưng trên nền tiền lương tối thiểu vùng chưa cao. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực có mức đóng BHXH thấp nhưng trên nền tổng thu nhập. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Người hưu trí ở Việt Nam đang được hưởng mức tối đa 75 % mức lương, nhưng mức đóng hiện nay là 22 % trên nền lương tối thiểu vùng. Trong khi đó, lương tối thiểu chỉ là căn cứ để tính 1 khoản trong tổng thu nhập.
Đây là mức cao trong khu vực. Nhưng nếu so với con số tuyệt đối thì lại thấp vì đa số doanh nghiệp chỉ đóng BHXH ngang hoặc trên mức lương tối thiểu một chút (60 % thu nhập).
“Trong khi đó, nguyên tắc của quỹ BHXH luôn là có đóng - có hưởng, đóng cao - hưởng cao và ngược lại” - ông Trần Đình Liệu nói.
Xin được nói thêm, mức đóng 22% trên là cơ sở giúp người lao động hưởng cả 4 nhóm quyền lợi: Hưu trí và tử tuất, ốm đau và thai sản, tai nạn lao động và bảo hiểm thất nghiệp.
Thái Lan có mức đóng 10 % trên “nền” tổng số thu nhập và người lao động hưởng mức 20 %. Thái Lan lại tính riêng bảo hiểm xã hội riêng, bảo hiểm y tế riêng…
Tiền đóng vào BHXH là “khoản để dành” của người lao động và được Nhà nước bảo hộ. Thậm chí, khi chỉ số giá tiêu dùng tăng, sức mua của đồng tiền bị ảnh hưởng, Nhà nước còn điều chỉnh mức hưởng lương hưu để phần nào hỗ trợ người hưu trí.
Theo phản ánh của Tổng LĐLĐ VN, doanh nghiệp đang áp dụng 2 bảng lương, trong đó 1 bảng lương thực trả cho người lao động và 1 bảng lương thấp hơn để đóng BHXH. Đây là một bất hợp lý đang diễn ra, thưa ông?
- Về nguyên tắc, phần đóng BHXH đã được tính vào giá thành sản phẩm, dịch vụ khi đưa vào kinh doanh. Như vậy, doanh nghiệp đáng ra phải đóng BHXH trên nền tổng thu nhập của người lao động. Điều này giúp người lao động có thêm sự hỗ trợ, tái tạo sức lao động.
“Năm 1996, trung bình 217 người đóng bảo hiểm xã hội cho 1 người hưởng lương hưu. Tới năm 2009, số người đóng giảm xuống còn 34, năm 2004: 14 người, năm 2009: 11 người, năm 2011: 9,9 người, năm 2013 chỉ có 9,13 người” - ông Trần Đình Liệu nói.
Xin đơn của một ví dụ: Nếu thu nhập của người lao động hưởng 9 triệu đồng/tháng, nhưng doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho người lao động ở mức 5 triệu đồng. Còn khoảng 4 triệu đồng không được đóng BHXH. Nếu đóng hết, người sử dụng lao động phải đóng thêm khoảng 1 triệu đồng nữa vào quỹ BHXH cho người lao động.
Theo quy định Luật BHXH năm 2014: Mức đóng BHXH được tính trên mức lương và phụ cấp từ 1/1/2016. Như vậy phải tới ngày 1/1/2018, mức đóng BHXH mới được tính trên tổng thu nhập.
Thưa ông, cả nước hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp, nhưng tỉ lệ tham gia BHXH chỉ chiếm chưa tới 1/2. Điều này sẽ gây nhiều thiệt hại cho người lao động và quỹ BHXH?
- Thực tế này đã diễn ra nhiều năm. Nhằm từng bước khắc phục, BHXH VN, cơ quan thuế và ngành LĐ-TB&XH đã và đang đồng loạt rà soát lại và chia sẻ thông tin về doanh nghiệp và từng loại hình hợp đồng lao động. Chỉ riêng 9 tháng qua tại Hà Nội, ngành BHXH VN đã kiểm tra hơn 7.000 doanh nghiệp, đã phát hiện truy thu, truy đóng cho 36.000 lao động.
Thời gian tới, việc thanh kiểm tra sẽ thực hiện trên toàn quốc theo hướng bám sát việc doanh nghiệp trả lương cho người lao động ra sao, quyết toán thế nào trên cơ sở cộng tác của ngành thuế…
Theo ông Trần Đình Liệu, nếu theo cách tính cũ (tuổi hưu, năm đóng) thì có 3 phương án điều chỉnh để tránh mất cân đối quỹ BHXH trong thời gian tới: Tăng mức đóng lên, giảm quyền lợi của người hưởng, tăng số năm đóng lên (tức kéo dài tuổi hưu). Trong đó, phương án tăng tuổi hưu được nhắc tới khi Bộ LĐ-TB&XH xem xét sau khi tổng kết 3 năm thực hiện Bộ Luật Lao động 2012. Đây cũng là kiến nghị của BHXH VN. Tuy nhiên, việc đề xuất chính thức vẫn còn chờ từ phía Bộ LĐ-TB&XH.
