1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quỹ bảo hiểm xã hội đang phải bù lớn cho người về hưu

Trước đây, hệ thống quỹ hưu trí được Nhà nước bao cấp. Bây giờ Nhà nước không bao cấp quỹ hưu trí nhưng quỹ bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục bao cấp.

Vừa qua, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Liên quan đến đề xuất tăng tuổi hưu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), cho rằng chế độ hưu trí chính thức bắt nguồn từ Nghị định 218/1961 của Chính phủ, đến giờ đã gần 60 năm.

Trong 60 năm qua, tuổi thọ của chúng ta đã tăng từ năm 1960 là 59,04 đến giờ là 76,05. Như vậy, tuổi thọ cao gây áp lực cho toàn bộ hệ thống quỹ hưu trí Việt Nam.

Quỹ bảo hiểm xã hội đang phải bù lớn cho người về hưu - 1

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).

"Trước đây, hệ thống quỹ hưu trí được Nhà nước bao cấp. Bây giờ Nhà nước không bao cấp quỹ hưu trí nhưng quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn tiếp tục bao cấp. Ví dụ một người 55 tuổi về hưu ở tuổi 20, trung bình mỗi năm đóng 4 tháng BHXH thì tổng cộng có 80 tháng tiền lương. Nếu kỳ vọng bình quân sống 21 năm thì hưởng lương hưu là 252 tháng, tính ra tháng lương là 189 tháng. Như vậy, đóng 80 tháng lương mà được hưởng 189 tháng nghĩa là quỹ sẽ bù cho 89 tháng…”, ông Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng.

Tương tự, về hưu ở tuổi 25, đóng BHXH 100 tháng thì bù 89 tháng, 30 năm đóng được 120 tháng và bù 69 tháng, nếu có 35 năm đóng được 140 tháng thì bù 59 tháng. Nếu nghỉ hưu ở tuổi 60 có 16 năm tiếp tục sống và hưởng lương hưu thì quỹ phải bù cao nhất là 45 tháng, thấp nhất là bù 4 tháng: “Số tiền bù đó lấy ở đâu…”, ông Nhưỡng đặt câu hỏi.

Hiện Nhà nước không bù mà số tiền lấy của người đang đóng để bù cho người đang hưởng nên áp lực với quỹ hưu trí vô cùng lớn. “Họ khuyên chúng ta chuyển sang chế độ tài khoản cá nhân thì việc kéo dài thời gian đóng trần tuổi hưu là chính đáng…”, ông Nhưỡng nói.

Cũng theo ông Nhưỡng, mỗi ngày có 300 - 400 doanh nghiệp ra đời, có 250 - 280 doanh nghiệp dừng hoạt động, vậy mỗi năm có 21.600 doanh nghiệp tồn tại và thông thường có khoảng 300.000 lao động được giải quyết bảo hiểm ở đây.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu này đã trao đổi nhiều năm và lần này trong luật sửa đổi cần xem xét việc tăng tuổi nghỉ hưu một cách cẩn trọng. Theo phương án 1, ông Sơn cho rằng đã đáp ứng được yêu cầu, nhưng cần quan tâm phân ra nhóm ngành nghề tăng tuổi hưu.

Quỹ bảo hiểm xã hội đang phải bù lớn cho người về hưu - 2

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), nêu quan điểm tại buổi thảo luận.

 “Chúng ta không nên chỉ giới hạn cho nghỉ hưu sớm trước năm tuổi mà có thể 5 - 10 tuổi với ngành nghề cụ thể. Có những ngành nghề chúng ta có thể tăng thêm thời gian làm việc không chỉ năm tuổi mà có thể 5 - 7 tuổi, cần có danh mục Quốc hội thảo luận, xem xét…”, ông Sơn nêu quan điểm.

Cũng theo các đại biểu, những vấn đề tâm tư, nguyện vọng của người lao động thì quyền được nghỉ cần có sự liên thông với Luật BHXH, đến ngưỡng nào đó thì quyền được nghỉ này được tiếp cận. Bên cạnh đó, người kéo dài tuổi hưu sẽ bù đắp cho người nghỉ sớm để có sự cân bằng trong quỹ cũng là trách nhiệm. “Chúng tôi cho rằng, đây không chỉ là trách nhiệm của ngành bảo hiểm mà trách nhiệm của xã hội, của mọi người tham gia trong quỹ bảo hiểm này”, ông Sơn nói thêm.

 

Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Quỹ bảo hiểm xã hội đang phải bù lớn cho người về hưu - 3
Người lao động sẽ tăng tuổi nghỉ hưu vào năm 2021.

Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng đối với nam và sáu tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Theo Viết Long/PLO.VN