1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Qua 5 tháng đầu năm 2017: 44.334 lao động đi làm việc ở nước ngoài

(Dân trí) - Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), đa số lao động VN đi xuất khẩu lao động sau 5 tháng đầu năm 2017 tập trung ở thị trường lao động Nhật Bản và Đài Loan. Đặc biệt, lao động sang thị trường Đài Loan có xu hướng giảm so cùng kỳ năm 2016.

Qua 5 tháng đầu năm 2017: 44.334 lao động đi làm việc ở nước ngoài - 1

Theo ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), qua 5 tháng 2017, các doanh nghiệp XKLĐ đã đưa 44.334 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, thị trường Nhật Bản có 17.454 lao động, Đài Loan có 21.739 lao động.

“Với tốc độ đưa lao động hơn 10.000 lao động như trong tháng 4 và 5 vừa qua, dự kiến hết 6 tháng, các doanh nghiệp sẽ đưa được khoảng hơn 55.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài” - ông Tống Hải Nam dự báo.

Lý giải về việc số lao động VN đưa sang làm việc tại Đài Loan giảm hơn 1.000 lao động so với cùng kỳ năm 2016, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Luật số 52 của Đài Loan bắt đầu có hiệu lực, trong đó có quy định lao động nước ngoài khi hết hạn hợp đồng lao động ở Đài Loan có thể gia hạn tại chỗ. Trước đây, lao động hết hạn hợp đồng phải về nước và tham gia hợp đồng mới.

“Theo dõi của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho thấy, có một số lượng lớn lao động VN đã gia hạn hợp đồng tại chỗ với các doanh nghiệp Đài Loan. Đây cũng là nguyên nhân khiến số lượng lao động mới không gia tăng” - ông Tống Hải Nam nói.

Liên quan tới công tác thanh kiểm tra hoạt động xuất khẩu lao động, từ đầu năm 2017 tới nay, thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện công tác thanh, kiểm tra ở 39 doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong cả nước.

Ngoài việc ban hành 21 quyết định xử phạt, Bộ LĐ-TB&XH còn ban hành 292 kiến nghị yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện khắc phục sai phạm.

Chỉ tính riêng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã lên tới 2,675 tỉ đồng. Bộ LĐ-TB&XH cũng ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của 5 doanh nghiệp, kiến nghị lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH ban hành quyết định thu giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của 5 công ty.

Lao động ở Ả rập xê út về nước phải có thủ tục exit visa

Về thị trường Ả rập Xê út, các doanh nghiệp đã đưa hơn 10.000 lao động đang làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình, xây dựng. Đa số phát sinh trong lĩnh vực giúp việc gia đình.

Ông Tống Hải Nam phân tích, đặc thù của lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập xê út là không mất chi phí. Thậm chí, các công ty môi giới của Ả rập xê út còn thu phí từ chủ sử dụng để chuyển cho người lao động, thông qua công ty XKLĐ ở VN. Nhiều hợp đồng lao động, người lao động được nhận tới 20-30 triệu đồng trước khi đi.

"Chính vì vậy, điều này cũng phần nào tạo sự chủ quan cho người lao động khi cho rằng cứ nhận lời làm công việc này để có số tiền ứng trước đã. Điều này ảnh hưởng phần nào tới ý thức, trách nhiệm công việc sau này.

Nhưng khi có sự việc phát sinh do nhiều nguyên nhân, người lao động đòi về nước. Tuy nhiên, quy định xuất cảnh của lao động tại Ả rập xê út đòi hỏi phải có thủ tục exit visa. Nếu chủ sử dụng lao động hoặc công ty môi giới không hợp tác, việc xin exit visa cho người lao động về nước tương đối khó khăn. Đây cũng là lý do khi một số lao động VN khi sang Ả rập xê út đòi về ngay nhưng chưa thực hiện được" - ông Tống Hải Nam nói.

Hoàng Mạnh