1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

"Săn" ghế quản lý tại tập đoàn đa quốc gia

Bạn là một nhà quản lý hoặc một nhân viên có năng lực tuyệt vời, bạn cứ ngồi đấy, sẽ có người đến mời bạn vào một vị trí hấp dẫn. Còn tôi, tôi chỉ là một sinh viên mới ra trường, tôi mơ tới chiếc ghế quản lý tại các tập đoàn đa quốc gia. Và chính tôi phải vào vai “thợ săn”.

Cơ hội chỉ đến với người chuẩn bị

 

Vài năm gần đây, các tập đoàn đa quốc gia lớn tại Việt Nam liên tục đưa ra các chương trình tuyển chọn ứng viên cho các chương trình Management trainee (Quản trị viên tập sự). Đây thực chất là chương trình tuyển chọn và đào tạo nhân viên cho các vị trí quản lý.

 

Lọt qua vòng tuyển chọn, trải qua thời gian khoảng 2 năm vừa làm việc vừa được đào tạo dưới hướng dẫn trực tiếp của các sếp với lương bổng hấp dẫn, di chuyển qua nhiều bộ phận và nhiều chi nhánh của công ty tại các nước... tôi có thể giành được một vị trí quản lý.

 

Năm ngoái, Tập đoàn Maerks đặt chỉ tiêu tuyển chọn khoảng 5 ứng viên cho chương trình Đào tạo toàn cầu. Người trúng tuyển sẽ được đưa sang Đan Mạch đào tạo về luật, kinh tế, vận tải, tài chính và các kiến thức chuyên ngành trong tập đoàn, luân chuyển qua nhiều vị trí để học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị cho công việc quản lý sau này.

 

Công ty Unilever Việt Nam trong vài năm nay cũng liên tục có các chương trình tuyển chọn sinh viên năm cuối cho những vị trí quản trị tương lai của công ty. Hiện nay, Công ty British American Tobacco Việt Nam đang tìm kiếm khoảng 10 sinh viên và Công ty PepsiCo cũng đang tuyển 6 - 10 vị trí cho chương trình Quản trị viên tập sự của mình,…  

 

Các vị trí này rất hấp dẫn, nhưng không phải “thợ săn” nào cũng đủ điều kiện để vào cuộc. Để có thể dự tuyển (nhớ là mới chỉ dự tuyển thôi nhé), tôi phải chuẩn bị từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Các yêu cầu của những chương trình này nói chúng rất rõ ràng: học lực giỏi, tiếng Anh lưu loát, thích thử thách và có óc sáng tạo, năng động, có hoài bão và đam mê học tập không ngừng.

 

Thi tuyển - cuộc chiến cân não

 

Chương trình của Maerks nhắc tới ở trên chỉ tuyển khoảng 5 ứng viên từ 300 - 400 sinh viên ngoại thương. Mỗi năm, Unilever chỉ chọn ra khoảng 20 - 25 sinh viên xuất sắc từ hơn 1.000 người dự tuyển... Cứ nhìn tỷ lệ trên cũng đủ thấy độ “gay cấn” của các vòng tuyển chọn.

 

Quy trình tuyển chọn của các công ty không giống nhau, nhưng tựu trung lại thường gồm những nội dung sau: kiểm tra trình độ ngoại ngữ (có nơi thêm cả giải toán bằng ngoại ngữ - tương tự như bài thi GMAT), kỹ năng làm việc theo nhóm, phỏng vấn trực tiếp... Vòng cuối cùng thường là phỏng vấn về chuyên môn. Càng vào vòng trong, cuộc chiến càng căng thẳng.

 

Ý kiến người trong cuộc

 

Ông Trần Trọng Gia Vinh, Giám đốc nhân sự Công ty PepsiCo:

 

Công ty chúng tôi dành nguồn kinh phí thường xuyên để đào tạo các quản trị viên tập sự, bao gồm: Lương nhân viên trong 18 tháng tham gia chương trình; đầu tư về chương trình đào tạo cho người chưa có kinh nghiệm; thời gian, kiến thức và kinh nghiệm của các nhà quản lý hiện tại khi hướng dẫn nhân viên. Chương trình khá tốn kém, nhưng chúng tôi xác định cái mà công ty thu lại được là đội ngũ quản lý kế tiếp thì giá trị hơn nhiều

 

Cô Elexis Phạm, Trợ lý giám đốc nhân sự Công ty BAT Việt Nam:

 

Đã vượt qua vòng tuyển chọn, tham gia chương trình Quản trị viên tập sự của BAT thì tỉ lệ các bạn vượt qua chương trình một cách thành công và tham gia vào đội ngũ quản trị gần như là 100%. Bản thân tôi cũng khởi đầu bằng vai trò Quản trị viên tập sự tại Phòng Nhân sự.

