Đào loại ấu trùng nhìn là sợ, kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày
(Dân trí) - Mùa mưa, sùng đất sinh sôi, làm tổ khắp bãi bồi ven sông. Người dân Quảng Ngãi đào sùng bán cho nhà hàng, quán nhậu với giá 300.000-350.000 đồng/kg.
Sau những đợt lũ lớn, bãi bồi của các con sông lớn tại Quảng Ngãi được phủ một lớp phù sa màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho sùng đất sinh sôi. Đây là loại ấu trùng có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người ưa chuộng và các nhà hàng, quán nhậu thu mua với giá từ 300.000 đến 350.000 đồng/kg. Chính vì vậy, nhiều người dân đã ra bãi bồi để đào sùng, kiếm thêm thu nhập.
Từ sáng sớm, ông Nguyễn Văn Lớn, một người dân xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, đã vác cuốc ra bãi bồi sông Vệ để đào sùng. Theo ông Lớn, sùng đất sinh sôi mạnh nhất từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, đặc biệt là sau mỗi đợt lũ lớn.
Sùng đất sinh sôi dưới lớp phù sa của bãi bồi, đặc biệt là ở các thửa đất trồng đậu phụng, bắp, khoai lang và khoai mì. Chúng sinh sôi ở độ sâu 20cm dưới lớp đất phù sa và không để lại dấu hiệu nào trên mặt đất, do đó người dân phải đào từng lát đất liên tiếp để tìm kiếm.
"Dùng cuốc đào nhẹ nhàng rồi lật lớp phù sa lên tìm sùng. Đào phải khéo nếu không lưỡi cuốc sẽ làm hỏng con sùng, không bán được nữa", ông Lớn chia sẻ.
Sau khi bắt được sùng, người dân cần ngắt phần đuôi để rút ruột và ngâm vào nước để giữ cho sùng sạch và tươi lâu hơn. Khi về nhà, họ rửa sạch sùng và luộc chín trước khi bán.
Sùng đất là món ăn ưa thích của nhiều người. Do đó, các nhà hàng, quán nhậu thường đặt hàng và sùng đào bao nhiêu cũng được thu mua hết trong ngày.
Bà Nguyễn Thị Quyên, một người dân khác tại xã Hành Tín Tây cho biết, mùa mưa lũ cũng là thời điểm nông nhàn. Do đó nhiều người tranh thủ đào sùng để kiếm thêm thu nhập. Lớp đất phù sa mềm nên việc đào sùng cũng khá nhẹ nhàng.
"Những thửa đất trồng mì là nơi có nhiều sùng nhất. Mỗi người có thể đào được 0,5-1kg mỗi ngày. Có người đào trúng "ổ", kiếm được hơn 1kg, trong chốc lát kiếm được khoảng 500.000 đồng", bà Quyên chia sẻ.
Sùng đất sinh sôi rất nhanh, chỉ sau 2-3 ngày, một thửa đất đã được đào xong lại có lứa sùng mới. Vì thế, ngày nào cũng có người cần mẫn đào sùng trên bãi bồi.
"Loại này nhìn thấy ghê nhưng thật ra rất sạch. Con sùng ăn rễ cây, các loại củ nên sạch, bổ dưỡng. Đào sùng bán vừa có tiền, vừa bảo vệ cho cây trồng trên bãi bồi", bà Quyên nói thêm.
Sùng đất thường được chế biến thành các món nướng, chiên. Sau khi chế biến, sùng có vị béo, bùi, mùi thơm hấp dẫn, là món ăn ưa thích của nhiều thực khách.
Sùng đất là con sâu đất - một loại ấu trùng có vòng đời dài hơn các loại ấu trùng khác. Ở giai đoạn non (ấu trùng tuổi 1 và tuổi 2), chúng đã ăn thực vật và rễ cây non. Khi trưởng thành, chúng ăn tất cả các loại rễ cây, rễ già và non, thậm chí là lá cây.
Đây là ấu trùng của một số loài bọ hung hóa nhộng và sống trong đất, có màu trắng, kích thước khoảng 1-5cm.
Con sùng đất gây hại cho cây trồng, là mối đe dọa khi làm vườn. Theo đó, người canh tác cần diệt sùng đất để bảo vệ cây trồng và môi trường, đặc biệt là khi trồng rau.