1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sát cánh cùng người lao động "vượt khó" mùa dịch

Phương Thảo

(Dân trí) - 2021, nhiều chính sách hỗ trợ người lao động vượt qua đại dịch đã được thực thi. Giải đáp chính sách là nội dung được tập trung trong tọa đàm báo điện tử Dân trí tổ chức sáng ngày 15/12/2021 vừa qua.

"Nguồn hỗ trợ" giúp người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch

Một trong những nguồn hỗ trợ để người lao động sớm ổn định cuộc sống, quay trở lại thị trường lao động, giúp người lao động yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước là Nghị quyết 116/NQ-CP (ngày 1/7/2021) của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Sát cánh cùng người lao động vượt khó mùa dịch - 1

3 khách mời đã giải đáp các thắc mắc của độc giả xoay quanh vấn đề hỗ trợ người lao động trong mùa dịch.

Theo Nghị quyết 116, Chính phủ sử dụng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Có thể nói, đây là "nguồn động viên" lớn nhất từ trước đến nay, gói chi trả lớn nhất từ khi có Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động.

Theo nội dung Nghị quyết, đối tượng được hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết 116 trải rất rộng: Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên); Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

Đặc biệt, người lao động thất nghiệp, đã làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp vẫn được hỗ trợ tiền từ gói 30.000 tỷ.

Anh Doãn Văn Hải (Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp 13 tháng ở Công ty dệt may trên địa bàn Hà Nội. Vì dịch bệnh, năm 2021, tôi có 2 tháng phải nghỉ làm. Tôi rất mừng vì thuộc đối tượng được hỗ trợ tiền từ Nghị quyết 116 với mức hỗ trợ 2,1 triệu đồng. Đây thực sự là nguồn động viên, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, không để người lao động nào ở lại phía sau".

Đáng chú ý, Nghị quyết 116 còn dành nguồn lực hỗ trợ các đơn vị, tổ chức không thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên; đơn vị có tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021 để họ đủ sức vượt dịch. Từ đó, đơn vị, doanh nghiệp vực dậy sản xuất, kinh doanh, tiếp tục tạo môi trường làm việc cho người lao động. Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp dành cho người sử dụng lao động này trị giá 8.000 tỷ.

Chung tay vì người lao động gặp khó

Ngoài quyết sách mạnh mẽ, kịp thời của Chính phủ, các cấp, ngành cũng đã tích cực triển khai thực hiện để người lao động sớm ổn định cuộc sống cũng được triển khai nhanh chóng, đồng bộ.

Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội là một trong những cơ sở dạy nghề uy tín của TP Hà Nội là một đơn vị tham gia việc đào tạo nghề. Để hỗ trợ người lao động có định hướng và lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn, hạn chế tình trạng thất nghiệp, trường tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang web của trường và phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị… để có những lời khuyên phù hợp, thiết thực giúp người lao động chọn được đúng nghề mà thị trường đang rất cần.

Nhà giáo ưu tú, TS.Phạm Xuân Khánh, cán bộ phụ trách nhà trường cho biết, sau khi mất việc, không ít người đã tranh thủ đi học thêm một nghề ngắn hạn để nhanh chóng kiếm lại việc làm trong bối cảnh mới.

Những ngành nghề được nhiều người đăng ký nhất là thực hành khai và báo cáo thuế, ứng dụng excel trong kế toán, tiếng Anh cho dịch vụ khách hàng, lắp đặt điện công nghiệp dân dụng, lắp ráp - cài đặt máy tính và tin học văn phòng; sửa chữa ô tô (động cơ, gầm, điện), đồng sơn (sơn ô tô); bếp, pha chế, thương mại điện tử, hướng dẫn viên du lịch, đồ họa, điện, điện tử, mỹ thuật ứng dụng, thiết kế quảng cáo, những nghề liên quan đến làm đẹp…

Nhà trường cam kết ngay từ đầu là 100% học sinh, sinh viên học nghề tại trường sẽ có việc làm ngay khi ra trường; đặc biệt nhiều trường hợp có việc làm khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Trường cũng tích cực liên kết với doanh nghiệp, đơn vị uy tín trong và ngoài nước để đào tạo kiến thức đáp ứng tình hình thực tế; cơ sở vật chất hiện đại; thầy cô giáo có tay nghề cao, có kỹ năng giảng dạy, truyền đạt; thường xuyên phối hợp với các nước để cử học sinh sinh viên ra học hỏi, giao lưu…

Sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo học đều được tạo điều kiện miễn hoặc giảm học phí. Nhà trường chủ động xây dựng nhiều chương trình học theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp để đảm bảo người học có việc làm, ngăn nguy cơ thất nghiệp trong tương lai…

Đơn vị khác có vai trò trực tiếp trong việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động là các Trung tâm Dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành phố. Các trung tâm đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa; chủ động đưa giải pháp để người lao động vừa đảm bảo quyền lợi, vừa không mất thời gian và công sức, để yên tâm với hướng đi mới trong thời gian tới.

Tại tọa đàm, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: "Ngoài việc tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chúng tôi tạo điều kiện để người lao động được đảm bảo mọi quyền lợi khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, như việc làm thủ tục chuyển nơi hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; giải đáp, tư vấn thắc mắc liên quan đến gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ; chính sách liên quan đến Nghị quyết 68…".

Sát cánh cùng người lao động vượt khó mùa dịch - 2

Nhà báo Phạm Tuấn Anh - Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí (thứ 2 từ trái sang) tặng hoa cảm ơn các khách mời tham gia tọa đàm.

Đặc biệt, bên cạnh việc hỗ trợ người lao động vượt qua đại dịch trước mắt, lâu dài, để họ có việc làm bền vững, Trung tâm tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm, phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động, hỗ trợ pháp lý, kết nối người lao động, người sử dụng lao động trong, ngoài thành phố về nhu cầu tuyển dụng lao động. Trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, Trung tâm chú trọng hình thức giao dịch online, tức là lập ra nhiều trang thông tin để người lao động dễ dàng tiếp cận thông tin việc làm. Trên các trang thông tin việc làm, Trung tâm thu thập những tư liệu về các đơn vị sử dụng lao động, khi người lao động truy cập và có nhu cầu thì sẽ liên hệ để Trung tâm Dịch vụ Việc làm kết nối.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng tuyển dụng lao động qua hình thức trực tuyến. Trung tâm đang phát triển các trang thông tin trên mạng xã hội. Đây là những kênh mà người lao động dễ dàng kết nối tìm việc, nhất là trong tình hình dịch bệnh.

Với những các chính sách nâng đỡ, hỗ trợ, nỗ lực triển khai của các cấp, các ngành và nội lực của chính mình, người lao động có thể yên tâm vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra, sớm ổn định việc làm, cùng khôi phục, phát triển thị trường lao động bền vững tại Việt Nam.