Sáng 11/4, Phiên GDVL online: Tạo sự quan tâm của người lao động
Trao đổi với PV Dân trí sáng 11/4, ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc TT DVVL Hà Nội - cho biết: Phiên Giao dịch việc làm (GDVL) online giữa 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc) đã thu hút sự quan tâm của người lao động, đặc biệt là lao động hồi hương từ Hàn Quốc.
Đa dạng chỉ tiêu
Ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc TT DVVL Hà Nội - nhận xét: “Phiên GDVL online dành cho lao động từ Hàn Quốc về nước thu hút 48 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt là doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm số đông. Tổng số chỉ tiêu với gần 6.000 vị trí các ở đầu cầu tuyển dụng”.
Tại đầu cầu online Hà Nội, Phiên GDVL có 11 doanh nghiệp nước ngoài, gần 40 doanh nghiệp trong nước và 600 chỉ tiêu tuyển dụng.
Để chuẩn bị cho chương trình, TT DVVL Hà Nội đã chủ động khảo sát và liên hệ và mời các ứng viên từng đi làm việc ở Hàn Quốc tham gia chương trình. Ngoài ra, Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cũng cung cấp thêm danh sách ứng viên đã về nước cho TT DVVL Hà Nội.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Toàn Phong, các doanh nghiệp đánh giá cao tác dụng của Phiên GDVL online, vừa giúp kết nối nhanh và hạn chế thời gian đi lại của các bên.
Ông Nguyễn Toàn Phong - GĐ TT DVVL Hà Nội, nói về Phiên GDVL online dành cho lao động hồi hương từ Hàn Quốc.
Được biết, Phiên GDVL thu hút nhiều công ty có chỉ tiêu tuyển dụng lớn như Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng (Hải Phòng) tuyển 100 phiên dịch tiếng Hàn và 50 tổ trưởng dây chuyền làm việc dưới xưởng, Công ty TNHH Jahwa Vina (Vĩnh Phúc) tuyển 3.000 công nhân sản xuất, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Hà Nội) tuyển 100 công nhân sản xuất, Công ty Doorien Vina (Thái Nguyên) tuyển 30 công nhân sản xuất và 15 kỹ thuật viên…
Các công ty đăng ký tham gia Hội chợ việc làm đều ưu tiên tuyển những người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc về nước, với chế độ đãi ngộ tốt.
“Sau Phiên GDVL, gần 50 ứng viên dự phỏng vấn tại TT DVVL Hà Nội đã được nhà tuyển dụng hẹn phỏng vấn lần 2. Đây là cơ hội việc làm cho người lao động, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học khi tìm kiếm các việc làm, học nghề. Đặc biệt là người lao động hồi hương từ Hàn Quốc và đang tìm kiếm việc làm cho mình” - ông Nguyễn Toàn Phong nói.
Xu hướng mới
Chương trình thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và người lao động. Theo ông Nguyễn Đức Hoà - Phụ trách nhân sự Cty TNHH Ngọc Dũng (Vĩnh Phúc) cho biết: “Việc phỏng vấn online giúp nhà tuyển dụng và ứng viên có sự giao lưu, tìm hiểu thông tin. Dù cả 2 bên ở cách xa nhau”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hạnh - cán bộ phòng tuyển dụng nhân sự Cty TNHH Mai Lan - cho biết: “Thông qua Phiên GDVL online, chúng tôi được tiếp cận với người lao động. Việc này giúp hạn chế thời gian đi lại của ứng viên. Mặt khác nhà tuyển dụng cũng có thể sơ tuyển bước 1 về ngoại hình ứng viên”.
Cùng tham gia tuyển dụng tại Phiên GDVL online, bà Đỗ Thị Thúy - đại diện một doanh nghiệp tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) - cho rằng nên tăng cường mô hình tuyển dụng online.
“Ngay sau khi có thông tin tuyển công nhân có lương khởi điểm từ 6-8 triệu đồng/tháng, địa điểm làm tại việc tại Hưng Yên, có xe đưa đón. Nhiều ứng viên ở các tỉnh đã quan tâm và đề nghị được phỏng vấn online” - bà Đỗ Thị Thúy.
Trong khi đó, việc phỏng vấn qua mạng cũng được nhiều ứng viên hưởng ứng. Tuyển dụng online giúp lao động vùng sâu, vùng xa biết thêm nhu cầu của doanh nghiệp ở tỉnh khác.