Xin cảm ơn ông
Hoàng Mạnh thực hiện
TIN VẮN:
Nợ BHXH lên tới 13.000 tỉ đồng
Theo BHXH VN, trong 13.000 tỉ đồng nợ tới tháng 9/2016, số nợ BHXH đã lên tới hơn 8.980 tỉ đồng. Qua thanh tra, ngành đã phát hiện 15.612 lao động chưa được tham gia BHXH bắt buộc, đóng thiếu mức lương, đóng sai mức lương; yêu cầu thu hồi 283,4 triệu đồng do chi BHXH ngắn hạn không đúng quy định”.
Theo bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH VN, việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH xảy ra ở tất cả các địa phương. Thống kê của BHXH VN đến ngày 30/9 cho thấy, tổng số nợ là hơn 13.055 tỉ đồng, gồm: Nợ BHXH 8.981 tỉ đồng, nợ BHTN 480,5 tỉ đồng, nợ BHYT 3.592 tỉ đồng. Riêng khoảng nợ BHYT, ngân sách các địa phương chưa chuyển 2.156,2 tỉ đồng, chiếm 60% tổng nợ BHYT. Qua kiểm tra, BHXH VN đã phát hiện 15.612 lao động chưa được tham gia BHXH bắt buộc, đóng thiếu mức lương, đóng sai mức lương, đóng thiếu thời gian, chưa truy thu lãi chậm nộp. Sau 9 tháng đầu năm 2016, BHXH VN còn và yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH hơn 24.412 tỉ đồng do chi khám chữa bệnh không đúng quy định, trong đó: Thái Nguyên chi sai 814,6 triệu đồng, Bạc Liêu 6.842,5 triệu đồng, Đồng Tháp 8.424,5 triệu đồng, Quảng Nam 8.331,4 triệu đồng.
H.M
Nhiều lạm dụng quỹ BHYT
Qua 9 tháng của năm 2016, đại diện BHXH VN cho biết, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT vẫn còn phức tạp, một số nơi xuất hiện tình trạng lạm dụng các quy định mới về thông tuyến khám chữa bệnh BHYT và thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT.
Một số hình thức lạm dụng như: Cơ sở tập hợp người có thẻ BHYT từ các địa bàn khác trong tỉnh, ngoài tỉnh đưa đến KCB BHYT, áp dụng các hình thức khuyến mại bất hợp lý như tặng quà, tặng tiền…Theo bà Nguyễn Thị Minh - Tổng giám đốc BHXH VN, điển hình là các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, Quảng Nam, Cà Mau. Tại các địa phương này, cơ quan BHXH đã chủ động từ chối thanh toán, báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh và phối hợp với cơ quan Công an điều tra, làm rõ một số cơ sở y tế cố tình lạm dụng quỹ BHYT. Theo BHXH VN, còn nhiều hạn chế trong công tác đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế tại các địa phương đã được quan tâm thực hiện, như: Chưa chú trọng bố trí đủ cán bộ chuyên trách, cán bộ có năng lực để quản lý, thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế và tham gia đấu thầu thuốc; Chất lượng báo cáo về công tác này còn hạn chế, nhiều sai sót về thông tin...
V.P
Chậm đóng hơn 2.750 tỉ đồng BHXH
Theo BHXH TPHCM, tới tháng 10/2016, đã có 40.997 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với hơn 2.753 tỉ đồng. Trong đó, số nợ tập trung chủ yếu ở doanh nghiệp tư nhân (37.191 doanh nghiệp) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (3.065 doanh nghiệp). Theo kết quả công bố của đoàn giám sát, số doanh nghiệp nợ dưới 3 tháng là hơn 27.000 đơn vị với số tiền hơn 1.400 tỉ đồng, doanh nghiệp nợ trên 3 tháng là hơn 13.700 đơn vị với số tiền là hơn 1.340 tỉ đồng. Nhận xét của đoàn thanh tra, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ trên do suy thoái kinh tế khiến một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn trong hoạt động sản xuất. Ngoài ra, việc nợ nhiều còn do chế tài, xử phạt về BHXH đối với doanh nghiệp chưa đủ sức răn đe. Nhiều doanh nghiệp chiếm dụng quỹ BHXH để sử dụng vào mục đích khác dù tình hình kinh doanh vẫn ổn định. Cũng theo đoàn giám sát, đối tượng quản lý chủ yếu là mô hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 78 %, với quy mô 5-10 lao động; từ 10 - 50 lao động chiếm 16 %; từ 50 đến dưới 500 lao động chiếm 4,17%; trên 500 lao động trở lên chỉ chiếm 0,45%...
V.D