1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Phú Yên: Nhờ vốn vay thoát nghèo, nhiều hộ người dân tộc đã thành tỉ phú

(Dân trí) - Nhờ tận dụng, phát triển được nguồn vốn vay, nhiều gia đình dân tộc thiểu số tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã vươn lên thoát nghèo, tự tạo việc làm bền vững. Trong đó, nhiều hộ gia đình đã trở thành triệu phú, tỉ phú trên vùng đất cằn cỗi này.

Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu nhờ vốn vay

Sông Hinh là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước. Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 5.600 hộ. Để giúp các hộ dân ở đây phát triển kinh tế, 9 chương trình tín dụng đã được triển khai cho vay. Trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Hinh đặc biệt chú trọng đến cho vay trồng rừng và phát triển chăn nuôi theo Nghị định của Chính phủ về bảo vệ phát triển rừng gắn giảm nghèo nhanh bền vững hỗ trợ đồng bào dân tộc.

Triệu phú, tỉ phú chân đất


Từ vay 2 triệu đồng nuôi bò đến nay anh Hứa Văn Nhay đã phát triển thành đàn bò 15 con

Từ vay 2 triệu đồng nuôi bò đến nay anh Hứa Văn Nhay đã phát triển thành đàn bò 15 con

Xuất phát điểm là 1 hộ gia đình đông con, nghèo đói nhất làng. Nhưng bây giờ anh Hứa Văn Nhay (dân tộc Nùng, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh) lại trở thành 1 người được nhiều người địa phương ngưỡng mộ, khi kinh tế gia đình mỗi năm thu gần 150 triệu đồng, đặc biệt 3 người con của gia đình ai cũng tốt nghiệp đại học và có chỗ làm đàng hoàng.

Anh Hứa Văn Nhay chia sẻ: "Ngày trước gia đình tôi nghèo lắm, cơm cũng chẳng đủ ăn nhà cửa thì sập sệ lắm. Thế rồi gia đình tôi được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sông Hinh cho vay 2 triệu đồng để nuôi bò cái sinh sản. Từ con bò đó, tôi cố gắng chăm sóc và bắt đầu nhân đàn, sinh ra mà đực là tôi nuôi bán thịt, còn nếu là cái thì tôi giữ lại làm nái để phát triển đàn. Đến nay đàn bò của gia đình đã lên tới 15 con".


Anh Nhay dùng máy để cắt cây cỏ trồng vỗ béo cho đàn bò

Anh Nhay dùng máy để cắt cây cỏ trồng vỗ béo cho đàn bò

Cũng theo anh Nhay, mỗi năm xuất chuồng 4 con bò thịt, thu lãi hơn 60 triệu đồng. Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, gia đình anh còn mở thêm cơ sở bán hàng nông nghiệp phục vụ cho bà con nhân dân trong vùng…

Cũng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách, gia đình bà Nguyễn Thị Cước, xã EaBa huyện Sông Hinh lại chọn trồng cây cao su và cây ăn quả đề phát triển kinh tế. Từ chỗ là hộ nghèo đến nay hộ bà đã phát triển quỹ đất của gia đình lên 12 ha, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ cây cao su và cây ăn quả.

Từ 1 hộ nghèo giờ bà Nguyễn Thị Cước trong tay đã co thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Từ 1 hộ nghèo giờ bà Nguyễn Thị Cước trong tay đã co thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Đưa chúng tôi đi thăm vườn cao su đang trong thời kỳ thu hoạch, bà Nguyễn Thị Cước cho biết: Vườn cao su này có diện tích 2 ha. Đầu tiên gia đình vay vốn của Ngân hàng Chính sách 50 triệu đồng để mua cây giống về trồng, khi cây cao su còn nhỏ tôi xen canh những cây ngắn ngày để “lấy ngắn nuôi dài”. Sau 6 năm đầu tư bây giờ đã cho thu hoạch được 2 năm. Sau khi trừ chi phí cũng thu về được khoảng 100 triệu đồng. Sắp tới gia đình đang định hướng trồng thêm cây tiêu, cây ăn quả như: sầu riêng, bơ để tăng thu nhập cho gia đình.

Sẽ tiếp tục ưu tiên vốn vay cho hộ nghèo, cận nghèo

Những năm gần đây, thông các hội đoàn thể được đứng ra ký ủy thác, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sông Hinh đã giúp người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi. Vốn vay này ưu tiên dành cho người dân tộc thiểu số thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ông Trần Văn Thanh Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Hinh cho biết: Với mục tiêu tất cả các hộ nghèo có mong muốn vay vốn để thoát nghèo đều được vay vốn, thì về cơ bản đến nay tại huyện Sông Hinh đã có trên 79% hộ được vay. Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, bình quân mỗi năm có 2 đến 3,5% tỷ lệ hộ nghèo của huyện Sông Hinh vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong thời gian đến, để giúp bà con hơn nữa, chúng tôi sẽ có nhiều chính sách ưu tiên để 100% bà con đều được tiếp cận vốn, vươn lên thoát nghèo.

2 hecta cao su chỉ mới trồng có 6 năm nhưng đem về lợi nhuận đều đặn hơn 100 triệu đồng
2 hecta cao su chỉ mới trồng có 6 năm nhưng đem về lợi nhuận đều đặn hơn 100 triệu đồng

Việc triển khai các chính sách tín dụng của Ngân hành Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã hát huy hiệu quả. Với số vốn hơn 258 tỷ đồng (tính đến ngày 31/11/2017) đã giúp hơn 9.000 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế và từng bước vươn lên thoát nghèo. Từ thực tiễn nhiều bài học kinh nghiệm trong cho vay cũng đã được rút ra.

Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Yên cho biết: Để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng vốn có hiệu quả, Ngân hàng đã phối hợp với các Phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Đặc biệt là định hướng phát triển kinh tế theo lợi thế của từng vùng. Qua đây thực sự đã phát huy hiệu quả. Người dân có thu nhập và sau đó hoàn vốn rất nhanh.

Trung Thi