1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Phóng sự: “Săn” cá trên biển đêm

Lão ngư Nguyễn Xếch nhấn ga, con tàu rẽ sóng vẽ thành vòng tròn khá rộng trên mặt biển. Ngư dân trên tàu nhanh nhẹn buông lưới vây đàn cá bám theo ngọn đèn dập dềnh trên sóng. Và rồi những đôi tay rắn chắc thoăn thoắt kéo lưới, những túi cá tươi sống được kéo lên khỏi mặt nước, đổ tràn ra sàn tàu. Cá nhồng, cá trích… lấp lánh vảy bạc giãy đành đạch trước khi cho vào đá ướp lạnh để chuyển vào bờ kịp phiên chợ sớm.

Biển chiều êm ả

Chiều thu, bến cá Mỹ Á, xã Phổ Quang (Đức Phổ, Quảng Ngãi) tấp nập tàu thuyền. Tôi bước chân lên tàu cá QNg 98530TS của lão ngư Nguyễn Xếch - Vạn trưởng vạn chài Hải Tân, xã Phổ Quang - để được trải nghiệm chuyến vươn khơi. Hơn 14h, tàu nổ máy, đưa tôi cùng 11 ngư dân hướng ra cửa biển Mỹ Á.

Thuyền trưởng Nguyễn Xếch tập trung cao độ để điều khiển con tàu tránh những tảng đá ẩn hiện dưới sóng nước nơi cửa biển tựa như hung thần đòi mạng, sẵn sàng đánh vỡ và nhấn chìm khi tàu va vào. Ra khỏi cửa biển, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm như vừa chiến thắng thủy thần.


Một chiếc tàu cá đang kéo lưới trên biển.

Một chiếc tàu cá đang kéo lưới trên biển.

Trời chiều lơ lửng mây trắng, sóng vỗ vào thân tàu tung bọt nước trắng xóa. Những cánh chim hải âu lướt bay trên sóng rồi lao vút xuống khi phát hiện con mồi đang bơi lượn trong dòng nước. Những con cá gáy, cá chuồn bất chợt nhảy lên khỏi mặt nước như trêu tức lũ chim. Nhiều tàu cá của ngư dân buông, kéo lưới dưới nắng vàng. Thuyền trưởng Xếch điều khiển tàu hướng ra khơi và bật máy tầm ngư dò tìm đàn cá. Trời dần tối, nước biển chuyển sang màu xanh sẫm, những cơn gió mát lành mơn man da thịt làm vơi đi mệt nhọc.

Tàu buông neo, bữa cơm chiều dọn ra sàn tàu, mọi người quây quần bên mâm cơm đầm ấm trên biển chiều yên ả. Cơm xúc vào tô ăn với canh chua cá nhồng cùng chả cá nhồng chiên dai và ngọt lịm, ngon đến ngỡ ngàng. “Nhiều bữa sóng to làm tàu chao đảo, cơm canh đổ cả ra sàn. Lắm lúc, sóng lớn bủa ầm ầm, tàu nghiêng ngả, chúng tôi không thể nấu cơm nên phải ăn mì tôm sống…” - một ngư dân cho biết.

Buông lưới trên biển đêm

Trăng sáng vằng vặc, tàu rẽ sóng lao về phía khóm chà (nhiều cây tre gắn kết thành bè và neo cố định trên biển để làm nơi trú ngụ cho cá) đang bập bềnh, ẩn hiện trên mặt biển. Khi đến gần khóm chà, tàu dừng hẳn và buông neo, 16 chiếc đèn công suất 1.000W gắn hai bên mui đồng loạt bật sáng rực để dẫn dụ đàn cá.

Lão ngư gần trọn đời gắn bó với biển thở dài: “Trăng sáng quá nên cá ít tập trung quanh ánh đèn điện trên tàu so với những đêm tối trời. Phải nổ máy, chong đèn chờ cá đến nhiều thì mới buông lưới”. Lát sau, cá, mực kéo đến vùng nước sáng cạnh thân tàu trông khá đẹp mắt. Những con cá tung tăng bơi lượn rồi chợt lao vút lên cao và buông mình rơi trở lại làn nước xanh thẳm như muốn trình diễn vũ điệu biển khơi trước ánh sáng rực rỡ sắc vàng.

