Quảng Ngãi: Bỏ nghề cơ khí, chàng kỹ sư trẻ về đảo tiền tiêu trồng "vàng trắng"
(Dân trí) - Đặng Quang Trọng từng là kỹ sư cơ khí tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Nhưng giờ đây, chàng kỹ sư này đang trở thành một nông dân thứ thiệt đam mê trồng "vàng trắng" trên đất cát Lý Sơn. Tẩt cả được hình thành từ đam mê, dám thử thách và sức trẻ.
Quy mô và lợi nhuận của dự án trồng tỏi của Đặng Quang Trọng (33 tuổi, đảo Lý Sơn) chưa phải loại lớn. Nhưng bù lại, dự án này lại có điều đặc biệt mà chỉ những người trẻ như Trọng mới có thể làm được cho quê hương mình.
Ruộng tỏi của Trọng chỉ rộng hơn 400 m2, nằm lọt giữa hàng trăm ha tỏi trên đảo Lý Sơn. Nhưng điều lạ trên ruộng tỏi của anh là tấm biển ghi rõ: Đề nghị không được cắt cỏ dại.
"Người làm nghề nông thì xem cỏ là thứ gây hại nên cố gắng loại bỏ. Nhưng thật ra, mỗi ngọn cỏ hay con sâu trên đồng đều có lợi ích riêng cho cây trồng. Tôi để cỏ mọc xen với tỏi trong ruộng, chỉ những cây nào cao vượt cây tỏi mới được nhổ bỏ", Trọng nói.
Đặng Quang Trọng lý giải, ruộng tỏi của mình được canh tác theo hướng hữu cơ, hoàn toàn không dùng phân, thuốc bảo vệ thực vật. Việc để cỏ phát triển xen với tỏi nhằm giữ ẩm cho đất, tạo sự cân bằng môi trường sinh thái để những loài sinh vật có lợi phát triển.
Trong quá trình canh tác, anh Trọng dùng rong biển, nước ngâm vỏ một số loại cây trái... bón cho cây tỏi. Điều đặc biệt, ruộng tỏi của Đặng Văn Trọng không thay cát hàng năm như cách thông thường.
Theo Trọng, cát và đất thải từ ruộng tỏi đang là vấn đề khiến chính quyền đau đầu. Lượng cát, đất còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đang trở nên quá tải.
Việc thay cát liên tục còn dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường biển. Do đó, Trọng tìm cách xử lý, tận dụng lại lượng cát có sẵn để canh tác.
"Hiện nay diện tích trồng tỏi khá lớn, sản lượng cao nhưng giá trị mất dần, lại thường xuyên bị ép giá, rồi ô nhiễm do phân, thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, tôi cảm thấy mình cần quay về quê để góp sức trong việc thay đổi hướng canh tác. Đó cũng là lý do khiến tôi bỏ nghề cơ khí về quê trồng tỏi hữu cơ", Trọng chia sẻ.
Trồng tỏi theo hướng hữu cơ nên năng suất chỉ bằng 60% - 70% so với cách trồng truyền thống.
Tuy nhiên, giá thành tỏi hữu cơ cao ngất ngưỡng và luôn được đặt hàng trước. Với sự thành công bước đầu, Trọng đã quyết định thành lập công ty để thuận tiện trong việc kinh doanh, đồng thời tiến hành mở rộng quy mô sản xuất.
Với 1 sào tỏi hữu cơ chỉ có thể thu về trên 40 kg tỏi khô. Tuy nhiên, giá tỏi hữu cơ luôn ở mức trên 370.000 đồng/kg. Điều đáng quan tâm là tỏi hữu cơ luôn được đặt hàng trước, giá cả luôn ổn định.
"Thời điểm cuối năm 2018, tỏi rớt giá thê thảm, có lúc chỉ còn 40.000 - 60.000 đồng mỗi kg. Lúc đó thì tỏi hữu cơ của em vẫn bán được với giá 375.000 đồng/kg", Trọng cho biết.
Bà Phạm Thị Hương - PCT UBND huyện Lý Sơn cho biết, huyện đảo Lý Sơn hiện có 3 mô hình sản xuất tỏi theo hướng hữu cơ với diện tích khoảng 3 ha.
Các dự án này đều do những người còn rất trẻ làm chủ, trong đó dự án của Đặng Văn Trọng đã có những thành công bước đầu. Hiện chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ tối đa cho những dự án này, đặc biệt là việc chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp sạch.
"Thông qua cách làm mới, nhiều thanh niên ở Lý Sơn đã và đang thực hiện giấc mơ nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hành, tỏi của quê hương", bà Hương nhận định.
Quốc Triều