ĐBSCL:
Rủi ro khi lao động tự tìm doanh nghiệp đi làm việc ở nước ngoài
(Dân trí) - Thời gian gần đây, ở khu vực miền Tây không ít trường hợp lao động làm việc ở nước ngoài vướng vào lao lý hoặc vỡ nợ vì tin những “cò lao động” đưa đi làm việc với chi phí thấp, nhanh, lương cao…
Rủi ro cho người lao động tự tìm DN…
Khoảng vài năm trở lại đây tại miền Tây, phong trào đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động bắt đầu sôi động trở lại. Đơn cử như tại tỉnh Đồng Tháp. Từ 2014, tỉnh ủy Đồng Tháp ban hành Nghị quyết xem công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền theo từng quý, từng năm.
Từ đó, người đứng đầu mỗi địa phương phải có kế hoạch phối hợp với Trung tâm DVVL Đồng Tháp (đơn vị được giao là đầu mối) về công tác tuyên truyền đến người dân về những chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với lao động khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Mỗi năm các huyện, thị đều đăng ký số lượng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cụ thể…
Nhờ đó, trung bình mỗi năm, Đồng Tháp đưa từ 1.500 - 2.000 lao động đi làm việc ở Nhật, Hàn Quốc. Tính đến nay, trên 8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (thị trường Nhật Bản chiếm trên 80%), mỗi năm mang về về cho Đồng Tháp hàng ngàn tỷ đồng.
Những năm gần đây, nhiều tỉnh ở miền Tây bắt đầu chú trọng công tác đưa người dân đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn, như An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP Cần Thơ… Tuy nhiên, những địa phương này, con số lao động đi làm việc ở nước ngoài còn khiêm tốn, nhất là từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, gần như bị “trụ lại”.
Nhưng hiện nay, nhiều tỉnh không tập trung về một đầu mối như Đồng Tháp, vì thế các doanh nghiệp (DN) có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tự do đến địa phương tuyển dụng, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, thông tin không thống nhất làm người lao động hoang mang, lo lắng.
Nhều lao động thông qua nhiều kênh tự tìm đến các doanh nghiệp và ẩn chứa nhiều rủi ro.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp - cho biết, vừa qua tại huyện Hồng Ngự có một lao động đi Nhật làm việc nhưng không qua Trung tâm DVVL Đồng Tháp để được tư vấn hỗ trợ sang Nhật.
Khi lao động này qua Nhật làm việc ở lĩnh vực xây dựng, lao động này không chịu được áp lực công việc, chế độ lương bổng, chỗ ở cách nơi làm việc quá xa… Cuối cùng lao động bỏ trốn ra bên ngoài và bị chính quyền sở tại bắt giam. Gia đình chạy đến Trung tâm “cầu cứu” và thông qua nhiều cách, Trung tâm hỗ trợ gia đình để đưa lao động về nước.
Qua sự việc nêu trên, bà Tuyết cảnh báo người lao động, hiện nay, một số “cò lao động” đánh vào tâm lý người lao động là muốn đi nhanh, chi phí thấp, lượng cao nhưng thực tế không đúng như vậy. Người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài hãy đến chính quyền địa phương, Trung tâm DVVL mỗi tỉnh sẽ được tư vấn và được những chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Đặc biệt, các đơn hàng đều được Trung tâm thẩm định kỹ, từ chế độ lương bổng, chỗ ăn ở, công việc nên người lao động sẽ có công việc đúng như DN đã giới thiệu trước đó.
Bà Tuyết cũng nhấn mạnh, không có DN lừa đảo nhưng chỉ là con người lừa đảo người lao động. Vì khi lãnh đạo DN không quản lí hết nhân viên để nhân viên mốc nối với cò lao động, từ đó để đảm bảo số lượng, chỉ tiêu thì xảy ra tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật.
Cần quy về một đầu mối…
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP Cần Thơ kể, vừa qua Trung tâm cũng biết một lao động ở TP Cần Thơ cũng gặp cảnh “dở khóc dở cười” khi người này được người quen giới thiệu một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đưa sang Hàn Quốc làm việc.
Kết quả, chi phí cao, lương thấp, công việc không như DN giới thiệu nên sau khi làm việc vài tháng, lao động này xin về nước và mắc một khoản nợ lớn.
Theo bà Vân, hiện nay, có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài theo con đường du lịch. Việc này rất rủi ro cho người lao động, nhất là khi nước sở tại phát hiện lao động bất hợp pháp.
Ngoài ra, khi người lao động đi bằng con đường này, phải bỏ tiền túi cho chi phí xuất cảnh, dẫn đến áp lực nợ nần, dễ dàng bị lôi kéo trốn ra ngoài làm việc. Và khi ra ngoài làm việc sẽ bị chèn ép, dẫn đến bỏ trốn và người lao động sẽ gặp nhiều rắc rối.
Trung tâm dịch vụ việc làm TP Cần Thơ cho biết, qua số liệu thống kê của Cục quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐTBXH), tại TP Cần Thơ có hơn 500 lao động đang làm việc nước ngoài. Tuy nhiên, qua qua nhiều kênh có hơn 100 lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ giới thiệu nên số lao động đi tự do là khá cao.
Bà Vân mong muốn, ngoài các sở, ngành TP Cần Thơ cùng chung tay với Trung tâm DVVL thì rất cần báo chí kịp thời hỗ trợ thông tin chính thức đến người dân càng nhiều càng tốt để người lao động biết các thông tin nào hữu ích. Do việc đi làm việc ở nước ngoài là phức tạp.
Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp - chia sẻ: “Từ kinh nghiệm của Đồng Tháp trong công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhiều năm qua cho thấy, khi lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp giao về một đầu mối là Trung tâm DVVL Đồng Tháp, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chuyển biến rõ nét.
Bởi Trung tâm có trách nhiệm bám sát các hoạt động DN ở địa phương và sâu sát với người lao động từ lúc học đến lúc đi và kể cả khi về nước. Vì thế, chưa có trường hợp nào người lao động đi qua Trung tâm DVVL gặp rủi ro gì”.
Bà Tuyết nhấn mạnh, chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chương trình lớn và rất ý nghĩa, vì giúp hàng ngàn lao động có thu nhập cao, ổn định. Đặc biệt là người lao động học hỏi những kỹ năng lao động, đưc tính tốt của người Nhật…
Do đó, cần tổ chức chặt chẽ, không để người lao động tự do đi không qua đầu mối, vì một khi có nhiều lao động bị vỡ nợ, bắt bớ… sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh và cả nước.
Theo bà Tuyết, sắp tới Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp sẽ kiến nghị đến UBND tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, sẽ nâng cấp từ cơ sở vật chất đến con người để có khoảng 60% lao động được đào tạo (ngoại ngữ, tay nghề, pháp luật nước sở tại…) tại Đồng Tháp để giám chi phí cho người lao động, thay vì lao động phải lên TP Hồ Chí Minh đào tạo như hiện nay.