Quảng Ngãi: Nhọc nhằn đãi cát tìm hến nơi cửa sông

(Dân trí) - Khi mặt trời còn ngủ yên phía bên kia đường chân trời, những người làm nghề đãi hến bắt đầu ngày làm việc nơi cửa sông. Ngâm mình trong dòng nước lạnh buốt, người dân cố kiếm thêm cho một khoản thu nhập nhằm trang trải cuộc sống.

Nhọc nhằn nghề đãi cát tìm hến ở cửa sông

Bắt đầu công việc đãi hến từ năm 18 tuổi, tới nay ông Cao Văn Tân (xã Nghĩa Phú, TP. Quảng Ngãi) đã có 41 năm làm nghề nơi cửa sông.

Từ việc gắn bó cả cuộc đời với vùng nước lạnh nơi con sông Trà Khúc đổ ra biển, ông Tân trở thành "lão làng" khi nói về nghề đãi cát tìm... hến nhọc nhằn.

Hôm nay, ông Tân chọn khu vực cửa sông Nghĩa Hòa (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cách nhà gần 2 km để bắt đầu ngày làm việc mới.

"Con nước ở đây rút sớm, tôi phải bắt đầu công việc từ lúc 4h sáng để đến qua trưa là nghỉ. Ở đây sẽ có nhiều hến vì lâu nay nước sông lớn không ai đãi được", ông Tân lý giải cách chọn địa điểm "săn" hến.

Hàng trăm người dân Quảng Ngãi phải ngâm mình trong nước lạnh nhủi hến mưu sinh
Hàng trăm người dân Quảng Ngãi phải ngâm mình trong nước lạnh nhủi hến mưu sinh

Con hến có quanh năm nơi cửa sông và là một trong những đặc sản của người dân xứ Quảng. Thế nhưng, công việc đãi hến trong năm không trọn vẹn bởi phải phụ thuộc vào con nước. Từ tháng 9 đến tháng 11 Âm lịch hàng năm, mọi người đành gác nhủi bởi nước sông từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về.

Bắt đầu từ cuối tháng 11 đến tháng Giêng năm sau là thời gian cao điểm của người đãi hến và cũng là lúc dễ "trúng mánh" nhất trong năm.

Để bắt được những con hến nằm sâu dưới lớp bùn cát phải dùng chiếc nhủi - mọt dụng cụ được người dân địa phương đan bằng tre hoặc làm bằng nhựa. Người đãi hến cầm phần cán đẩy thân nhủi sâu xuống đáy sông và nhún tay một cách nhịp nhàng. Bởi dùng nhủi để đãi và tìm hến, đôi khi người dân địa phương quen gọi nghề này là nhủi hến.

"Phải biết cách nhún tay để miệng nhủi găm xuống bùn cát vừa phải rồi nhịp tay để bùn cát lọt ra ngoài qua các khe nhủi. Phải làm nhịp nhàng để có thể đẩy nhủi đi tới, nhịp không khéo là trong nhủi toàn bùn mà chẳng có bao nhiêu hến", ông Tân giải thích.

Ông Cao Văn Tân đã gắn bó với cái nhủi suốt 41 năm qua
Ông Cao Văn Tân đã gắn bó với cái nhủi suốt 41 năm qua

Bắt đầu công việc từ 4h sáng đến giữa trưa, ông Tân nhủi được tầm 40 kg hến. Vốc những con hến no tròn trong đôi bàn tay chai sần vì ngâm nước lâu ngày, ông Tân cười vui: "Vậy là hôm nay bán được 200 ngàn đồng, cũng khá. Vài ngày nữa con nước nhỏ hơn chắc sẽ trúng".

Những con hến no tròn trên đôi bàn tay chai sần, đầy vết cắt của người nhủi hến
Những con hến no tròn trên đôi bàn tay chai sần, đầy vết cắt của người nhủi hến

Bắt đầu công việc từ 4h sáng đến trưa, ông Tân nhủi được 40 kg hến thu về 200 ngàn đồng
Bắt đầu công việc từ 4h sáng đến trưa, ông Tân nhủi được 40 kg hến thu về 200 ngàn đồng

Nghề nhủi hến tuy nhọc nhằn nhưng lại là kế sinh nhai của hàng trăm hộ dân sống ven cửa sông ở các xã Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Tịnh Long (TP. Quảng Ngãi) và xã Nghĩa Hòa (huyện Tư Nghĩa).

Chị Nguyễn Thị Tuyết (42 tuổi, xã Nghĩa Hòa) cũng có thâm niên nhủi hến trên 20 năm. Đều đặn ngày này qua ngày khác, chiếc nhủi hến khiến đôi bàn tay người phụ nữ chai sần.

Ngoài việc phải bắt đầu công việc khi mọi người còn ngủ say, phải chịu mưa lạnh thì việc ngâm nước quá lâu khiến đôi bàn tay, bàn chân của những người nhủi hến chai sần, lở loét và đầy những vết cắt.

"Nghề này cực nhưng cũng có thu nhập đủ chi tiêu qua ngày. Trung bình phụ nữ kiếm được 100 - 150 ngàn đồng mỗi ngày. Vào độ tháng Giêng có thể kiếm được 600 - 800 ngàn đồng", chị Tuyết cho biết.

Tháng Giêng là thời điểm nhiều hến nhất và cũng là lúc nhu cầu sử dụng hến của những người xa quê về thăm nhà tăng cao. Lúc này, giá hến có thể tăng lên 8 ngàn đồng mỗi kg, trong khi đó một người khỏe mạnh có thể nhủi được 100 kg hến mỗi ngày.

Nghề nhủi hến tuy cực nhọc nhưng là kế sinh nhai của hàng trăm người dân vùng cửa sông Trà Khúc
Nghề nhủi hến tuy cực nhọc nhưng là kế sinh nhai của hàng trăm người dân vùng cửa sông Trà Khúc

Theo chị Tuyết, con hến sẽ được ngâm trong nước để nhả hết bùn đất sau đó mang nấu để hến mở miệng rồi lọc lấy phần ruột. Ruột hến được dùng để nấu nước ăn với bánh tráng, nấu canh hoặc xào xúc bánh tráng.

"Món hến bây giờ đã trở nên quen thuộc với người dân nhiều nơi nên nhủi được bao nhiêu là có người đến mua hết. Nhờ đó mà người dân nghèo như chúng tôi có công việc để làm quanh năm", người phụ nữ 42 tuổi nói trong tiếng gió rít nơi cửa sông một ngày cuối đông.

Quốc Triều