Tôi cùng các ngư dân ngồi trên mạn tàu buông cần câu những con mực ống, mực lá nhấp nháy bơi lượn trong làn nước. Mồi câu là con tôm giả cỡ ngón tay trỏ đan bằng những sợi dây nhựa nhiều màu sắc gắn với lưỡi buộc vào sợi cước xỏ qua vòng tròn gắn trên đầu chiếc cần tre dài hơn 50cm. Chỉ một cú gẩy cần nhẹ là 2 - 3 chú tôm giả gắn vào những lưỡi câu buộc đầu sợi cước bay đi khá xa rồi rơi tõm xuống nước.

Sau đó, buông dần dây cước rồi gẩy cần nhè nhẹ để những con tôm giả đa sắc luôn chuyển động cuốn hút lũ mực bơi đến đớp mồi. Và đến khi phát hiện đấy là mồi giả thì chúng đã bị kéo lên khỏi mặt nước với những chiếc xúc tua ngoe nguẩy cùng làn da lấp lánh như được dát kim tuyến.

Hơn 1 giờ sáng, máy tầm ngư hiển thị lượng cá, mực vây quanh tàu 500 - 700kg. Sau tiếng hô: “Thả đèn nhử cá” của thuyền trưởng Nguyễn Xếch, ngư dân Nguyễn Son bước xuống chiếc thúng chai đã thả xuống mặt nước rồi kéo theo chiếc đèn điện gắn vào phao rời khỏi mạn tàu. Dàn đèn cao áp phụt tắt, con tàu chồm lên như chiến mã rồi lướt trên sóng nước vẽ thành vòng tròn trên biển.

Những ngư dân đi bạn vội buông lưới khép kín đàn cá đang tung tăng bơi theo chiếc đèn điện bập bềnh trên sóng. Với sự giúp sức của máy kéo, những đôi tay rắn chắc thoăn thoắt thu lưới qua chiếc ròng rọc đặt trên sàn tàu, lưng áo ướt đẫm mồ hôi giữa gió lạnh biển đêm. Khi vòng vây dần thu hẹp, lũ cá hoảng loạng tìm cách thoát ra ngoài. Bất chợt, sóng bủa ngang nhấn chìm một bên lưới giúp cho đàn cá thoát ra ngoài với những tiếng “Tiếc quá! Cá ra ngoài mất rồi!” của các thành viên trên tàu.

Nhưng họ vẫn tiếp tục kéo lưới rồi dùng chiếc vợt khá lớn xúc lượng cá còn lại đổ tràn trên sàn tàu. Cá nhồng, cá trích… lấp lánh vảy bạc giãy đành đạch, cá hố giương vây lưng như tỏ vẻ giận dữ vì bị kéo lên khỏi mặt nước; mực lá, mực cơm ngoe nguẩy xúc tua, khoe làn da lấp lánh dưới ánh đèn vàng. Ngư dân nhanh chóng phân loại rồi cho vào ướp đá để hải sản còn tươi rói khi trở về đất liền. Mẻ lưới đầu tiên chỉ thu về hơn 100kg cá, mực với sự tiếc rẻ của bạn chài.

“Mất mớ cá như vậy cũng tiếc thật. Nhưng biển giã mà chú, có lúc trúng đậm nhưng cũng có khi thất bát chứ đâu có suôn sẻ hoài được…” - ngư dân Nguyễn Lý bộc bạch.

