Quảng Ngãi: Tăng cường giải quyết việc làm, giảm số lao động ly hương

Quốc Triều

(Dân trí) - Những năm gần đây, số lượng người Quảng Ngãi ly hương tìm việc làm đã giảm. Kết quả này có được nhờ công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được thực hiện hiệu quả.

Tỉnh Quảng Ngãi có nguồn lao động khá dồi dào. Tuy nhiên, hơn 5 năm về trước, lượng lao động ly hương tìm kiếm việc làm khá lớn. Đứng trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ngãi đã tăng cường công tác hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Những giải pháp được triển khai hiệu quả đã góp phần "giữ chân", giúp người lao động có việc làm ổn định, thu nhập khá trên chính quê hương của mình.

Một trong những điểm nổi bật là tỉnh Quảng Ngãi đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế.

Trong 5 năm qua, ngoài nguồn vốn của Trung ương, ngân sách tỉnh Quảng Ngãi và các huyện đã chuyển ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp huyện, thị xã, thành phố hơn 195 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay ủy thác, nhiều hộ nghèo được tiếp vốn kịp thời, làm ăn hiệu quả.

Quảng Ngãi: Tăng cường giải quyết việc làm, giảm số lao động ly hương - 1

Hàng ngàn hộ dân ở Quảng Ngãi được "trợ lực" từ các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương của mình

Anh Nguyễn Đăng Kim (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành), thuộc diện hộ nghèo. Gia đình anh có 1 ha đất gò đồi, nhưng không có vốn để chuyển đổi cây trồng.

Nắm bắt được nguyện vọng của gia đình, 2 năm trước, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Nghĩa Hành đã tạo điều kiện cho anh vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm.

Nhờ đó, anh Kim đã "hô biến" diện tích đất gò đồi bạc màu thành vùng cây ăn quả phát triển xanh tốt. Lấy ngắn nuôi dài, anh Kim tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi với đàn bò 4 - 5 con, đàn heo 10 con được nuôi theo hình thức gối đầu.

 "Nguồn vốn vay tuy không lớn, nhưng đã giúp gia đình tôi có vốn để trồng cây, chăn nuôi hiệu quả và thoát nghèo", anh Kim chia sẻ.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 6.500 lượt hộ nghèo được vay vốn từ nguồn ủy thác Ngân hàng Chính sách Xã hội, với tổng số tiền được giải ngân hơn 238 tỷ đồng.

Ngoài hỗ trợ vốn, tỉnh Quảng Ngãi còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong 5 năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 116 phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia của hơn 5.900 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động. Qua "cầu nối" này đã có 27.000 người tìm được việc làm mới. 

Theo ông Võ Duy Yên - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới và thêm việc làm cho hơn 181.000 lao động. Trong đó, kênh giải quyết việc làm, tạo thu nhập từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm là một trong những kênh được tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện khá đồng bộ và hiệu quả.

Không chỉ hỗ trợ người lao động tìm việc, công tác đào tạo nghề cũng được chú trọng, bởi đây là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện toàn tỉnh có 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung bình mỗi năm đào tạo nghề cho 25.000 lao động.

Trong đó, rất nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm tại các doanh nghiệp trong tỉnh với mức lương khởi điểm bình quân từ 5,5 - 6 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề có mức lương khá cao như nghề điện, hàn, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí... với mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.

Quảng Ngãi: Tăng cường giải quyết việc làm, giảm số lao động ly hương - 2

Công tác đào tạo nghề được chú trọng giúp nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Ngãi đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi Lương Kim Sơn, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm giúp người lao động phát triển kinh tế là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục triển khai tốt chương trình việc làm, nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng, góp phần đưa tỉnh Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.