1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sắp có chìa khóa giải bài toán 'cả họ làm quan'?

Một trong những mục tiêu của Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” (Đề án) là phát hiện người có đức, có tài để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ...

Bởi vậy, nhiều người kỳ vọng Đề án này sẽ là chìa khóa để giải quyết tình trạng “con quan thì lại làm quan” như thời gian qua.

Chọn đúng người tài

Điểm đáng chú ý của Đề án là đã mở rộng đối tượng thi tuyển, kể cả trong quy hoạch và ngoài quy hoạch. “Đầu tiên đối tượng muốn tham gia dự tuyển phải đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của quy chế dự tuyển và trong quy hoạch của chức danh bổ nhiệm.

Tuy nhiên, để thu hút các nguồn và các đối tượng khác thì trong Đề án đã cho phép cơ quan có thẩm quyền quản lý chức danh bổ nhiệm được quyền đề cử thêm những đối tượng có thể nằm ngoài quy hoạch hoặc không phải là đảng viên (những đối tượng này không có quyền tự ứng cử và đăng ký dự tuyển). Đây chính là chủ trương đổi mới của Đảng trong công tác cán bộ”- ông Trương Hải Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) khẳng định.


Quảng Nam tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý năm 2014.

Quảng Nam tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý năm 2014.

Giải thích cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, trong hướng dẫn của Bộ Nội vụ đã dành một quy định riêng cho đối tượng được đề cử tham gia dự tuyển. Theo đó, nhân sự được đề cử tham gia dự tuyển nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì chỉ được tham gia thi vào vị trí cao hơn liền kề so với chức vụ hiện giữ. Ví dụ, trưởng phòng chỉ được dự tuyển chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương.

Trường hợp không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì phải có thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực tối thiểu 3 năm, và chỉ được dự tuyển vào chức danh phó trưởng phòng. “Trong 3 năm công tác, có thể một số anh em có chuyên môn rất tốt nhưng chưa có điều kiện được kết nạp Đảng, đặc biệt ở các đơn vị sự nghiệp, viện nghiên cứu thì vẫn được dự tuyển chức danh Phó trưởng phòng nếu có đề cử ”- ông Nguyễn Duy Thăng lý giải.

Khẳng định Đề án này không làm thay nhiệm vụ của công tác bổ nhiệm cán bộ, mà chỉ là đổi mới khâu đầu, tức là thay vì chọn người, cử người như trước đây, thì nay tổ chức thi để tuyển người, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tin tưởng: “Trong tất cả những người cùng đủ tiêu chuẩn, việc thi tuyển sẽ chọn ra người giỏi nhất…

Đây chỉ là đổi mới phương thức tuyển chọn. Làm được việc này thể hiện tính minh bạch, công khai, dân chủ và chọn được đúng người tài trong công tác cán bộ”.

Thí điểm tại 36 bộ, ngành, địa phương

Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, việc triển khai Đề án chỉ thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đối với trường hợp bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng tương đương. Không thực hiện thi tuyển đối với các chức danh được xác định là cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức hoặc khi xem xét bổ nhiệm lại.

Khi tổ chức thi tuyển phải có từ 02 người trở lên tham gia dự tuyển vào 01 chức danh tuyển chọn. Trường hợp chỉ có 01 người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc không có người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi thì tập thể lãnh đạo và cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm có trách nhiệm đề cử thêm người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển hoặc quyết định không thực hiện việc bổ nhiệm đối với chức danh này cho đến khi có thêm người đăng ký tham gia dự tuyển.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã quyết định danh sách người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển bảo đảm ít nhất có 02 người dự tuyển vào 01 chức danh tuyển chọn, nhưng đến ngày tổ chức thi chỉ có 01 người dự thi thì Hội đồng thi tuyển vẫn tổ chức thi theo kế hoạch.

Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển gồm cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn và đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn.

Đối tượng quy định nêu trên được quyền không đăng ký tham gia dự tuyển trong các trường hợp sau: đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức hoặc bị ốm đau đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên xác nhận; đang trong thời gian được cử đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; cán bộ, công chức, viên chức nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản.

Đáng chú ý, đối với cán bộ, công chức, viên chức không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm, nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và nằm trong quy hoạch của chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn, đang công tác trong cùng bộ, ban, ngành, lĩnh vực, địa phương cũng được quyền đăng ký tham gia dự tuyển.

Công văn hướng dẫn của Bộ Nội vụ cho biết, trước mắt, việc triển khai Đề án được thực hiện thí điểm tại 36 cơ quan, đơn vị (14 bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương và 22 địa phương). Ngoài ra, Bộ Nội vụ khuyến khích các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương không được chọn thực hiện thí điểm, nhưng có chủ trương của cấp ủy, chính quyền thực hiện bổ nhiệm lần đầu thông qua thi tuyển thì được thực hiện tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng theo hướng dẫn tại Công văn số 2499 ngày 31/3/2017 của Bộ Nội vụ.

Theo Báo Pháp Luật VN