1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Trị: Đi XKLĐ sau sự cố Fomosa, nhiều lao động thu 20 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - Sau khi xảy ra sự cố môi trường do Formosa xả thải, cùng với những hỗ trợ ban đầu để ngư dân các vùng bị ảnh hưởng vượt qua khó khăn do không thể ra khơi, Quảng Trị đã đề ra nhiều chính sách lâu dài giúp đỡ ngư dân, như: chuyển đổi sinh kế, thay đổi giống cây trồng vật nuôi; chuyển hướng sang đánh bắt trung bờ, xa bờ; đào tạo và tìm kiếm việc làm, ưu tiên xuất khẩu lao động...

Trong nhiều chính sách chuyển đổi sinh kế và việc làm cho ngư dân các vùng biển thì xuất khẩu lao động được xem là hướng đi mới cho người dân, nhằm góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt, tạo việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi, cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xuất khẩu lao động, giải pháp tạo việc làm mới cho ngư dân vùng biển Quảng Trị

Xã Gio Việt, huyện Gio Linh là địa phương vùng biển có nhiều người tham gia xuất khẩu lao động sau sự cố môi trường biển. Năm 2016 có trên 150 người xuất khẩu lao động nước ngoài. Riêng trong những tháng đầu năm đã có 67 lao động đi xuất khẩu lao động ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... chủ yếu đi qua các kênh của Sở LĐ-TB&XH cũng như sàn giao dịch việc làm.

Xã Gio Việt là địa phương có nhiều thanh niên đi xuất khẩu lao động sau sự cố môi trường
Xã Gio Việt là địa phương có nhiều thanh niên đi xuất khẩu lao động sau sự cố môi trường
Bộ mặt kinh tế, xã hội vùng biển có nhiều khởi sắc, một phần nhờ xuất khẩu lao động
Bộ mặt kinh tế, xã hội vùng biển có nhiều khởi sắc, một phần nhờ xuất khẩu lao động

Sau sự cố môi trường, kinh tế gia đình ông Nguyễn Văn Thọ (48 tuổi, thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt), dần rơi vào khó khăn. Bao nhiêu năm qua, ông Thọ quyết tâm bám nghề biển để sinh sống nhưng sự cố cá chết xảy ra khiến cuộc sống gia đình rơi vào túng quẫn do tàu phải nằm bờ.

Sau sự cố môi trường, do hoạt động sản xuất bị đình trệ nên ông Thọ cho các con đi lao động ở nước ngoài
Sau sự cố môi trường, do hoạt động sản xuất bị đình trệ nên ông Thọ cho các con đi lao động ở nước ngoài

Được sự hỗ trợ của chính quyền, gia đình ông vay vốn cho 2 người con đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Hiện nay, người con lớn Nguyễn Văn Thường (SN 1994) làm việc tại Đài Loan và người con gái Nguyễn Thị Vương (SN 1996) đi Nhật Bản đã có việc làm ổn định và gửi tiền về giúp gia đình.

Ông Thọ chia sẻ: “Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương tạo điều kiện cho con tôi đi lao động nước ngoài. Các cháu làm việc ổn định, thu nhập cũng khá nên gia đình tôi có tiền trang trải hết nợ nần, khôi phục lại sản xuất”.

Thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh là địa phương có số lượng người tham gia xuất khẩu lao động nước ngoài cao nhất của tỉnh Quảng Trị. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có gần 100 người đi xuất khẩu lao động, tập trung ở các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore...

Thu nhập bình quân của những lao động này tại một số nước như Hàn Quốc và Nhật Bản đạt trên 20 triệu đồng/tháng/người.

Những căn nhà khang trang nhờ vào nguồn ngoại tệ
Những căn nhà khang trang nhờ vào nguồn ngoại tệ

Xuất khẩu lao động đã thực sự góp phần giải quyết việc làm cho người dân sau sự cố môi trường. Đồng thời, từ nguồn ngoại tệ nước ngoài của các lao động thu lại được đã thay đổi không nhỏ bộ mặt các vùng nông thôn.

Ông Trần Đình Cảm, Chủ tịch UBND Thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cho biết: Sau sự cố môi trường biển, thị trấn đã tập trung triển khai quyết liệt những biện pháp trước mắt như chuyển đổi sinh kế, giải quyết việc làm hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Trong đó, xuất khẩu lao động được xem là một biện pháp hợp lý, thiết thực góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao đời sống kinh tế.

Tuy nhiên, do tình trạng thiếu việc làm ở cơ sở nên xu thế con em trên địa bàn học xong lớp 12 đều chọn xuất khẩu lao động ra nước ngoài, dẫn đến tình trạng hiếu lao động tại chỗ ở địa phương. Chính vì vậy, hiện chúng tôi đang nghiên cứu phương án cân đối giữa cung và cầu để đảm bảo vấn đề lao động tại địa phương cũng như xuất khẩu lao động được hợp lý.

Các văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động
Các văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, từ sau sự cố môi trường biển năm 2016 đến nay, đã có gần 500 lao động tại 4 huyện vùng biển gồm Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh đi xuất khẩu lao động ở các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Singapore.. Một số xã có tỷ lệ người đi nhiều và hiệu quả nhất như: xã Gio Hải, Thị trấn Cửa Việt, xã Gio Việt (huyện Gio Linh), thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh)…

Bà Dương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, thực hiện chủ trương chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng biển, ngành lao động thương binh và xã hội đã hỗ trợ mở các lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cho người dân vùng biển.

Bên cạnh đó, triển khai tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người dân để bà con nhận thức đầy đủ và nắm rõ được cách thức tổ chức triển khai xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, Sở cũng đã phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Trị tổ chức giới thiệu, tư vấn miễn phí cho người lao động thông qua sàn giao dịch việc làm.

Đăng Đức