Phụ nữ làm nông sẽ canh tác hiệu quả hơn khi được hỗ trợ kiến thức
(Dân trí) - Một tay quán xuyến việc gia đình, đồng thời cũng tất bật lo toan công việc đồng áng hàng ngày là tình trạng chung của nhiều phụ nữ làm nông nghiệp. Nếu được hỗ trợ đầy đủ kiến thức, họ sẽ canh tác hiệu quả hơn.
"Từ sáng đến tối, tôi dành phần lớn thời gian làm việc ở ngoài đồng. Bận việc đồng ruộng nhưng phụ nữ chúng tôi vẫn phải tranh thủ lo lắng trước sau các công việc trong nhà", chị Hương chia sẻ tại Hội thảo "Nâng bước phụ nữ nông thôn Việt".
Phụ nữ làm nông thời hiện đại - khó khăn chồng khó khăn
Chị Lê Thị Hồng Hương (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) là một trong những ví dụ điển hình cho việc đảm nhiệm vai trò kép của người phụ nữ nông thôn thời nay. Mặc dù nhiều chị em đã được tạo điều kiện tham gia sản xuất nông nghiệp tạo sinh kế bền vững, nhưng vẫn còn nhiều người gặp trở ngại trong canh tác.
Chọn ngô là cây trồng chủ lực, chị Hương chia sẻ tham gia hội thảo vì muốn hiểu biết thêm về cách trồng mới, chăm sóc, ngừa sâu bệnh hại, hay công nghệ mới để tăng năng suất cho ruộng ngô. Khi cây ngô đạt năng suất cao thì kinh tế gia đình sẽ được cải thiện, các con được học hành đến nơi đến chốn, mọi thứ cũng đỡ vất vả hơn.
Cùng gặp khó trong canh tác, chị Phạm Thị Cúc (TP Cần Thơ) chia sẻ: "Trước giờ vì không hiểu biết nhiều về sâu hại, nên khi cây trồng gặp sâu bệnh, tôi không biết phun thuốc gì cho hiệu quả. Hoàn cảnh của tôi cũng khó khăn, không có nhiều điều kiện được tham gia trường lớp để biết áp dụng phương pháp mới nào vào canh tác, nên chỉ ráng giúp chồng những việc đơn giản ở ngoài đồng".
Thực tế cho thấy mặc dù số lao động nữ trong nông nghiệp chiếm 47,4% nhưng có đến 85,9% phụ nữ làm nông nghiệp đang phải đối mặt với chất lượng việc làm thấp. Phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các cải tiến mới, thiếu ổn định kinh tế, dẫn đến canh tác không bền vững.
Sân chơi kiến thức của "một nửa thế giới" nông thôn
Bà Trần Thị Thiên Thư - Phó chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ - cho biết: "Hiện nay phụ nữ nông thôn đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm những kiến thức bổ ích. Điển hình như chương trình Hội thảo "Nâng bước phụ nữ nông thôn Việt" đã diễn ra thành công trong 2 ngày 17/10 và 18/10 tại trung tâm TP Cần Thơ và Vĩnh Long, thu hút sự quan tâm và tham dự của hơn 150 chị em nông dân".
Thông qua chương trình, chị em phụ nữ nông thôn đã có cơ hội lắng nghe các chuyên gia về nông nghiệp và dinh dưỡng chia sẻ những kiến thức trong hoạt động canh tác thời đại mới, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là dịp để các chị em nông thôn cùng giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm đến từ những cá nhân phụ nữ thành công trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Yến, tỉnh Kiên Giang, cho rằng những nội dung các chuyên gia chia sẻ trong buổi hội thảo rất có ích cho đời sống và canh tác. Người nông dân như chị càng thêm tin tưởng về vai trò quan trọng của công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, điển hình như việc phổ biến sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên đồng ruộng.
Chị Yến khẳng định nếu được hỗ trợ, chị và gia đình sẽ mạnh dạn áp dụng những cải tiến mới vào canh tác.
"Những cánh đồng ở quê tôi chủ yếu là đất phèn, nên sản xuất khó khăn và tốn kém nhiều chi phí cho việc cải tạo. Tôi hy vọng sau hôm nay có thể áp dụng những sản phẩm, tiến bộ kỹ thuật của Syngenta vào canh tác để nâng cao năng suất và giảm đi chi phí đầu vào, giúp chị em và người nông dân quê tôi bớt đi cực nhọc", chị Hoàng Thị Thu (Kiên Giang) bộc bạch.
Trong bối cảnh phụ nữ nông thôn đã và đang gặp nhiều trở ngại khi vừa phải vẹn toàn tổ ấm, vừa làm kinh tế nông nghiệp, việc hội thảo thu hút hơn 150 phụ nữ tham dự đã cho thấy sự quan tâm to lớn của chị em về việc tự nâng cao kiến thức cho bản thân và ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò của mình.
Theo đại diện doanh nghiệp, chương trình cũng thể hiện sự sẵn sàng nâng bước cộng đồng phụ nữ nông thôn của Syngenta với mong muốn có thể trao tay những kiến thức bổ ích, giúp họ cải thiện điều kiện và chất lượng cuộc sống.
Từng bước vững chắc, Syngenta cho biết hy vọng Việt Nam có thể tiến đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững không chỉ trong hoạt động sản xuất mà kể cả trong đời sống của người nông dân.