Tàu tiếp tục rẽ sóng ra khơi, những ngư dân đi bạn rửa sạch mớ mực cơm vừa vớt lên rồi cho vào nồi nước đun sôi trên bếp ga được che chắn cẩn thận đặt nơi đuôi tàu. Chúng tôi quây quần bên những đĩa mực luộc nóng hổi chấm với muối ớt để tận hưởng hương vị của biển khơi. T

huyền trưởng Xếch giảm ga, tàu chậm dần rồi dừng hẳn, lắc lư theo sóng. Chiếc mỏ neo được thả vào lòng biển, dàn đèn cao áp bật sáng rực rỡ dẫn dụ đàn cá đến vây quanh thân tàu. Mẻ lưới thứ hai thu được khoảng 200kg cá, mực, dẫu không như mong đợi nhưng những ngư dân vẫn vui vẻ đón nhận món quà từ đại dương bao la.

Tàu nhổ neo, hướng về đất liền. Bến cá Mỹ Á vào thời khắc chuyển giao giữa đêm và ngày khá nhộn nhịp, xôn xao cả làng chài Hải Tân. Những con tàu cập bến sau chuyến hải trình vất vả, ngư dân vội vã chuyển hải sản lên bờ. Người dân địa phương và thương lái đưa tay đón lấy những rổ cá, mực tươi rói vừa được vớt lên từ biển. Trên bến, dưới thuyền rộn ràng tiếng nói cười, ngã giá bán - mua. Lượng hải sản đánh bắt đạt ít nhưng giá bán khá cao nên mỗi ngư dân đi bạn được hơn 100.000 đồng, chủ tàu Nguyễn Xếch trên 400.000 đồng, khoản thu nhập ít ỏi sau cả đêm nhọc nhằn trên sóng nước.

“Có những chuyến biển không đủ tiền mua nhiên liệu nhưng hôm sau chúng tôi vẫn cứ đi. Bởi vì, nghề biển thất thường lắm, có lúc về không nhưng cũng có nhiều bữa thu về hàng chục triệu đồng. Nếu không bám biển thì làm sao trúng được những mẻ lưới đầy khoang…” - lão ngư Nguyễn Xếch bộc bạch.

Đối diện với cuồng phong

Ngư dân Nguyễn Lý không thể nhớ hết những lần đối diện với sự cuồng nộ của biển cả sau 46 năm lênh đênh trên sóng nước. “Nghề biển cực lắm nhưng gắn bó hàng chục năm rồi nên không bỏ được, chú à!. Nhiều lúc gặp bão sóng phủ qua cả mui, tàu nghiêng ngả, chín phần chết chỉ còn một phần sống. Nhưng rồi anh em động viên nhau, gắng sức vượt qua, đưa tàu vào bờ” - ông nói.

Nửa thế kỷ “gắn đời với biển”, lão ngư Nguyễn Em đã bao lần bị sóng gió dập vùi. Thời khắc khủng khiếp trong đời khi ông cùng bạn chài gặp bão trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Lúc ấy, con tàu tựa chiếc lá mỏng manh bị những cơn sóng cao bằng mái nhà quăng quật ngả nghiêng, chới với giữa biển.

Một cơn sóng dữ dội bổ vào và nhấn chìm tàu. Cả ông và bạn chài mặt mày xám ngắt nhưng vẫn động viên nhau bơm, tát nước ra khỏi thân tàu. Lát sau, chiếc tàu dần nổi lên mặt nước. “Lúc đó, tôi cứ nghĩ là chết chắc nhưng may mắn nên mới thoát nạn. Vào đến bờ, chúng tôi đón xe lên Sài Gòn vào quán nhậu bia quá trời, mừng thoát chết và tự nhủ bỏ nghề biển. Nhưng sau đó lại xuống tàu đi tiếp” - ông nhớ lại.

Biển vẫn “dữ dội và dịu êm”, bao la và huyền bí. Biển cho tôm, cá nhưng cũng gây nhiều nỗi tang thương. Bao xác thân đã chìm vào lòng biển và bao người đã may mắn thoát lưỡi hái thủy thần. Nhưng rồi, nhiều ngư dân vẫn “gắn đời” với biển, dẫu lắm hiểm nguy và nhọc nhằn. Với họ, đấy không chỉ là nghề để mưu sinh mà là “nghiệp” vận vào cả cuộc đời.

Theo Hữu Nhân/Báo Lao động