1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ “trụ” được thêm ít nhất 2 năm so với dự kiến

(Dân trí) - Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về về kết quả quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2017, UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, Quỹ Bảo hiểm y tế có thể cân đối được ít nhất đến năm 2021, lâu hơn 2 năm so với dự báo ban đầu là đến 2019 quỹ bắt đầu rơi vào tình trạng mất cân đối. >> Quỹ Bảo hiểm y tế thu lãi hơn 8.000 tỷ đồng trong 2 năm

Mức đóng bảo hiểm y tế trung bình hiện nay là 1 triệu đồng/năm/thẻ trong khi số chi bình quân là 1,1 triệu đồng/năm/thẻ
Mức đóng bảo hiểm y tế trung bình hiện nay là 1 triệu đồng/năm/thẻ trong khi số chi bình quân là 1,1 triệu đồng/năm/thẻ

Số liệu thể hiện trong báo cáo thẩm tra, dự kiến đến cuối năm 2017, ước thực hiện thu bảo hiểm y tế đạt gần 82.000 tỷ đồng tăng 9.300 tỷ đồng so với năm 2016, bằng 100,5% so với dự toán được giao (81.000 tỷ đồng). Theo cơ quan thẩm tra, số thực hiện chênh lệch không nhiều so với dự toán, phản ánh chất lượng công tác lập dự toán phù hợp với thực tiễn.

Số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2017 dự kiến quyết toán gần 89.000 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2016. Còn khoảng 3.000 tỷ đồng tạm thời chưa được bảo hiểm xã hội thanh toán.

Bình quân mức chi 1 thẻ bảo hiểm y tế/năm là trên 1,1 triệu đồng, trong khi mức đóng trung bình khoảng 1 triệu đồng/năm.

Cơ quan thẩm tra nhận xét, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo cân đối quỹ. Như cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt độn khám chữa bênh bảo hiểm y tế, đấu thầu thuốc, vật tư y tế tập trung cấp quốc gia. Tác động tích cực của các biện pháp quyết liệt đã góp phần đạt được kết quả khả quan trong cân đối quỹ.

Nếu như báo cáo số 462/BC-CP ngày 18/10/2017 của Chính phủ đánh giá với số kết dư trên 49.000 tỷ thì dự kiến quỹ chỉ đảm bảo đủ thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ít nhất đến năm 2019. Nhưng thực tế đến hết năm 2017 quỹ bội chi 9.300 tỷ đồng, số kết dư đến cuối năm 2017 là xấp xỉ 40.000 tỷ đồng và dự báo với tốc độ bội chi hiện nay cùng với các giải pháp kiểm soát chi chặt chẽ thì có thể cân đối được ít nhất đến năm 2021.

Hạn chế được chỉ ra tại báo cáo thẩm tra là 2017 cả nước có 59/63 tỉnh bội chi, trong đó có một số tỉnh bội chi lớn, trên 1.000 tỷ đồng như Nghệ An, Thanh Hóa, tiếp đến là Hà Nội và Quảng Nam cũng là tỉnh có số bội chi tương đối cao. Chỉ có 4 địa phương cân đối được quỹ là Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Đắk Nông.

Bên cạnh đó, việc chuyển tiền bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng của cơ quan tài chính, lao động - thương binh và xã hội tại một số tỉnh, thành phố chưa đúng theo hướng dẫn tại dẫn đến vẫn còn tình trạng ngân sách chưa chuyển kịp thời ở một số địa phương.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, mức đóng bảo hiểm y tế không thay đổi trong khi mức hưởng, phạm vi quyền lợi của người có thẻ tăng lên, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, lạm dụng quỹ hạn chế về chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tiếp tục là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bội chi, mất cân đối quỹ bảo hiểm y tế.

Khả năng cân đối quỹ có thể bị ảnh hưởng khi thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV bởi điều trị bằng ARV phải thực hiện suốt đời với chi phí bình quân cho mỗi người bệnh ở mức gần 20 triệu đồng/năm - Ủy ban thẩm tra nhận định.

P.Thảo