“Phụ nữ khó khăn khi tố cáo các vụ việc bị bạo lực tình dục..."

(Dân trí) - “Báo cáo của Liên Hợp Quốc về phụ nữ cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người từng trải qua bạo lực tình dục hoặc thân thể. Tại Việt Nam, ước tính khoảng 50 % phụ nữ được hỏi từng chịu 1 trong 3 dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần trong đời”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ&TB&XH, nêu ra những cảnh báo tại tọa đàm "Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái: khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ". Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại VN tổ chức sáng 5/12 tại Hà Nội.

Những cảnh báo…giật mình

Chia sẻ số liệu nghiên cứu về bình đẳng giới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc về phụ nữ thế giới năm 2015, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người từng trải qua bạo lực tình dục hoặc thân thể.

Ở một số quốc gia, con số trên là 70 %. Bạo lực dẫn đến nhiều nguy cơ cho phụ nữ và trẻ em gái như: Tổn thương cơ thể, trầm cảm, mang thai ngoài ý muốn, bị mua bán thậm chí là tử vong.


Phụ nữ khó tố cáo các vụ việc bị bạo lực tình dục ...(Ảnh minh hoạ)

Phụ nữ khó tố cáo các vụ việc bị bạo lực tình dục ...(Ảnh minh hoạ)

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, nhưng ước tính khoảng trên 50 % phụ nữ chịu 1 trong 3 dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần trong đời.

Cảnh báo cũng cho thấy, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em diễn ra với nhiều hình thức và môi trường khác nhau, trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Tình trạng bạo lực gây ra những trở ngại của nỗ lực phát triển, bình đẳng và giữ gìn hoà bình.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết nhiều khó khăn trong việc phòng chống bạo lực nói chung và bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em vì những đặc thù riêng.

“Phụ nữ khó tố cáo các vụ việc bị bạo lực tình dục và tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời so với những dạng bạo lực thể xác. Trong khi đó, việc xử lý và can thiệp đôi lúc còn chưa kịp thời và thoả đáng, gây ra bất bình trong xã hội” - bà Nguyễn Thị Hà cho biết.

Nhiều nỗ lực

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn đặt mục tiêu kiên quyết ngăn ngừa và đẩy lùi tình trạng bạo lực nói chung và bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thực thi các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bảo đảm quyền con người, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Từ năm 2016, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” từ 15/11 - 15/12 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới và phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới.

“Bên cạnh hệ thống pháp luật quy định về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH còn thực hiện nhiều hoạt động, mô hình như: Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng, cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới …” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.

Đồng quan điểm về những khó khăn trong phòng chống bạo lực, bà Đỗ Thị Thu Hà - Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng bạo lực nói chung và bạo lực tình dục nói riêng xảy ra trên toàn thế giới, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

“Tại Việt Nam, một nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức ActionAid năm 2016 tại 5 tỉnh, thành phố cho thấy, khoảng 51 % phụ nữ được hỏi cho rằng từng bị quấy rối tình dục một lần” - bà Đỗ Thị Thu Hà nói.

Cũng theo bà Đỗ Thị Thu Hà, Quỹ Dân số Liên hợp quốc ghi nhận nhiều nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn và phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Qua đó nhằm thay đổi nhận thức của người dân và các nhà hoạch định chính sách.

“Bên cạnh nhiều chương trình thực hiện của các bộ, ban ngành, trong đó Bộ LĐ-TB&XH là đơn vị chủ trì, Quốc hội đã ban hành nhiều quy định liên qua, như: Bộ Luật Lao động năm 2012 nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Luật Giáo dục năm 2009 quy định xử lý việc xâm phạm thân thể, nhân phẩm nhà giáo, ngược đãi học sinh trong các cơ sở giáo dục…” - bà Đỗ Thị Thu Hà liệt kê.

Hoàng Mạnh