Quảng Bình: Hàng chục cán bộ tri thức trẻ… bơ vơ khi kết thúc dự án
(Dân trí) - Thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, tháng 3/2011, huyện Minh Hóa đã tiếp nhận 47 trí thức trẻ về làm việc tại các xã. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, hiện hàng chục cán bộ tri thức trẻ đang rơi vào cảnh… thất nghiệp!
Căn cứ vào điều 3 Quyết định số 70/2009/QĐ- TTg ngày 27-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, tháng 3/2011, huyện nghèo Minh Hóa đã tiếp nhận 41 trí thức trẻ về làm việc tại các xã có điều kiện kinh tế khó khăn.
Đến tháng 8/2011, huyện Minh Hoá tiếp tục tiếp nhận 6 cán bộ trí thức trẻ tuyển bổ sung đợt hai, tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã có 2 cán bộ bỏ việc giữa chừng. Hầu hết cán bộ trí thức trẻ được tuyển dụng có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên.
Sau gần 5 năm nhiệt huyết với công việc được giao, những trí thức trẻ này đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để hòa nhập vào môi trường làm việc mới. Phần lớn các cán bộ trí thức trẻ đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của đơn vị, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Những đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ cho huyện nghèo Minh Hóa là rất lớn. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2/2016, hợp đồng làm việc kết thúc khiến hàng chục cán bộ rơi vào cảnh thất nghiệp. Anh Đinh Mạnh Dầu, ở xã Hóa Hợp tâm sự: “Từ khi bị chấm dứt hợp đồng, bản thân tôi thấy rất buồn nhưng cũng phải cố gắng gượng dậy làm rất nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Nhiều khi thấy rất nhớ người dân và công việc trước đây nhưng cũng đành phải chấp nhận chứ không biết làm răng cả”.
Nhận tấm bằng ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Quảng Bình, anh Dầu được nhận vào làm cán bộ văn hóa xã Hóa Hợp. Sau 5 năm, anh đã tích cực tham mưu cho UBND xã trong việc bình xét hộ nghèo, các lĩnh vực liên quan đến chính sách cũng như xây dựng và tổ chức các phong trào văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Với những nỗ lực trên, hàng năm anh Dầu đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy mà giờ đây, anh đang phải chịu cảnh thất nghiệp rồi đi làm thuê một thời gian dài để nuôi sống gia đình.
Còn anh Đinh Tiến Hùng, cán bộ trí thức trẻ ở xã Thượng Hóa sau khi thất nghiệp phải đi vay mượn tiền để đầu tư chăn nuôi lợn. Lúc rảnh việc nhà, anh lại phải đi làm thuê, làm mướn để lo cho cuộc sống mưu sinh của gia đình. “Nhiều lúc mình đi làm thuê gặp lại bà con, họ không biết mình đã nghỉ việc nên hỏi câu bâng quơ rằng “cán bộ mà phải đi làm thuê à?”, Hùng buồn bã chia sẻ. Cùng chung với tình cảnh của Hùng và Dầu, ở Quảng Bình còn có hàng chục cán bộ tri thức trẻ khác.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng phòng Công chức, viên chức Sở Nội vụ Quảng Bình cho hay, hiện Sở Nội vụ đang về các xã để nắm bắt thông tin, nhu cầu, nguyện vọng cũng như đánh giá năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ trí thức trẻ; đồng thời xem nhu cầu cán bộ của địa phương để tham mưu cho Bộ Nội vụ, UBND tỉnh có hướng giải quyết.
“Nếu cán bộ nào hết hạn hợp đồng, chúng tôi đề nghị gia hạn hợp đồng hoặc ưu tiên xét công chức, viên chức trước nếu địa phương đó có chỉ tiêu. Một số cán bộ chưa phù hợp với chuyên môn sẽ có kế hoạch đào tạo lại”, bà Minh nêu giải pháp.
Đặng Tài – Đinh Vương