 

Bạn sẽ xử lý như thế nào khi người ta đưa cho bạn khoảng 40 câu tiếng Anh và trong vòng 30 phút, bạn phải quyết định xem nó đúng hay sai? Bạn bắt buộc phải đọc hiểu và quyết định thật nhanh, không có thời gian để ngẫm nghĩ.

 

Quyền Anh, sinh viên Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) kể lại kinh nghiệm một lần dự tuyển của mình: “Người phỏng vấn đưa ra một cái bút bi rất bình thường rồi hỏi là: Theo em thì công dụng của cái bút để làm gì?. 90% người được hỏi đều trả lời là để viết, để... quay, để trang trí... Mình thì trả lời: Dùng để hỏi câu hỏi này! Nhưng cuối cùng chẳng ai được tiết lộ đáp án chính xác của câu này là gì”.

 

Thúy Hà, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: “Người phỏng vấn sẽ thử khả năng tiếng Anh của bạn bằng cách hỏi về bản thân bạn, hỏi xung quanh kinh nghiệm làm việc của bạn. Lưu ý là bất cứ cái gì bạn nói ra đều bị hỏi lại, bị yêu cầu lấy ví dụ cụ thể. Không cần khiêm tốn hay khoe khoang, cái chính là phải chứng minh được điều mình nói là đúng. Theo bản thân mình thì thấy nên thật thà, không nên bịa lung tung, người ta vặn một tẹo là lộ ngay”.

 

Tuấn Anh, cựu du học sinh Malaysia kể về kinh nghiệm vòng thi làm việc theo nhóm tại một công ty dịch vụ dầu khí đa quốc gia: “5 ứng viên cùng vào một lượt. Người ta đưa ra 100 tờ giấy và yêu cầu tạo thành một chiếc tháp, càng cao càng tốt. Mình nhận thấy là cậu nào đưa ra được ý kiến đồng thời... to mồm nhất thì được đánh giá cao về khả năng lãnh đạo và giao tiếp”.

 

Những vòng phỏng vấn gắt gao như vậy mới chỉ là thách thức đầu tiên đặt ra cho các nhà quản trị tương lai. Mỗi công ty có đặc trưng riêng, vì thế chương trình đào tạo nhân viên của họ rất khác nhau, nhưng có điểm chung là bạn sẽ phải nỗ lực hết mình, căng hết đầu óc và sức lực ra để học hỏi và làm việc thực sự và đừng mong có sự xả hơi.

 

Tuấn Anh kể tiếp về chương trình quản trị viên tập sự tại công ty dầu khí đa quốc gia trên: “Giai đoạn đầu, bạn được huấn luyện về an toàn, cứu hộ. Ví dụ như bạn phải làm thế nào để thoát ra khi đang ngồi trên xe và xe ôtô của bạn bị bay xuống nước. Không chỉ lý thuyết đâu, bạn phải làm thật. Bạn có thể được gửi đi xa, tới chi nhánh ở những vùng hoang vu, làm việc 12 tiếng/ngày.

 

Phần cuối của khóa huấn luyện, tùy họ nhận xét năng lực của bạn phát triển theo hướng nào thì tốt nhất, bạn có thể được gửi đi học một khóa MBA hoặc tham dự một dự án tại một trung tâm nghiên cứu. Và sau đó, một vị trí quản lý với mức lương hàng chục nghìn USD đang đợi bạn. Nói chung, bạn không bị ràng buộc về mặt pháp lý và có thể xin nghỉ bất kỳ lúc nào nếu nhận thấy không thể tiếp tục được nữa...”.

 

Bạn thấy đó, vị trí quản lý tại những tập đoàn đa quốc gia - trái táo thơm nhưng không hề dễ hái với những người thiếu ý chí!

 

Theo Phương Nguyên

Thanh Niên