1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Phối hợp với công an thu hồi nợ đóng BHXH của 14 đơn vị tại Đà Nẵng

Khánh Hồng

(Dân trí) - Tại TP Đà Nẵng, số nợ đóng BHXH của 550 doanh nghiệp, đơn vị là hơn 110 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng đã cùng cơ quan công an làm việc với 14 đơn vị có số nợ tiền đóng BHXH lớn.

Nhiều "đại gia" nợ đóng BHXH

Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng vừa công bố danh sách các đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo đó, bản danh sách gồm có 544 đơn vị với số tiền nợ đóng lên tới hơn 112 tỷ đồng.

Một số đơn vị có số nợ lớn, như: Công ty Cổ phần Cơ khí - Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 5 (11 tỷ đồng), Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng (11,4 tỷ đồng), Công ty TNHH Empire Hospitality (7 tỷ đồng), Chi nhánh II - Công ty CP công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng (6 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Lilama 7 (5,3 tỷ đồng)…

Đánh giá về công tác thu nợ đóng BHXH, ông Trần Anh Huy, Phó Trưởng phòng Quản lý thu - Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cho biết: "Việc đòi nợ BHXH, BHYT, BHTN từ các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do còn vướng một số cơ chế. Nhiều doanh nghiệp không chấp hành quyết định thanh tra...".

thanh tra bhxh1.jpg

Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng công bố quyết định thanh tra các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN. 

Đơn cử như tháng 9/2020, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng chuyển hồ sơ Công ty Cổ phần Cơ khí - Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 5 qua Công an TP Đà Nẵng đề nghị khởi tố. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa thể khởi tố được đơn vị này.

"Ngoài ra, nhận thức của nhiều chủ sử dụng lao động còn hạn chế, chưa quan tâm đến quyền lợi, chế độ chính sách cho người lao động nên cũng là nguyên nhân khiến nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài", ông Huy cho biết thêm.

Cũng theo ông Huy, mặc dù đã có những sự nỗ lực nhưng công tác thu hồi nợ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19, không ít doanh nghiệp càng lấy cớ để trốn tránh nghĩa vụ đối với người lao động.

Ngoài các đơn vị đang hoạt động nợ BHXH, BHYT, BHTN, tính đến ngày 28/2, toàn thành phố còn có hơn 1.000 đơn vị phá sản, giải thể, dừng hoạt động, nợ hơn 60 tỷ đồng nhưng chưa có cơ chế xử lý.

Đề ra nhiều giải pháp giảm nợ

Để giải quyết tình trạng này, UBND TP đã có triển khai nhiều giải pháp.

Đơn cử như ngày 24/3, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải truyền đạt ý kiến của lãnh đạo thành phố về việc xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN của Chi nhánh II - Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 tại Đà Nẵng.

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã nhận được văn bản của Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng đề nghị trích chuyển kinh phí trợ giá xe buýt phát sinh năm 2020 của Chi nhánh II - Công CP Công nghiệp Quảng An 1 tại Đà Nẵng để trả nợ BHXH, BHYT, BHTN.

UBND TP Đà Nẵng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị chức năng liên quan xem xét, tham mưu và dự thảo văn bản trình lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng về việc xử lý đề nghị của Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng.

Phối hợp với công an thu hồi nợ đóng BHXH của 14 đơn vị tại Đà Nẵng - 2

Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng làm việc với Công an Đà Nẵng về quy chế phối hợp xử lý các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN. 

Được biết, Chi nhánh II - Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 là đơn vị hoạt động vận tải xe buýt công cộng tại Đà Nẵng. Đây là tuyến xe buýt được UBND TP Đà Nẵng trợ giá nhằm phát triển tuyến xe buýt nội đô.

Theo ông Huy, việc trích chuyển tài khoản đối với các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN là một trong những giải pháp đang được Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng triển khai.

Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi các ngân hàng đề nghị cung cấp thông tin tài khoản của các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN để yêu cầu trích chuyển tài khoản. Đối với các đơn vị nợ từ 1 đến dưới 3 tháng, ngành bảo hiểm xã hội thành phố sẽ gửi văn bản đôn đốc 15 ngày một lần.

Đối với các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, sau thực hiện các biện pháp đôn đốc mà đơn vị không thực, ngành bảo hiểm xã hội sẽ lập danh sách tổ chức thanh tra đột xuất; phối hợp với các cơ quan quản lý lao động, cơ quan thuế thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để xử lý…

"TP Đà Nẵng cũng như cả nước đang triển khai sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số. Thông qua ứng dụng này, người lao động sẽ biết được người chủ đã trích nộp và giải quyết các chế độ bảo hiểm của mình đến đâu. Từ đó, người lao động có thể kiến nghị kịp thời đối với chủ lao động. Đây cũng là một trong những giải pháp để giảm nợ đóng BHXH", ông Huy nói.

Phối hợp với công an thu hồi nợ 14 đơn vị nợ đóng BHXH

Từ ngày 22 - 30/3, Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Đà Nẵng) tổ chức làm việc với 14 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN.

Các đơn vị được mời làm việc đợt này thuộc diện quản lý đóng BHXH của cơ quan Bảo hiểm xã hội quận Hải Châu quản lý, tổng số tiền nợ đến tháng 2 là trên 2,6 tỷ đồng.

Một số đơn vị nợ số tiền lớn và thời gian dài như: Công ty TNHH Hợp tác giáo dục quốc tế Thời Đại Mới nợ 371 triệu đồng (tương ứng nợ 35,8 tháng), Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Văn hóa Sự kiện Việt D.A.C nợ tổng cộng 263 triệu đồng (tương ứng nợ 66,5 tháng), Công ty Cổ phần Công nghệ Thông tin Toàn Cầu Xanh nợ tổng cộng 575 triệu đồng (tương ứng nợ 4 tháng), Công ty TNHH Tân Nguyên nợ tổng cộng 172 triệu đồng (tương ứng nợ 19 tháng)…

Kết quả ban đầu làm việc với 5 đơn vị, đã thu hồi 235 triệu đồng (gần 1/3 số tiền nợ) và các đơn vị này cũng ký cam kết trả dứt điểm trước ngày 30/5.