1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Ngãi: Nguy hiểm nghề lặn biển

(Dân trí) - Lặn biển là nghề mang lại thu nhập khá cao cho ngư dân Bình Sơn, Lý Sơn (Quảng Ngãi). Thế nhưng đây cũng là nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất giữa biển khơi. Nhiều ngư dân đã mất mạng, một số khác may mắn thoát chết nhưng phải chịu những di chứng nặng nề. Để phát triển, nghề rất cần sự hỗ trợ hơn nữa từ chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan.

Lặn biển là nghề cần những ngư dân khỏe mạnh, kinh nghiệm và cũng liều lĩnh nhất. Bởi vậy, chỉ có một số ít nơi như xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) hay đảo Lý Sơn mới có những ngư dân làm nghề. Cũng chính ở những địa phương này, những câu chuyện buồn về tai nạn lặn biển vẫn mãi còn âm ỉ.

Toàn xã Bình Châu hiện có hơn 30 trường hợp phải chịu hậu quả đau lòng do tai nạn trong quá trình ngụp lặn giữa lòng biển sâu. Anh Nguyễn Tấn Hiếu (39 tuổi, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) là một trong những trường hợp như vậy.

Từ năm 17 tuổi, anh Hiếu bắt đầu xuống tàu cá hành nghề lặn. Suốt nhiều năm gắn bó với nghề lặn, anh Hiếu thuộc từng ngóc ngách, rạn san hô ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Thế nhưng, cách đây 7 năm, tai họa bất chợt ập đến trong một chuyến lặn ngoài khơi xa.

Quảng Ngãi: Nguy hiểm nghề lặn biển - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Tấn Hiếu buộc phải rời bỏ những chuyến biển xa do di chứng bại liệt.

Đang lặn ở độ sâu 30 m thì anh Hiếu bị kéo lên quá nhanh. Áp suất thay đổi đột ngột khiến anh bị tai biến, tay chân tê liệt. Về đến đất liền, anh được người nhà đưa đi cấp cứu. Anh may mắn thoát chết sau gần 2 tháng điều trị với số tiền viện phí 300 triệu đồng. Thế nhưng, di chứng để lại là đôi chân và tay của anh bị teo rút.

“Lúc đó tôi thấy như sụp đổ khi nghĩ về tương lai. Nhưng rồi được vợ con động viên, tôi kiên trì uống thuốc, tập vật lý trị liệu suốt gần 1 năm thì đôi chân bắt đầu đi chập chững, tay cũng cử động bình thường trở lại. Đến bây giờ, mỗi lần mưa gió trở trời là đau nhức chịu không được”, anh Hiếu chia sẻ.

Để có tiền trang trải cho gia đình, 2 năm nay, ngày nào anh Hiếu cũng vác lưới tìm cá tôm ở những vùng biển gần. So với đi lặn ở Hoàng Sa, Trường Sa thì nghề ven bờ thu nhập rất thấp. Có hôm may mắn kiếm được vài ba trăm ngàn đồng, có hôm thì về tay không.

Cũng may mắn giữ lại được mạng sống nhưng suốt cuộc đời còn lại, ngư dân Đặng Văn Tiến (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) phải chấp nhận di chuyển bằng xe lăn. Mọi sinh hoạt ông đều phải nhờ vợ là bà Nguyễn Thị Tăng lo liệu.

Khoảng 9 năm trước, ông Tiến không may bị ngạt khi đang lặn khiến ông liệt toàn thân. Cuộc sống gia đình cũng từ đó rơi vào cảnh khó khăn và bế tắc.

“Giờ hai vợ chồng già chỉ biết nhờ vào trợ cấp của nhà nước. Chứ ổng như vậy thì đâu có làm gì được để kiếm tiền. Suốt ngày quanh quẩn lo ăn uống, vệ sinh cá nhân cho ông ấy”, bà Tăng buồn rầu nói.

Quảng Ngãi: Nguy hiểm nghề lặn biển - Ảnh 2.

Nghề lặn biển tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho ngư dân

Thống kê của cơ quan chức của tỉnh Quảng Ngãi, mỗi năm có không dưới 10 trường hợp tai nạn do lặn biển. Gần đây nhất là vào ngày 3/12, ông Nguyễn Văn Hữu (53 tuổi, ngụ thôn Tây, xã An Vĩnh) cùng con trai là Nguyễn Thanh Nghĩa (30 tuổi) đi thuyền máy có công suất 30CV đến vùng biển phía Tây đảo Lý Sơn lặn bắt ốc xà cừ và nhum biển. Áp suất thay đổi đột ngột khiến ông Hữu bị tai biến và tử vong ngay sau đó.

Theo bà Phạm Thị Hương - Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, đối với những trường hợp bị tai nạn do lặn thì địa phương chỉ trích từ nguồn dự phòng của huyện để thăm hỏi và hỗ trợ một phần nhỏ. Nhưng về lâu dài thì rất cần có chính sách để hỗ trợ vì nguồn lực địa phương không đảm bảo.

Thực tế tại các vùng biển ở Quảng Ngãi, phương tiện, trang thiết bị cho lao động lặn biển là vô cùng thiếu thốn. Đây là nghịch lý kéo dài, đồng nghĩa với việc gia tăng những mối nguy từ nghề này. Đến thời điểm hiện tại, địa phương lẫn ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp triệt để nào nhằm ngăn chặn các tai nạn trong lặn biển.

Quốc Triều