Sàn GDVL Hà Nội: Thu hút hơn 117.000 lao động tới tìm việc làm
“Năm 2015, Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội đã thu hút 117.365 lao động, trong đó có hơn 22.000 lao động trúng tuyển. Tỉ lệ kết nối cung cầu tăng dần vào các tháng cuối năm. Năm 2015 cũng đánh giá sự phát triển vượt bậc về tần suất tổ chức các Phiên GDVL với hiệu quả tốt”.
Trong những ngày đầu năm 2016, lãnh đạo Trung tâm DVVL Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) trao đổi với PV Dân trí về công tác triển khai hoạt động Sàn GDVL Hà Nội trong năm qua.
Tăng kết nối cung cầu
Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc TT DVVL Hà Nội cho biết: “Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tỉ lệ kết nối cung cầu năm 2015 của Sàn GDVL đạt 33.9%. Sở dĩ có sự gia tăng về hiệu quả kết nối cung cầu năm 2015 là do có sự chỉ đạo của Ban giám đốc trong việc thực hiện công tác chuyên môn và kết quả của việc tăng tầng suất tổ chức phiên GDVL từ 4 phiên/tháng thành 2 phiên/tuần”.
Theo TT DVVL Hà Nội, năm 2015 đánh dấu sự phát triển vượt bậc về quy mô cũng như cách thức tổ chức tổ chức các phiên GDVL. Điều này thể hiện rõ nét khi TT DVVL Hà Nội đã tập trung đầu tư con người, cơ sở vật chất, hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng các phiên GDVL định kỳ. Đồng thời, TT đã đưa bộ phận tư vấn cho lao động đi vào hoạt động.
“Về nguồn cung lao động đến tham gia Phiên GDVL, chủ yếu là lao động trẻ, mới ra trường. Một số bạn trẻ chưa có kinh nghiệm làm việc, thiếu kỹ năng mềm, ngại làm công việc khó khăn nhưng lại yêu cầu lương cao. Điều này phần nào khiến các doanh nghiệp không muốn tuyển các “cô chiêu, cậu ấm” vào làm việc” - bà Vũ Thị Thanh Liễu nhận xét.
Do địa bàn Hà Nội tập trung đa dạng các đối tượng lao động, Trung tâm đã tổ chức các phiên GDVL chuyên đề, như: Phiên GDVL thời vụ - bán thời gian, Phiên GDVL chuyên đề dành cho bộ đội xuất ngũ, Phiên chuyên đề nhà hàng - khách sạn, Phiên chuyên đề bán hàng - marketing. Ngoài ra, TT còn tổ chức các phiên lồng ghép tuyển dụng lao động khuyết tật, GDVL lồng ghép tuyển dụng lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS...
Bên cạnh thành tích đạt được, bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó giám đốc TT DVVL Hà Nội, cũng thẳn thắn thừa nhận: “Nhiều doanh nghiệp đến với Sàn GDVL còn ở quy mô vừa và nhỏ. Do đó họ chưa đưa ra chính sách và đãi ngộ đầy đủ đối với người lao động, môi trường làm việc chưa chuyên nghiệp, mức lương chưa thỏa đáng nên chưa thu hút được lao động.
Một số doanh nghiệp còn yêu cầu người lao động đặt cọc tiền, đặt bằng gốc cũng như chưa thực hiện đúng nội dung rao tuyển. Điều này gây khó khăn cho người lao động cũng như làm giảm niềm tin của lao động đến làm việc tại doanh nghiệp đó”.
Chú trọng nhiều cải tiến
Theo Ban Giám đốc TT DVVL Hà Nội, trong năm 2016, Trung tâm xác định tiếp tục tổ chức 2 phiên GDVL định kỳ /tuần vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần tại Sàn GDVL với quy mô: Từ 25 - 30 đơn vị/phiên, phấn đấu mỗi phiên GDVL có khoảng 500 -700 chỉ tiêu tuyển dụng và khoảng trên 200 lao động sẽ được tuyển dụng tại mỗi Phiên. Đảm bảo tỷ lệ kết nối cung - cầu lao động tại Phiên GDVL bình quân đạt 25%.
Để thực hiện mục tiêu trên, các giải pháp về tuyên tuyền sẽ được chú trọng hơn. Ông Nguyễn Toàn Phong cho biết: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cụ thể: Đa dạng hóa các kênh tuyên truyền thông qua Hội phụ nữ, Thanh niên, Hội cựu chiến binh thông tin đến phường, xã. Trung tâm sẽ đăng ký với cơ quan chức năng để bố trí các tấm baner thông tin về các Phiên GDVL tại nhiều khu vực công cộng”.
“Chúng tôi xác định, mô hình tổ chức Sàn GDVL theo hình thức hằng ngày, để doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm nhiều ứng viên phù hợp cũng như tạo điều kiện cho người lao động sớm tìm được việc làm theo mong muốn” - Bà Vũ Thị Thanh Liễu nói.
