Quảng Trị đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững

Trường Thịnh Thu Hương DS

(Dân trí) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Quảng Trị đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững.

Từ năm 2022 đến 2024, toàn tỉnh giảm 7.590 hộ nghèo và cận nghèo, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 4,26% (bình quân mỗi năm giảm 1,49%). 

Những năm qua, Quảng Trị triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đặc biệt chú trọng các dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Qua đó tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp người dân ở khu vực khó khăn, người nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Năm 2024, Quảng Trị chú trọng dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, các dự án, tiểu dự án triển khai trên địa bàn huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,52% với 2.646 hộ nghèo, cận nghèo. 

Cùng với đó, tỷ lệ nghèo đa chiều huyện Đa Krông giảm 5,83% với 640 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó giảm 530 hộ nghèo, tương ứng giảm 4,79%, giảm 110 hộ cận nghèo, tương ứng giảm 1,03%.  

Theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND tỉnh Quảng Trị về việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương năm 2024 thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng kế hoạch vốn là hơn 92 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách dành cho dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo là hơn 70 tỷ đồng. Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững là hơn 21 tỷ đồng. Năm 2024, tỉnh chú trọng dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, các dự án, tiểu dự án triển khai trên địa bàn huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. 

Đến nay, Quảng Trị có gần 2.000 hộ tham gia vào các mô hình sinh kế, giảm nghèo. Tại huyện miền núi Hướng Hóa, tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn hơn 22%, năm 2024, huyện quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm 3-3,5%. Để thực hiện mục tiêu này, huyện xác định hiệu quả các mô hình sinh kế đóng vai trò quan trọng.

Tại xã Xy, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), từ nguồn lực hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xã đã lựa chọn những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, hiệu quả để triển khai đến các hộ gia đình nghèo, cận nghèo. 

Quảng Trị đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững - 1

Mô hình nuôi dê của gia đình anh Hồ A Xa, thôn Ra Man, xã Xy, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị (Ảnh: Thu Hương).

Gia đình anh Hồ A Xa, thôn Ra Man là một trong hàng chục hộ nghèo, hộ cận nghèo khác trong xã Xy được lựa chọn để triển khai mô hình nuôi dê. Từ 4 con dê giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay, đàn dê của gia đình anh Xa đã sinh sản nhân đàn lên đến 20 con. 

Niềm tin về hiệu quả kinh tế của mô hình giúp không chỉ anh Xa mà nhiều hộ nghèo tại huyện Hướng Hóa nỗ lực vươn lên, lạc quan trong mục tiêu thoát nghèo thời gian tới.

Khi mới lập gia đình, cuộc sống 2 vợ chồng chị Hồ Thị Mai ở thôn A Đăng, xã Tà Rụt gặp rất nhiều khó khăn, tài sản chẳng có gì ngoài cái sổ hộ nghèo. Dù ruộng đất có, nhưng cây trồng ngắn ngày chỉ canh tác theo truyền thống nên giá trị kinh tế mang lại không cao.

Một cơ hội thay đổi đến với 2 vợ chồng, khi địa phương triển khai các chương trình, dự án nhằm mục tiêu giảm nghèo cho các xã vùng sâu, miền núi nên gia đình được lựa chọn để tham gia.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, 2 vợ chồng trẻ đã mạnh dạn đầu tư một quầy tạp hóa nhỏ phục vụ nhu cầu cho bà con trên địa bàn, đồng thời, phát triển thêm chăn nuôi và trồng trọt theo kiến thức được tập huấn. Nhờ đó, đời sống gia đình vợ chồng chị Mai đã khấm khá hơn, con cái có điều kiện ăn học và trưởng thành.

“Tôi mở quầy tạp hóa từ năm 2017, lúc đầu chỉ bán các mặt hàng cơ bản, dần dần tôi đầu tư làm đại lý các loại nước uống, bán thực phẩm tươi sống phục vụ bà con hằng ngày. Ngoài ra, nhờ các dự án hỗ trợ, gia đình trồng thêm 2 ha cây lát hoa, dỗi và 5 ha keo tràm. Nhờ đó, thu nhập gia đình đã ổn định và đã thoát nghèo bền vững”, chị Mai vui mừng chia sẻ.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, cũng như sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Phát triển sinh kế cho hộ nghèo là người dân tộc thiểu số luôn được các địa phương quan tâm, chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo không chỉ giảm sau từng năm mà tính bền vững được nâng cao đáng kể.