Phía sau chuyện nước Anh nâng tuổi nghỉ hưu lên 68 tuổi

Người lao động Anh sẽ phải làm việc tới… 68 tuổi, thêm 1 năm so với kế hoạch ban đầu do Đảng Lao động đưa ra trước đó. Kế hoạch này sẽ được đưa vào áp dụng từ năm 2037, ảnh hưởng tới 7 triệu người lao động ở độ tuổi 30-40. Bộ trưởng Lao động và Trợ cấp (DWP) David Gauke thừa nhận quyết định này xuất phát từ thực tế tuổi thọ gia tăng tại Vương quốc Anh, gây áp lực nghiêm trọng lên Quỹ Trợ cấp.

Tất cả chỉ vì… sống lâu

Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng tới những người sinh ra trong giai đoạn từ 6.4.1970 đến 5.4.1978, và tăng thời hạn áp dụng lên 7 năm từ 2037 thay vì 2044 như kế hoạch ban đầu.

Trình bày trước Nghị viện, ông Gauke cho rằng, sự gia tăng tuổi thọ chính là nguyên nhân chủ chốt dẫn tới sự thay đổi này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, Đảng Bảo thủ buộc phải có hành động, nhằm đạt được những thỏa thuận khác với Đảng Dân chủ Liên hiệp trong liên minh cầm quyền. Chính phủ sẽ phải đối mặt với một cuộc tranh luận căng thẳng xung quanh việc tăng tuổi nhận trợ cấp tại Nghị viện.


Người lao động Anh sẽ nghỉ hưu muộn hơn.

Người lao động Anh sẽ nghỉ hưu muộn hơn.

Debbie Abrahams - đại diện Đảng Lao động tại Bộ Lao động và Trợ cấp - mô tả tuyên bố này là “tình trạng thắt lưng buộc bụng đáng ngạc nhiên”. Quan chức đối lập cấp cao tại bộ này đưa ra con số “34 triệu người” sẽ phải kéo dài sự nghiệp thêm 12 tháng so với các kế hoạch trước đó của Đảng Lao động.

Phát biểu với báo chí, ông Gauke khẳng định “muốn Vương quốc Anh trở thành quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, ở đó, khi già nua và yếu đuối đi, ai cũng có thể tận hưởng những giá trị và bảo đảm an ninh xứng đáng khi bước vào tuổi nghỉ hưu”.

Hệ thống trợ cấp lương hưu ước tính sẽ ngốn khoảng 19,5 triệu bảng, tính theo thời giá hiện tại, chưa tính tới những thay đổi mới được đưa ra. Số người nhận lương trợ cấp tại Anh dự kiến sẽ tăng thêm 1/3 trong khoảng từ 2017 đến 2042, từ 12,4 triệu người vào 2017 lên 16,9 triệu người vào 2042, theo số liệu thống kê từ DWP.

Các tính toán của DWP đưa ra trong báo cáo cho thấy theo kế hoạch trước đó, tới năm tài khóa 2036-2037, chi tiêu của chính phủ cho việc trợ cấp sẽ tăng tương đương 1% GDP của năm tài khóa 2016-2017, tương đương với 20 tỉ bảng theo thời giá hiện tại.

Thắt lưng buộc bụng

Các chuyên gia cho rằng, những thay đổi mới về chính sách này sẽ tác động tới những người ít có cơ hội được hưởng lợi từ các chương trình trợ cấp mới nhất vốn được đánh giá là rất hào phóng!

“Đề xuất này sẽ tác động ít nhất hơn 7 triệu người trong độ tuổi cuối 30 và 40 - Giám đốc đối ngoại của Hiệp hội Trợ cấp và Tiết kiệm Graham Vidler đánh giá - nhóm tuổi này cũng chính là những người đối mặt với nguy cơ mất cân bằng về tiết kiệm cá nhân - họ không có cơ hội tiếp cận với những chương trình trợ cấp lương cuối cùng của chính phủ, bởi bố mẹ họ quá lớn tuổi, và tận hưởng hết phần lợi ích đáng lẽ dành cho con cái”.

Tom Selby - chuyên gia phân tích cao cấp tại AJ Bell, công ty chuyên tư vấn đầu tư và môi giới chứng khoán trực tuyến, đồng thời cũng hoạt động trong lĩnh vực trợ cấp lương hưu - nhấn mạnh: “Chính phủ đơn giản buộc phải tiến hành cải cách đối với hệ thống trợ cấp hiện tại.

Mức trợ cấp Chính phủ Anh hiện tại đang là 63 đối với phụ nữ, 65 đối với nam. Từ năm 2019, tuổi nhận trợ cấp sẽ tăng đồng đều với cả nam và nữ, lên tới 66 vào 2020 và 67 trong khoảng từ 2026 đến 2028.

Trong khi những tiến bộ về y tế giúp cải thiện tuổi thọ con người đạt được những thành tựu mạnh mẽ trong vài năm gần đây, hệ thống trợ cấp quốc gia đang ngày càng không thể gánh được áp lực tài chính, trong vài thập niên trở lại đây”.

Chuyên gia này cũng dự đoán những thay đổi này sẽ tiết kiệm tới 74 tỉ bảng tính đến năm tài khóa 2046-2047. Trong khi đó, báo cáo của DWP nhấn mạnh vào việc “duy trì tính công bằng giữa các thế hệ trong mối tương quan với sự gia tăng về tuổi thọ”.

Steven Cameron - Giám đốc phụ trách các khoản trợ cấp tại Aegon, công ty đa quốc gia chuyên về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, trợ cấp và quản lý tài sản - khẳng định, thời điểm đưa ra tuyên bố này là “nực cười… sau khi các số liệu thống kê cho thấy những cải thiện về tuổi thọ con người cũng không thể vượt qua quy luật tự nhiên”.

Ông Cameron thận trọng đánh giá: “Việc gia tăng tuổi lao động có thể ít dựa trên cơ sở tài chính. Có một khoảng trống nhất định trong cấu trúc tuổi nhận trợ cấp khi những người gặp vấn đề về sức khỏe, áp lực công việc hoặc thiếu cơ hội nhận việc làm đơn giản là sẽ không thể duy trì lao động tới cuối tuổi 60”.

Dave Prentis - Tổng Thư ký Unison, một trong những nghiệp đoàn lớn nhất Vương quốc Anh, với 1,3 triệu thành viên - cũng mạnh mẽ chỉ trích các kế hoạch mà DWP vừa đưa ra, gọi đó là “động thái bất chấp đạo lý” nhắm vào những người nhận các mức lương thấp. “Đây sẽ là cú đòn mạnh nhằm vào khối lao động công, với các điều kiện lương hưu tại nơi làm việc gắn bó chặt chẽ với hệ thống trợ cấp của chính phủ” - Prentis khẳng định.

Theo Báo Lao động