Đồng thời, TT DVVL Hà Nội chủ trương tăng cường phối hợp với phòng tuyển sinh, hướng nghiệp của các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp và các trường dạy nghề để thông tin, tuyên truyền về Sàn GDVL.
Về thủ tục tổ chức các Phiên GDVL, TT DVVL xác định việc cải tiến theo hướng đơn giản hóa qui trình, thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia.
“Đơn cử như việc mời doanh nghiệp tham gia phiên GDVL. Cán bộ tư vấn cần giới thiệu đầy đủ với doanh nghiệp về trách nhiệm, nghĩa vụ; nội quy và nội dung hoạt động của Sàn GDVL. Các thông tin về hoạt động của phiên GDVL sẽ được chuyển tới các đơn vị, người lao động thông qua nhiều “kênh” như báo chí và phóng sự qua màn hình điện tử trước và trong suốt thời gian diễn ra Phiên GDVL” - bà Vũ Thị Thanh Liễu nói.
Ngoài ra, TT DVVL Hà Nội còn chủ trương tăng cường phát triển website: “vieclamhanoi.gov.vn” thành kênh tra cứu thông tin việc làm trực tuyến cung cấp rộng rãi, miễn phí các thông tin tuyển dụng, tuyển sinh cho người lao động.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu: “Website này sẽ là nơi cập nhật thường xuyên các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp có nhiều chỉ tiêu tuyển dụng, thông báo tới người lao động và các bên liên quan các chính sách và thông tin mới của TT. Đồng thời, website cũng là kênh thông tin cung cấp cho các báo mạng, báo giấy làm công tác tuyên truyền về lao động việc làm”.
Phan Minh
Clip: Bà Vũ Thị Thúy Liễu - PGĐ TT DVVL Hà Nội nói về lợi ích khi tham gia Phiên GDVL dành cho lao động hưởng BHTN vừa được TT tổ chức.
Bà Vũ Thị Thúy Liễu - PGĐ TT DVVL Hà Nội nói về lợi ích của lao động khi tham gia Phiên GDVL dành cho lao động hưởng BHTN vừa được TT tổ chức.
TIN LIÊN QUAN:
Từ 1/1/2016: Nhiều quy định mới về chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định về Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của Luật làm việc, nhiều chính sách mới sẽ được áp dụng từ ngày đầu tiên của năm 2016 trên toàn quốc, theo hướng có lợi cho người lao động.
Về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, doanh nghiệp sẽ thực hiện việc đóng cho người lao động. Việc trích từ tiền lương tháng của NLĐ để đóng vào Quỹ BHTN với tỉ lệ đóng là 2 %, trong đó: Doanh nghiệp đóng 1%, người lao động đóng 1% tiền lương tháng. Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính đóng BHTN là mức lương tối thiểu vùng và mức tối đa là 20 lần mức lương tối thiểu vùng.
Về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trong tất cả các cơ quan, đơn vị. Nếu người lao động có ký hợp động lao động với nhiều công ty thì công ty đầu tiên phải có trách nhiệm tham gia BHTN cho người lao động.
Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng: Bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do doanh nghiệp quyết định.
V.M
Cả nước có hơn 53 triệu người có việc làm
Đây là kết quả khảo sát của Bản thị trường quý 4/2015 vừa được Bộ LĐ-TB&XH công bố. So với quý 3/2015, số người có việc làm tăng 332.640 người (0,62%), khu vực thành thị tăng 707.090 người (4,18%).
Về tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, trong quý 4/2015, cả nước có 1.051.600 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó nữ có 461 200 người (chiếm 43,9%). Khu vực thành thị có 502.900 người (chiếm 47,8%). Khảo sát cũng cho thấy, số người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp tăng ở nhóm chứng chỉ nghề dưới 3 tháng (26.230 người) và trung cấp chuyên nghiệp (3.540 người).
Theo Bộ LĐ-TB&XH, nguy cơ thất nghiệp với lao động độ tuổi thanh niên đáng báo động. Điều này cũng cho thấy vai trò quan trọng của việc giáo dục đào tạo cũng như công tác chuyển dịch lao động từ nhà trường tới môi trường việc làm là rất quan trọng. Bản tin thị trường lao động cho thấy thực tế: Ngành bán buôn bán lẻ và sửa chữa ôtô, mô tô, xe máy, xe có động cơ khác có nhu cầu gia tăng lao động tăng nhiều nhất so với quý 3, tăng 173.000 người. Ngoài ra, ngành giáo dục - đào tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo và nghệ thuật, vui chơi và giả trí cũng thu hút lao động, việc làm mạnh mẽ trong thời điểm gần đây.
T.H
Phan Minh