1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Rời TPHCM lên núi trồng cà phê, 8X nhận kết quả không ngờ

Minh Hậu

(Dân trí) - Đang kinh doanh tốt ở TPHCM nhưng anh Bùi Xuân Thắng quyết định lên Đà Lạt (Lâm Đồng) cuốc đất trồng cà phê để rồi nhận kết quả không ngờ.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, anh Bùi Xuân Thắng (36 tuổi, trú tại thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) từng có thu nhập ổn định từ việc kinh doanh ở TPHCM. Tuy nhiên, vào năm 2014, anh quyết định dừng việc, chuyển lên Đà Lạt sinh sống, lập nghiệp.

"Hồi đó, vì đam mê với nông nghiệp nên tôi đã dùng số tiền tích góp được mua lại khu vườn cà phê của một hộ dân tại xã Xuân Trường, vùng Cầu Đất, thành phố Đà Lạt. Có vườn, tôi bắt tay vào làm và tìm kiếm thị trường, dần mở rộng quy mô sản xuất", anh Thắng chia sẻ.

Rời TPHCM lên núi trồng cà phê, 8X nhận kết quả không ngờ - 1

Anh Thắng nghỉ việc ở TPHCM, chuyển lên Đà Lạt trồng cà phê (Ảnh: Minh Hậu).

Theo anh Thắng, những ngày đầu bắt tay vào sản xuất cà phê, anh gặp nhiều khó khăn do cây bị sâu, bệnh hại. Lúc bấy giờ, không nản, anh tìm gặp những nông dân trong vùng để học hỏi cách chăm bón, điều trị bệnh cho cây. Anh cũng tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu về quy trình canh tác cà phê.

Năm 2015, khi cây trên vườn phát triển kém, năng suất thấp, giá cà phê không cao, anh Thắng quyết định chuyển sang sản xuất cà phê hữu cơ. Anh liên kết với các hộ dân trong vùng để chuyển đổi khoảng 29ha vườn cây già cỗi sang trồng lứa cà phê mới theo phương pháp không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.

Theo anh Thắng, để cây sinh trưởng tốt, anh sử dụng các loại phân bón vi sinh, hữu cơ, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ.

Rời TPHCM lên núi trồng cà phê, 8X nhận kết quả không ngờ - 2

Cà phê hữu cơ do anh Thắng sản xuất được nhiều doanh nghiệp nước ngoài thu mua (Ảnh: Minh Hậu).

Đến năm 2019, số cà phê trên diện tích 29ha phát triển mạnh mẽ. Anh còn nhận được sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật từ ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng trong việc phát triển cà phê hữu cơ. Khu vườn 29ha của nhóm nông dân do anh Thắng đứng đầu đã đạt chứng nhận nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Theo anh Bùi Xuân Thắng, việc sản xuất cà phê hữu cơ cho kết quả cao về năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, thời gian đầu, sản phẩm không có đầu ra ổn định nên anh phải bán loại cà phê hữu cơ này cho thương lái với giá bằng cà phê thông thường.

"Để có đầu ra tốt cho cà phê hữu cơ, tôi đã mang sản phẩm đến nhiều nơi, tìm gặp nhiều doanh nghiệp lớn để giới thiệu. May mắn, sau đó có doanh nghiệp Hàn Quốc chấp nhận và ký hợp đồng tiêu thụ với giá cao hơn thị trường 30%", anh Thắng chia sẻ.

Tiếng lành đồn xa, đến nay, toàn bộ sản phẩm cà phê hữu cơ từ các khu vườn của anh Thắng đã được nhiều công ty bao tiêu. Hiện nay, anh đã mở rộng vùng sản xuất, liên kết với hàng chục hộ dân khác ở vùng cà phê Cầu Đất của Đà Lạt với tổng diện tích gần 100ha.

Anh Bùi Xuân Thắng cho biết, năm 2024, ngoài xuất khẩu qua thị trường Hàn Quốc, sản phẩm còn vươn tới Nhật Bản, Mỹ, Canada, Ý, Úc...

Ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, cho biết mô hình cà phê hữu cơ của anh Bùi Xuân Thắng đang mang lại hiệu quả thiết thực cho vùng Cầu Đất.

Rời TPHCM lên núi trồng cà phê, 8X nhận kết quả không ngờ - 3

Một hộ nông dân liên kết sản xuất cà phê với anh Thắng (Ảnh: Minh Hậu).

Cách làm này góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Mô hình liên kết sản xuất giữa anh Thắng và người dân góp phần tăng thu nhập, tạo sự phát triển bền vững ở địa phương.

Hiện nay, anh Thắng đã thành lập doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động chính thức với mức lương 8-10 triệu đồng/tháng, 15 lao động thời vụ với lương 6-7 triệu đồng/tháng.

Để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn, công ty của anh của anh Thắng tổ chức thu hái theo phương thức chọn lọc, hái quả chín 100%. Cà phê sau thu hái sẽ được sơ chế và chuyển đến nhà máy chế biến.

Công ty hiện thu mua cà phê cho các hộ dân liên kết với mức giá cao hơn giá cà phê truyền thống trên thị trường khoảng 3.000 đồng/kg.