Quán lẩu "nói không với bia rượu" giúp cô chủ kiếm hơn 1 cây vàng mỗi ngày
(Dân trí) - Từ bỏ chức quản lý kinh doanh với thu nhập gần 40 triệu đồng/tháng, chị My khởi nghiệp bán món lẩu cù lao tại TPHCM. Mỗi ngày, quán có thể bán 500-1.000 nồi lẩu nhưng không bán bia rượu.
Quán lẩu của cô chủ thích… liều
Hơn 18h, 200 bàn tại tiệm lẩu cù lao trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã chật kín thực khách.
50 nhân viên chia làm 2 ca, liên tục ra vào khu vực bếp để kịp phục vụ lượng khách "khủng". Quán bố trí riêng một khu vực đốt than để bỏ vào chiếc nồi cù lao, đặc trưng của người miền Tây.
Nồi lẩu này không sử dụng bếp gas hay cồn như những quán ăn thông thường khác. Nó được thiết kế với ống nhôm ở giữa, dùng để chứa than nóng giúp cho thức ăn luôn giữ được độ sôi trong suốt thời gian dùng.
Tại đây, quán phục vụ 3 loại lẩu chính: lẩu cù lao, lẩu thái và lẩu mắm. Trong đó, lẩu cù lao là loại được thực khách ưa chọn nhất vì hiếm tìm được món này ở TPHCM. Mỗi nồi lẩu có giá 160.000 đồng, các món ăn kèm như bì cuốn, gỏi, chả giò,… có giá dao động vài chục nghìn đồng.
Khoảng 20h, quán lẩu ngày càng đông khách hơn. Chị Nguyễn Diễm My (31 tuổi), chủ quán, tiến đến từng bàn để xin những lời góp ý từ thực khách. Dù đã mở quán được 4 năm, chị vẫn luôn duy trì thói quen này.
"Quán luôn đông khách, kể cả các ngày trong tuần. Mỗi ngày, quán bán được 500 nồi lẩu, riêng các dịp lễ, Tết có thể bán được 1.000 nồi lẩu. Đôi lúc quán phải thông báo ngưng nhận khách vì hết món từ sớm", chị My nói.
Chị My mở quán lẩu này từ năm 2020. Trước đó, chị từng là quản lý kinh doanh cho một công ty ở TPHCM. Với mức thu nhập 20-40 triệu/tháng, cô gái đã khiến nhiều người bàng hoàng vì quyết định nghỉ việc để đi… bán lẩu.
"Tốt nghiệp đại học và làm văn phòng trong 4 năm, tôi cảm thấy rất gò bò, lúc nào cũng muốn thoát khỏi chiếc "kén" an toàn ấy. Tôi có niềm đam mê đối với ẩm thực, lại mơ ước khởi nghiệp ngay từ nhỏ nên… liều thôi.
Lúc đó vẫn chưa dám nghỉ việc ở công ty vì sợ không thành công. Nhưng sau 1 tháng mở bán, khách ủng hộ nhiều nên tôi bỏ hẳn công việc văn phòng", chị My cười, nói.
Khởi nghiệp không dễ và cần may mắn
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông ở tỉnh Cà Mau, Diễm My ngay từ nhỏ đã được mẹ dạy nấu các món ăn của quê hương. Trong đó, món lẩu cù lao là món mà My thích ăn và nấu ngon nhất.
"Món lẩu này rất đặc biệt vì mỗi năm tôi chỉ được ăn vài lần, vào các dịp như đám giỗ, đám cưới", My bộc bạch.
Lên TPHCM học tập và làm việc, cô gái càng thèm món lẩu này hơn nhưng thời điểm đó hiếm có nơi nào kinh doanh món này.
"Thay vì mỗi năm chỉ được ăn vài lần và về quê mới được ăn, tôi tự hỏi "sao mình không tự nấu rồi đem bán, để những người yêu thích món này cùng thưởng thức?". Sau đó, tôi dành 1 năm để lên ý tưởng, xây dựng thương hiệu, thuyết phục ba mẹ ở quê lên thành phố cùng điều hành quán", cô gái chia sẻ.
Chị My cho hay ngay từ đầu, chị xác định đối tượng thực khách sẽ là sinh viên, gia đình nên tuyệt đối không phục vụ rượu, bia. Điều này đã trở thành ưu điểm của quán và được nhiều thực khách chọn làm "bạn hàng quen".
Đối với chị My, khởi nghiệp không dễ và cần sự may mắn. Chủ quán chia sẻ bí quyết để thu hút thực khách chính là luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng, nhân viên; thử nghiệm mỗi thứ một ít để xem thị hiếu của khách hàng rồi sau đó thay đổi, cải thiện.
Lúc mới khai trương, quán của chị My chỉ có 20 bàn nhưng mỗi ngày có thể bán được 100 nồi lẩu. Thực khách phải đặt bàn trước hoặc đến từ sớm, nếu không thì phải bốc số và ngồi chờ đến lượt.
"Khởi nghiệp thành công là khi bạn thực sự đam mê, chấp nhận đặt cược hết thời gian, công sức, tiền bạc vào thứ mà bạn muốn khởi nghiệp. Cầm trên tay số tiền chưa đến 100 triệu đồng để khởi nghiệp, nhiều đêm tôi mất ngủ, sợ phải bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng gia đình, các nhân viên và khách hàng đã tiếp thêm động lực cho tôi", chị My nói.
Nguyên liệu luôn được chị My chuẩn bị mỗi ngày nên chi phí vận hành chiếm 60-65% doanh thu.
Thấy công việc phát triển, chị thuê một mặt bằng rộng hơn, mua thêm bàn ghế để phục vụ. Tiếng lành đồn xa, nhiều thực khách cũng tìm đến quán vì sự tò mò.
Chị My còn thuê thêm sinh viên, "kêu gọi" một số chị em phụ nữ ở quê lên TPHCM để làm việc tại quán lẩu. Trong quá trình làm việc, hễ ai có hoàn cảnh khó khăn, My đều giúp đỡ. Vì thế, hầu hết nhân viên tại đây đều gắn bó rất lâu với quán.
Năm ngoái, Diễm My cũng vừa mua căn nhà đầu tiên ở TP Thủ Đức để sống cùng ba mẹ. Giữa tháng 3, cô gái sẽ mở thêm quán lẩu thứ 2 tại quận 7.
"Dù quán đầu tiên rất đông khách nhưng phải đến năm thứ 4 tôi mới quyết định mở thêm chi nhánh. Bởi tôi đắn đo rất nhiều để suy nghĩ cách đồng nhất hương vị của cả hai quán, đem đến chất lượng hoàn hảo cho thực khách.
Điều khiến tôi tâm đắc nhất chính là quảng bá thành công món ăn dân dã và hình ảnh nồi lẩu truyền thống của quê hương mình cho nhiều người ở khắp vùng miền biết đến", chị My trải lòng.