1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Rộ tin nhắn dụ xin việc mức lương 30 triệu đồng dịp cuối năm

Xuân Hinh

(Dân trí) - Chưa kịp vui mừng vì được giới thiệu công việc mới với mức lương 30 triệu đồng/tháng, chị Thu được yêu cầu đóng 3 triệu đồng tiền phí đảm bảo, ký quỹ 10 triệu đồng, mỗi tháng có thể lời 90 triệu đồng.

Rộ tin nhắn dụ xin việc mức lương 30 triệu đồng dịp cuối năm - 1

Chị Thu và nhiều người dân ở TPHCM liên tục nhận được các tin nhắn giới thiệu công việc với mức lương "khủng".

Những ngày gần đây, chị Nguyễn Thiều Thu (ngụ quận Tân Phú) và nhiều người dân ở TPHCM đều đồng loạt nhận được các tin nhắn giới thiệu việc làm với mức lương "khủng". Các nội dung tin nhắn đều được gửi từ các địa chỉ mail "rác"; mail dùng mật khẩu, ký tự không rõ ràng.

Cụ thể, chị Thu nhận được tin nhắn từ địa chỉ hcp.nuoqfitg.jy.mqk@gmail.com với nội dung: "Xin chào, bạn có muốn tìm công việc bán thời gian không? Với mức lương 5 triệu - 30 triệu 1 tháng, mỗi ngày ít nhất 500k không phí phụ thu. Công việc đơn giản, làm tại nhà. Nếu bạn muốn tham gia với công việc này xin hãy liên hệ ngay với Zalo ID: 841663068xxx dưới 23t xin vui lòng không tham gia. Sao chép liên kết vào trình duyệt: https://zalo.me/841663068xxx 1 đến 1 dịch vụ".

"Khi mình gọi qua ứng dụng zalo đến số điện thoại trên thì có một người đàn ông nghe máy và xưng là công ty công nghệ đa quốc gia. Họ nói mình chỉ cần đăng nhập vào các đường link họ gửi rồi cung cấp thông tin cá nhân, thông tin số tài khoản, địa chỉ... rồi sau đó kêu gọi bạn bè cùng tham gia. Mỗi thành viên tham gia mình được hoa hồng 500.000 đồng, và mình phải đóng tạm ứng phí đảm bảo 3 triệu", chị Thu kể.

Nghi ngờ đây là đường dây lừa đảo, chị Thu hỏi địa chỉ công ty để lên đóng tiền trực tiếp người đàn ông trả lời vòng vo và cho rằng chị Thu thiếu hiểu biết.

"Họ nói đây là công ty đa quốc gia, làm việc trực tuyến trên mạng xã hội, không có trụ sở. Cách đóng tiền duy nhất là mua card điện thoại rồi gửi qua zalo cho hệ thống. Mình có đọc báo thấy tình trạng lừa đảo này nên mình không chuyển tiền cho họ", chị Thu chia sẻ.

Rộ tin nhắn dụ xin việc mức lương 30 triệu đồng dịp cuối năm - 2

Anh Triều được giới thiệu đầu tư 10 triệu mỗi tháng lời 90 triệu đồng.

Anh Nguyễn Công Triều (34 tuổi, ngụ tại Quận 11) cũng thường xuyên nhận được các tin nhắn tương tự của chị Thu. Có những ngày anh Triều bị "dội" gần 30 tin nhắn để mời chào những công việc "hái ra tiền" dù chẳng phải làm gì.

Các tin nhắn mời chào việc làm cũng sử dụng nhiều câu từ hấp dẫn để thu hút người đọc như: "Đầu tư siêu lợi nhuận kiếm tiền online mới nhất hiện nay", "Chỉ cần 1 chiếc điện thoại với những thao tác căn bản có thể thu về 30% lợi nhuận ổn định", "Đừng để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa thay vào đó là kiếm thêm thu nhập thụ động".

"Mình mất việc 2 tháng nay nên khi nhận tin nhắn cũng mừng. Họ nói không cần làm gì cả, cứ gửi cho họ 10 triệu đồng thì một tháng sẽ lời 90 triệu, gửi cho họ 5 triệu thì mỗi tháng sẽ lời 45 triệu đồng... Khi mình nói mình chỉ còn 500.000 đồng thì họ nói cứ gửi cho họ, mỗi tháng họ sẽ trả 5 triệu đồng. Đến đây mình nghĩ chắc là lừa đảo nên không tham gia", anh Triều kể lại.

 Thời gian qua, nhiều người dân cũng phản ánh nhận được các tin nhắn mạo danh của các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki... để mời chào đi làm với mức lương "khủng". Các đối tượng gửi tin nhắn hoặc cuộc gọi giả mạo, có kèm đường link liên kết lừa đảo và yêu cầu khách khai báo thông tin cá nhân, lừa đảo thông tin trúng thưởng rồi yêu cầu người nhận trả thêm phí vận chuyển hoặc hỗ trợ.

Trả lời báo chí, đại diện Lazada, Tiki đều khẳng định những tin nhắn, cuộc gọi người dân nhận được đều giả mạo danh để trục lợi. Các sàn thương mại điện tử không bao giờ tuyển dụng thông qua tin nhắn "rác" như vậy.

Trước đó, Công an TPHCM cũng đã nhiều lần phát đi cảnh báo về tình trạng các đối tượng xấu mạo danh các hình thức đầu tư, xin việc... để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Công an TPHCM cảnh báo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi nhấn vào các đường link kèm theo tin nhắn.

Mặt khác, người dân cũng hết sức cảnh giác trước những tin nhắn yêu cầu điền thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân, đặc biệt là OTP từ ngân hàng để tránh bị lừa đảo.

Lừa đảo đóng tiền điện qua tài khoản cá nhân

Trao đổi với PV Dân trí, Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty Điện lực TPHCM Bùi Trung Kiên cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay đã có gần 3.000 khách hàng trên toàn quốc phản ánh đến Trung tâm Chăm sóc khách hàng thuộc Tổng công ty Điện lực TPHCM về các cuộc gọi thông báo nợ tiền điện, dọa cắt điện nếu không thanh toán ngay, yêu cầu bấm số 9 để được gặp nhân viên điện lực tư vấn.

Khi gặp người tự xưng là nhân viên điện lực, người dân bị yêu cầu đóng tiền điện qua tài khoản của cá nhân để không bị cắt điện. Có không ít các cuộc gọi cho khách hàng ở TPHCM nhưng thông báo nợ tiền điện ở các tỉnh thành khác. Đây đều là các cuộc gọi giả danh Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực TPHCM.

Dấu hiệu nhận biết các cuộc gọi này là: số điện thoại không phải là điện thoại định danh của Tổng công ty Điện lực TPHCM (không có chữ EVNHCMC khi hiện số cuộc gọi); điện thoại gọi đến có số nước ngoài; không nói đúng tên đơn vị điện lực quản lý địa chỉ sử dụng điện của chính khách hàng; thông báo khách hàng nợ tiền điện, nhiều trường hợp báo nợ tiền điện ở các tỉnh thành khác dù khách hàng chỉ ở TPHCM hoặc ngược lại cũng có những cuộc gọi cho người dân ở các tỉnh thành thông báo nợ tiền điện tại TPHCM; thông báo nợ tiền điện, đe dọa cắt điện và yêu cầu thanh toán ngay; chuyển cuộc gọi cho nhân viên tư vấn hoặc công an (cũng là giả danh)…