Bạn Nguyễn Văn Hảo (Định Hoá, Thái Nguyên): “Khi còn ở Hàn Quốc, tôi không nghĩ rằng việc tìm thông tin việc làm có thể thực hiện qua các phiên GDVL online như hôm nay.
Thông qua online, người lao động trong tỉnh biết thêm về thông tin việc làm ở các tỉnh khác, thay vì việc họ phải xem trên mạng hoặc đi xe khách tới các tỉnh khác”.
Đồng quan điểm trên, bạn Hoàng Trọng Đạt (Đông Anh, Hà Nội) nhận xét, việc kết nối online giúp doanh nghiệp và người lao động không phải đi lại nhiều.
“Người lao động có thể yên tâm với các thông tin chính xác về việc làm ngoài tỉnh. Hạn chế việc nhận các thông tin việc làm không được kiểm định đang tràn lan trên mạng” - bạn Hoàng Trọng Đạt nói.
Hoàng Mạnh
Tin việc làm:
Tăng trưởng nhu cầu nhân sự cấp trung và cao
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao thông tăng trưởng mạnh với 73% so với cùng kỳ năm 2016.
Đây là kết quả do Công ty cung cấp giải pháp nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search (thuộc Tập đoàn Navigos Group) công bố hôm 11/4 về tình hình thị trường lao động quý 1/2017. Số liệu khảo sát này được tổng hợp này dựa trên nhu cầu tuyển dụng trong ngân hàng dữ liệu khách hàng của Navigos Search.
Theo đó, nhu cầu nhân sự cấp trung, cấp cao tăng 73 %. Năm 2017, nhân sự thuộc các lĩnh vực sau đang được các doanh nghiệp săn đón nhiều, như: Sản xuất, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng và dịch vụ. Về mảng dịch vụ, Navigos Search cho biết, lần đầu tiên mảng này lọt vào top 5 lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất. Các ngành có nhu cầu tuyển nhiều nhất trong lĩnh vực dịch vụ này bao gồm tư vấn tài chính; tư vấn quản lý; tiếp thị quảng cáo và giáo dục. Lĩnh vực sản xuất, mảng xây dựng công nghiệp và xây dựng dân dụng chiếm nhiều nhu cầu tuyển dụng nhất. Tiếp sau là mảng điện, điện tử. Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, nhu cầu tuyển dụng đến nhiều nhất từ các ngành thực phẩm đồ uống và ngành thời trang mỹ phẩm…
N.Q
Quý 2/2017: TP HCM cần khoảng 72.000 chỗ làm việc
Khảo sát của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP HCM (Falmi, Sở LĐ-TB&XH TP HCM), nhu cầu tuyển dụng của Quý II/2017 khoảng 72.000 chỗ làm việc.
Trong đó, nhu cầu lao động lao động trong tháng 4/2017 đạt cao nhất với 26.000 chỗ làm việc, tiếp đó là nhu cầu của tháng tháng 7/2016: 25.000 chỗ làm việc cố định, tháng 5/2017: 21.000 chỗ làm việc. Bên cạnh 26.000 chỗ làm việc cố định của tháng 4, TP HCM còn cần thêm 6.000 lao động thời vụ, bán thời gian.
Lý giải về nhu cầu lao động tháng 4 có phần nhỉnh hơn tháng 5 và 6, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Falmi, cho biết: Tháng tư là thời điểm diễn ra các hoạt động nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và chuẩn bị đón ngày nghỉ 1/5. “Đồng thời, tháng 4 cũng là thời điểm thu hút nhiều nhu cầu tuyển dụng lao động chủ yếu là sinh viên, học sinh và lao động phổ thông ở các nhóm ngành về dịch vụ phục vụ, giao hàng nhanh, lái xe, điều hành xe, tổ chức sự kiện, các dịch vụ du lịch, nhân viên vệ sinh, biên phiên dịch, hướng dẫn viên” - ông Trần Anh Tuấn cho biết. Về ngành nghề, đại diện Falmi cho biết, nhu cầu về trình độ lao động phổ thông chiếm 30%, sơ cấp nghề - CNKT lành nghề chiếm 15%, trung cấp 20%, cao đẳng - đại học - trên đại học 35%. Thị trường lao động tiếp tục có sự dịch chuyển lao động có kinh nghiệm - chuyên môn, tuy nhiên mức độ dịch chuyển không cao bình quân từ 15%.
L.H