Rối bời vì lao động xuất khẩu: chưa đi đã về
(Dân trí) - Huyện Đak Rông có 109 /197 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) phải xuất cảnh về lại địa phương. Tình trạng lao động vi phạm nội quy khi làm việc ở nước ngoài bị trả về đang khiến cơ quan chức năng rối bời.
Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Rông cho biết, trong số 60/96 lao động đã xuất cảnh phải về lại địa phương năm 2009 có đến 50 người dân tộc thiểu số (83,33%); năm 2010 có 109 LĐ/197 LĐ xuất cảnh phải về lại địa phương, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 89,91% (98 người).
Đáng buồn hơn, từ tháng 4/2011 đến nay, ngành xuất khẩu lao động đang đứng trước nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc. Bởi theo thống kê từ Trung tâm Lao động Ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), trong tổng số 55.608 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, có tới 8.436 người đang cư trú bất hợp pháp, trong đó tỷ lệ này trong Chương trình EPS là 8,5% (đến tháng 3/2011), đứng thứ 7 trong 15 quốc gia phái cử nhưng lại đứng đầu về con số tuyệt đối (4392 người). Người lao động Việt Nam cũng bị xếp vào top hay thay đổi công việc so với các lao động các nước khác,với tỷ lệ lên đến 32%, tương đương 22.455 người trong một năm. Thực trạng này đã dẫn tới việc, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã cân nhắc đến biện pháp hạn chế việc tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn hoặc cắt giảm chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ta. Thậm chí, nếu tiếp tục diễn biến nghiêm trọng thì phía Hàn Quốc có thể áp dụng biện pháp dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động sang Hàn Quốc.
Với mức lương bình quân từ 900 – 1.100 USD/người/tháng khi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, nhiều gia đình có người đi XKLĐ vốn thiếu ăn trước đó đã tìm được cơ hội đổi đời. Hay chỉ với mức thu nhập khiêm tốn, 400- 600 USD khi làm việc tại Đài Loan, nhiều nữ lao động đã tích cóp được số vốn khá, để khi trở về nước có thể điều kiện phát triển kinh tế trong gia đình…
Lãnh đạo, Cục Quản lý lao động Ngoài nước nhiều lần cũng bày tỏ: Tình trạng ngày lao động Việt Nam phải xuất cảnh về nước sớm đang có xu hướng gia tăng đang là thách thức không nhỏ và cũng là “vết đen” đối với ngành xuất khẩu lao động. Đã từ nhiều năm nay, lao động Việt Nam được chủ sử dụng ngoài nước đánh giá khá cao về sự khéo léo, tính cần cù, chịu khó. Tuy nhiên, tính kỷ luật, khả năng chấp hành và thực hiện nội quy trong quá trình sản xuất của của lao động nước ta lại bộc lộ nhiều yếu kém, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh trong mắt chủ sử dụng lao động.
Cũng theo nhận định của lãnh đạo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, năm 2011 Chính phủ đặt chỉ chỉ tiêu đưa 87.000 lao động đi xuất khẩu. Tuy nhiên, ngày từ đầu năm cuộc chiến tại Libya đã khiến hơn 10 nghìn lao động Việt Nam phải trở về nước. Trước đó là việc dừng tiếp nhận vô thời hạn lao động Việt Nam của Qatar cộng với tình trạng thất nghiệp, cắt giảm lao động gia tăng tại nhiều nước càng tình hình xuất khẩu thêm khó khăn. Trong khi đó, sức ép cạnh tranh về chất lượng lao động từ nhiều quốc gia xuất khẩu lao động khác như: Trung Quốc, Indonexia…đang thể hiện ngày càng gay gắt. Nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo, nếu lao động Việt Nam không cải thiện chất lượng cả về trình độ và tính kỷ luật thì mục tiêu xuất khẩu trong các năm tiếp theo sẽ ngày càng khó khăn.
P. Thanh