Quảng Trị: Những chuyện xúc động ghi ở Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ

Đăng Đức

(Dân trí) - Nhiều năm qua, Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ (Nhà khách 27/7) tại Quảng Trị trở thành mái nhà chung, đón tiếp thân nhân trên hành trình dài tìm mộ hay thực hiện nghĩa cử tri ân với các liệt sĩ.

Những việc làm nặng nghĩa tình!

Nhà khách 27/7 tọa lạc bên Quốc lộ 1A, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, quen thuộc đối với thân nhân liệt sĩ từ mọi miền Tổ quốc khi đặt chân đến “đất lửa” Quảng Trị.

Quảng Trị:  Những chuyện xúc động ghi ở Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ - 1

Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị hiện được xây dựng, nâng cấp khang trang hơn.

Với sự hỗ trợ tận tâm của đội ngũ cán bộ làm việc tại Nhà khách 27/7 giúp thân nhân các liệt sĩ thấy ấm lòng, bớt đi thời gian, công sức tìm kiếm thông tin, làm xoa dịu phần nào nỗi đau đớn, day dứt suốt hàng chục năm trời vì chưa tìm thấy người thân.

Những ngày đầu tháng 7, đất lửa Quảng Trị đón hàng ngàn thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh đi tìm mộ hoặc đến tri ân, viếng nghĩa trang liệt sĩ.

Quảng Trị:  Những chuyện xúc động ghi ở Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ - 2

Những ngày tháng 7, bộ phận lễ tân làm việc liên tục để đón tiếp, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ.

Ông Trương Đức Khoa - Phó Giám đốc phụ trách Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị - cho biết, từ thực tế thân nhân các liệt sĩ ở những địa phương trong nước đến thăm viếng, tìm mộ người thân hy sinh trong cuộc kháng chiến, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh Quảng Trị đã cho xây dựng Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ.

Cơ sở đưa vào hoạt động với các nhiệm vụ chính: Tiếp đón thân nhân liệt sĩ trong cả nước về thăm viếng mộ liệt sĩ trên địa bàn; Đưa đón thân nhân liệt sĩ đi viếng mộ; Phục vụ việc ăn, ở của thân nhân liệt sĩ trong thời gian lưu trú tại Quảng Trị;…

Cùng với các phòng chức năng thuộc Sở, giúp Sở LĐ-TB&XH trong việc phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị liên quan xác định, tìm kiếm mộ liệt sĩ và giải quyết một số chính sách, chế độ của thân nhân liệt sĩ trong việc thăm viếng và tìm kiếm mộ.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ, trung bình mỗi năm nhà khách đón tiếp khoảng 12.000 người đến thăm viếng. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thống kê có khoảng 8.000 người. Từ đầu tháng 7/2020 đến nay, ước tính có khoảng 3.000 khách đến thăm viếng, tri ân liệt sĩ.

“Nhiều gia đình xem dịp 27/7 là ngày giỗ chung, dịp để bày tỏ sự biết ơn đối với người đã khuất nên thời gian này luôn ghi nhận khá đông người thân đến thăm viếng”, ông Khoa cho hay.

Quảng Trị:  Những chuyện xúc động ghi ở Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ - 3

Cán bộ Nhà khách 27/7 hỗ trợ tra cứu thông tin cho thân nhân.

Khi thân nhân liệt sĩ nhờ hỗ trợ, các cán bộ, nhân viên sẽ giúp đỡ, tra cứu thông tin nơi yên nghỉ của liệt sĩ qua hệ thống tra cứu điện tử. Việc làm này giúp cho các thân nhân tiết kiệm được thời gian, công sức, biết liệt sĩ nằm nghĩa trang nào, vị trí nào để đến thăm viếng.

Ấm lòng thân nhân liệt sĩ

Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ đã được nâng cấp nhằm phục vụ các thân nhân được chu đáo hơn, với quy mô 50 phòng, 150 giường. Tại Nhà khách có 12 người làm việc trực tiếp, các cán bộ, nhân viên thay phiên nhau để có thể phục vụ thân nhân liệt sĩ bất kể ngày đêm.

