Phần thi tay nghề đi Nhật độc lạ, thử đầu bếp kiểm tra... chia bài
(Dân trí) - Để lọt mắt xanh chủ người Nhật, các lao động phải vượt qua phần thi chia bài tú lơ khơ. Bài thi tay nghề độc lạ gây xôn xao mạng xã hội.
Thông thường, để đủ điều kiện sang Nhật Bản làm việc, người lao động phải trải qua 2 kỳ thi, thi tay nghề và thi tiếng Nhật. Trong đó, thi tay nghề đóng vai trò quan trọng và có sự khác biệt với các phần thi khác.
Các bài test (kiểm tra) kỹ năng thường rất đa dạng, do chủ sử dụng lao động người Nhật ra đề, nhằm đánh giá khả năng thích nghi với công việc, phản ứng nhanh hay chậm của thực tập sinh.
Mới đây, một đoạn clip ghi lại buổi thi kiểm tra tay nghề của các ứng viên đi Nhật thu hút sự chú ý, gây băn khoăn với nhiều người.
Cụ thể, trong đoạn clip, trong lúc hai nữ lao động miệt mài thực hiện phần thi chia bài tú lơ khơ, những người còn lại trong phòng chăm chú dõi theo từng động tác tay của hai bạn nữ, ai cũng tỏ ra căng thẳng.
Theo đó, mỗi lượt sẽ có 2 người dự thi, các ứng viên phải chia đều các lá bài vào những ô vuông vẽ sẵn trên mặt bàn và không được để lá bài trượt ra khỏi ô vuông đó. Ứng viên có thời gian hoàn thành bài thi nhanh nhất mà không để lá bài trượt ra khỏi ô vuông thì được tính là vượt qua bài thi.
Đoạn clip sau khi được chia sẻ gây sự tò mò của rất nhiều người. Những lao động đã từng đi hoặc đang làm việc tại Nhật cũng không khỏi bất ngờ khi lần đầu chứng kiến phần thi này.
Luồng ý kiến khác thắc mắc, không rõ mục đích của bài thi... chia bài là gì. Số khác ví von bài test này trông giống tuyển lao động vào làm việc ở sòng bài hơn là tuyển lao động sang Nhật, làm công nhân tại nhà máy.
"Nghề tay trái, lỡ khi công ty không có việc còn có cái để làm thêm. Một là ăn tất, hai là báo gia đình", tài khoản Lâm Hoàng hài hước bình luận.
Từng trải qua bài test này trước khi sang Nhật, tài khoản Phương Anh viết: "Trước đây mình đăng ký đơn hàng trồng nấm cũng phải trải qua phần thi chia bài này. Sau này làm công việc phân loại nấm, cây nào xấu, cây nào hỏng mới thấy việc trồng nấm và chia bài liên quan với nhau".
Tài khoản Dũng Hưng giải thích: "Những ai đi đơn hàng thực phẩm không lạ gì với bài test này, chủ yếu luyện tay, luyện mắt, luyện trí nhớ để sau này vận dụng vào làm ở dây chuyền sản xuất thôi mà".
Chia sẻ về bài test độc đáo này, chủ nhân đoạn clip, là giáo viên tại một trung tâm đào tạo, cung ứng lao động sang Nhật Bản cho biết, thi chia bài là một trong 4 bài thi mà các ứng viên lựa chọn đơn hàng chế biến thực phẩm phải vượt qua. Phần thi này do người Nhật yêu cầu để tìm ra ứng viên ưu tú nhất.
"Thông thường các công ty Nhật sẽ yêu cầu bài test này, mục đích là muốn kiểm tra sự nhanh nhẹn, chính xác và cẩn thận của người lao động. Phần thi này không chỉ cần tốc độ mà các quân bài phải được chia đều nhau, nằm gọn trong ô vuông đã được vẽ sẵn", anh Thành cho biết.
Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, anh Nhật Tân cho biết, thông thường các ứng viên khi lựa chọn đi đơn hàng chế biến thực phẩm, thủy sản, cơm hộp... sẽ trải qua 4 bài thi kỹ năng.
Đầu tiên là bài test IQ, nội dung của phần thi này chủ yếu là thực hiện các phép tính cộng - trừ - nhân - chia, điền số vào dãy số, vẽ hình đối xứng...
Thứ hai là bài thi thể lực, tùy vào tính chất công việc và đối tượng tham gia, người lao động sẽ thực hiện 1 trong số những bài thi thể lực như thi chạy, chống đẩy, gập bụng, vác bao cát, nhảy dây…
Thứ 3 là phỏng vấn trực tiếp mà anh Tân lưu ý là bài thi khá quan trọng. Các ứng viên sẽ gặp gỡ trực tiếp với chủ sử dụng lao động người Nhật. Khi đó, việc ghi điểm với chủ doanh nghiệp sẽ quyết định xem ứng viên có được tuyển hay không.
Cuối cùng là bài thi thực hành, tay nghề, đây là một trong những tiêu chí quan trọng giúp nghiệp đoàn Nhật Bản chọn các lao động đáp ứng được yêu cầu mà phía xí nghiệp đưa ra, đặc biệt là đối với các đơn hàng yêu cầu kinh nghiệm làm việc.
"Tùy vào đơn hàng sẽ có các bài test khác nhau và chỉ áp dụng tùy từng công ty. Nhiều đơn hàng phía doanh nghiệp Nhật Bản không đòi hỏi kinh nghiệm, tay nghề, các ứng viên sẽ phải tham gia 1 số bài thi để kiểm tra độ khéo léo như gọt táo, gắp đậu, thắt nút dây, chia bài...", anh Tân chia sẻ.