1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Phú Yên khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành, thực thi các chính sách đào tạo, thu hút nhân lực y tế, nhất là những người có trình độ bác sĩ, nhưng đến nay Phú Yên vẫn là một trong những địa phương có tỷ lệ bác sĩ thấp nhất cả nước. Thiếu nhân lực đang ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh.

Nằm cách thành phố Tuy Hòa hơn 30 km, có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam đi qua, với số dân hơn 128 nghìn người, huyện Tuy An là một trong ba trung tâm phía bắc của tỉnh Phú Yên. Thế nhưng, Trung tâm y tế huyện Tuy An chỉ có 22 bác sĩ làm việc, trong đó có bốn bác sĩ hệ dự phòng, 18 bác sĩ làm công tác điều trị, mỗi ngày thực hiện khám cho 400 đến 450 người bệnh, thậm chí có ngày lên đến 500 người bệnh ngoại trú và điều trị nội trú cho khoảng 145 người bệnh.

Thiếu nhân lực, và “vướng trần” về số lượng người bệnh mà một bác sĩ khám cho nên nhiều khi trung tâm phải huy động nhân lực từ tuyến xã lên tăng cường. Các chuyên khoa chính gần như không đủ người làm, còn các chuyên khoa lẻ thì phải ghép. Do thiếu bác sĩ, bệnh viện gặp nhiều áp lực trong việc triển khai những kỹ thuật cao để khám, chữa bệnh.


Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Phú Yên thực hiện một ca cấp cứu.

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Phú Yên thực hiện một ca cấp cứu.

Ðáng chú ý, mặc dù thiếu nhưng nhiều năm nay gần như không có bác sĩ mới tốt nghiệp ra trường về công tác tại địa phương. Ðể bù đắp số lượng thiếu hụt, trung tâm phải tổ chức cử các cán bộ tại chỗ đi đào tạo, nâng cao trình độ. Nhưng khi đó lại gặp phải bài toán khó, đó là tình trạng “chảy máu bác sĩ”.

Nhiều lần trung tâm cử bác sĩ lên tuyến trên học nâng cao tay nghề, khi học xong bác sĩ không trở về huyện nữa, mà ở lại tuyến trên tìm cơ hội công việc tốt hơn. Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm y tế Tuy An cho biết: Từ năm 2005 đến nay hơn 10 bác sĩ đã chuyển đi như vậy. Mới đây nhất là một bác sĩ đa khoa được đi đào tạo về gây mê tại tuyến trên rồi ở lại đó công tác luôn.

Mặc dù là tuyến cao nhất của tỉnh, nhưng Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên cũng không nằm ngoài vòng xoáy thiếu nguồn nhân lực. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, dù cơ sở vật chất kỹ thuật tạm gọi là đủ, nhưng bệnh viện đang trong giai đoạn rất khó khăn về nhân lực, nhất là thiếu đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao. Như Ðơn nguyên tim mạch đã đi vào hoạt động gần hai năm nhưng đến nay vẫn hoạt động cầm chừng vì thiếu nhân lực.

Cả đơn vị này chỉ có ba bác sĩ, trong đó một bác sĩ được Khoa Hồi sức tích cực - chống độc tăng cường xuống làm công tác phụ trách, một bác sĩ vừa hoàn thành khóa đào tạo nâng cao trình độ và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên, bác sĩ còn lại cũng đang chuẩn bị đi học.

Do vậy, mặc dù đã được các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch, nhưng vì thiếu bác sĩ, cho nên đơn nguyên không thể hoạt động liên tục được. Cứ hai đến ba tuần, kíp bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất lại về thực hiện các ca can thiệp tim mạch do các bác sĩ của bệnh viện khám và chỉ định can thiệp (những ca cấp cứu nặng hằng ngày vẫn phải chuyển vào Nha Trang hoặc TP Hồ Chí Minh).

Tương tự là Khoa Ung bướu, chỉ có năm bác sĩ, do vậy dù được trang bị máy xạ trị cho người bệnh ung thư nhưng do chưa có bác sĩ phụ trách cho nên số máy móc này vẫn phải “đắp chiếu”. Các bác sĩ ở đây cho biết, hiện nay, mỗi ngày khoa tiến hành thăm khám cho khoảng 20 bệnh nhân và điều trị cho 37 người bệnh nội trú. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh tại đây đều chuyển từ bệnh viện tuyến trên về, công tác điều trị tại khoa chủ yếu là chăm sóc giảm nhẹ.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên có quy mô 600 giường bệnh nhưng thường xuyên có gần 700 người bệnh điều trị nội trú. So với nhu cầu, bệnh viện này còn thiếu hàng chục bác sĩ. Sự thiếu hụt đó đang ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phấn đấu trở thành bệnh viện hạng I (vào năm 2020) cũng như việc mở rộng, phát triển các chuyên ngành: ngoại thần kinh, ung bướu, truyền nhiễm…

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên Phạm Minh Hữu thừa nhận tình trạng thiếu bác sĩ xảy ra ở khắp các cơ sở y tế trong tỉnh. Phú Yên hiện mới đạt tỷ lệ 6 bác sĩ/10 nghìn dân, thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực, từ năm 2014, tỉnh Phú Yên đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút bác sĩ về làm việc, như việc Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 110/2014 về thu hút, đào tạo, đãi ngộ bác sĩ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020.

Theo đó, để đạt mục tiêu 9 bác sĩ/10 nghìn dân vào năm 2020, tỉnh cần có thêm 446 bác sĩ, trong đó thu hút 280 bác sĩ và bác sĩ có trình độ sau đại học và đào tạo, 150 bác sĩ có trình độ sau đại học.

Chính sách thu hút được nêu rõ là hỗ trợ từ 300 đến 500 triệu đồng đối với bác sĩ có trình độ sau đại học; đối với trình độ đại học cũng là 200 đến 250 triệu đồng; hỗ trợ gấp 1,5 lần lương cơ bản với bác sĩ đa khoa; bác sĩ chuyên khoa I hoặc thạc sĩ được trả lương gấp hai lần mức lương cơ bản; còn bác sĩ chuyên khoa II hoặc tiến sĩ trả lương cao gấp ba lần lương cơ bản...

Nhưng cho đến nay kết quả vẫn không như mong muốn. Trong bốn năm, tỉnh tuyển được 119 bác sĩ, trong đó có 82 bác sĩ đa khoa, sáu bác sĩ răng hàm mặt, 10 bác sĩ y học cổ truyền, 15 bác sĩ y học dự phòng… các chuyên khoa lẻ: da liễu, tâm thần, lao gần như không có bác sĩ về công tác. Hiện nay, tỉnh Phú Yên vẫn còn thiếu đến 161 bác sĩ. Tình trạng thiếu bác sĩ sẽ còn căng thẳng hơn vì sắp tới tỉnh có chủ trương mở thêm một số chuyên ngành như tim mạch, ung thư, đột quỵ, trung tâm cấp cứu.

Theo Minh Hoàng/Báo Nhân Dân