Từ Nghệ An, hai chị em bà Lê Thị Tần và ông Lê Doãn Đông (SN 1962) quê ở Thanh Thủy, huyện Thanh Chương di chuyển hàng trăm km vào Quảng Trị viếng mộ anh trai là liệt sĩ Lê Doãn Hậu, hy sinh 3/1970. Liệt sĩ Hậu hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn.

Quảng Trị:  Những chuyện xúc động ghi ở Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ - 4

Bà Tần, ông Đông vượt đường xa vào viếng anh trai.

Ông Đông nói, qua nhiều kênh tìm kiếm, đến năm 2015 gia đình mới biết anh trai đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị. Từ đó, năm nào ông và con cháu cũng thu xếp vào thăm viếng, tri ân liệt sĩ.

Dù tuổi đã cao, nhưng ông Phan Hữu Trà (70 tuổi) và Phan Hữu Long ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cũng khăn gói vào thăm viếng mộ anh trai là liệt sĩ Phan Hữu Hà, hy sinh 13/3/1970.

Quảng Trị:  Những chuyện xúc động ghi ở Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ - 5

Hai anh em ông Trà cũng khăn gói vào viếng anh trai dịp tháng 7

Ông Trà bày tỏ niềm vui khi được đội ngũ cán bộ, nhân viên Nhà khách 27/7 đón tiếp, chỉ dẫn tận tình. “Được vào thắp nén nhang cho anh trai là anh em chúng tôi phấn khởi lắm, thấy mãn nguyện trong lòng. Anh em chúng tôi cố gắng để hàng năm đều vào Quảng Trị một lần thắp cho anh nén nhang tưởng nhớ”, ông Trà xúc động.

Quảng Trị:  Những chuyện xúc động ghi ở Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ - 6

Năm nào anh em ông Trà cũng vào thắp nhang cho anh trai.

Nhiều năm làm việc ở Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ, chị Phan Thị Bảy cho biết, bản thân chị luôn cảm thấy xúc động khi chứng kiến thân nhân liệt sĩ vào tìm mộ con, người thân.

Anh em trong đơn vị tự nhủ, phải tiếp đón tận tình, chia sẻ với mục đích làm dịu đi sự đau thương trong lòng họ.

“Nhiều lúc nửa đêm, người thân liệt sĩ đáp chuyến xe đường dài vào Quảng Trị để thăm viếng người thân tại các Nghĩa trang liệt sĩ. Khi đến Nhà khách đều có cán bộ trực đêm để đón tiếp và hướng dẫn, thu xếp nơi ở cho họ. Những việc làm dù nhỏ nhưng sẽ khiến thân nhân liệt sĩ cảm thấy yên lòng hơn”, chị Bảy nhớ lại.

Quảng Trị:  Những chuyện xúc động ghi ở Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ - 7

Các thân nhân liệt sĩ chuẩn bị đến viếng nghĩa trang.

Vào năm 2018, theo chủ trương của ngành LĐ-TB&XH, dừng việc chi trả tiền xăng xe đưa đón thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng mộ liệt sĩ và di chuyển mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, phía Nhà khách 27/7 có vận động được 1 đơn vị tài trợ kinh phí nên có hỗ trợ phương tiện đưa đón khách đến nghĩa trang viếng liệt sĩ.

Quảng Trị:  Những chuyện xúc động ghi ở Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ - 8
Quảng Trị:  Những chuyện xúc động ghi ở Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ - 9

Nhà khách 27/7 chuẩn bị xe đưa đón thân nhân liệt sĩ.

Nhưng năm nay, nhà tài trợ cắt kinh phí nên thân nhân tự bỏ tiền đổ xăng. Thấy các gia đình đi thuê xe ở ngoài rất tốn kém nên Nhà khách có 2 chiếc xe ô tô, lái xe sẽ phục vụ thân nhân liệt sĩ đến nơi thăm viếng.

Nhân dân Quảng Trị vinh dự được thay mặt cả nước chăm sóc chu đáo cho hơn 60.000 mộ liệt sĩ tại 72 nghĩa trang lớn nhỏ trên địa bàn. Trong số đó, có 2 Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn và Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 2 vạn mộ liệt sĩ và Thành Cổ Quảng Trị - nơi ghi dấu cuộc chiến 81 ngày đêm đầy khốc liệt “mùa Hè đỏ lửa 1972”.