1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Phần lớn thanh niên trẻ Việt Nam không có việc làm chính thức

(Dân trí) - 8/10 thanh niên độ tuổi 15 -29 làm những công việc không chính thức và một nửa trong số họ có việc làm không thường xuyên .

Kết quả ban đầu của điều tra quốc gia chuyển tiếp từ trường học tới việc làm (school-to-work transition survey) cho thấy chất lượng việc làm cho thanh niên tuổi từ 15 đến 29 đang gióng lên hồi chuông báo động đối với thị trường lao động trẻ Việt Nam.

Theo kết quả điều tra thực hiện bởi Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tiến hành đầu năm 2013 cho thấy  một bộ phận lớn thanh niên phải làm những công việc năng suất thấp. Điều này gây tác động tới tiềm năng tăng trưởng của quốc gia và đây thực sự là một mối lo ngại lớn.

Cuộc điều tra toàn quốc cho thấy chất lượng việc làm thấp ảnh hưởng tới hơn một nửa lao động thanh niên. Cứ 10 người thì có 8 người làm những công việc không chính thức và một nửa trong số họ có việc làm không thường xuyên (việc tự làm hoặc hợp đồng tạm thời).

Cụ thể, cuộc điều tra xem xét quãng thời gian từ khi thanh niên rời trường học đến khi có được công việc ổn định (với thời gian hợp đồng trên 12 tháng) hoặc công việc mà họ cảm thấy hài lòng đầu tiên. Kết quả cho thấy, tình trạng trình độ đào tạo cao hơn so với yêu cầu công việc – nghĩa là một người làm công việc có yêu cầu thấp hơn so với bằng cấp của họ – lại là một mặt khác của vấn đề. Kết quả cho thấy 10 thanh niên 15-20 tuổi lại có 3 người có trình độ cao hơn yêu cầu của công việc, khiến thu nhập của họ thấp hơn mức đáng lẽ họ có thể được hưởng và họ không thể tận dụng toàn bộ tiềm năng năng suất lao động của mình.

Điều tra cũng đưa ra thực tế phần lớn thanh niên Việt Nam (59%) đã hoàn thành quá trình chuyển tiếp sang thị trường lao động, tìm được công việc ổn định hoặc việc làm tạm thời mong muốn hoặc tự tạo việc làm, với tỷ lệ nam nhiều hơn nữ. Khoảng 23% các bạn trẻ chưa bắt đầu quá trình chuyển tiếp, chủ yếu vì họ vẫn đang đi học, trong khi số còn lại đang trong quá trình chuyển tiếp.

Trong số các thanh niên đã hoàn thành quá trình chuyển tiếp, một nửa đã tìm được việc làm ổn định, nửa còn lại đang làm những công việc tạm thời hoặc việc tự làm và họ thấy hài lòng.

Gần một nửa số thanh niên đã hoàn thành quá trình chuyển tiếp đã chuyển trực tiếp từ trường học sang công việc hiện tại (ổn định hoặc khiến họ hài lòng), trong khi đó, số còn lại phải trải quả những công việc tạm thời mà không hài lòng hoặc làm việc không lương cho gia đình trước khi có thể tìm được việc làm tốt hơn. Thời gian chuyển tiếp đối với nhóm thứ hai kéo dài tới 58,5 tháng, tức gần 5 năm. Theo Giám đốc ILO Việt Nam Gyorgy Sziraczki, thanh niên Việt Nam cần được hỗ trợ để có một quá trình chuyển tiếp sang thị trường lao động thuận lợi hơn.

 “Việt Nam có một nguồn lực lượng lao động trẻ dồi dào nhưng cũng sẽ sớm qua thời đỉnh cao của họ. Nếu không tận dụng được cơ hội, Việt Nam sẽ phải chịu những tổn thất về dài hạn. Do đó, mối liên hệ giữa giáo dục đào tạo và tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa nền kinh tế và việc tạo thêm việc làm và việc làm tốt hơn, cần được đẩy mạnh.” - ông Sziraczki nói.

Điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm là một phần của dự án Việc làm cho Thanh niên (Work4Youth) thuộc khuôn khổ hợp tác giữa  giữa Chương trình Việc làm Thanh niên của ILO và Quỹ MasterCard. Việt Nam là một trong số 28 quốc gia thực hiện điều tra này. Theo kế hoạch, cuộc điều tra lần thứ hai sẽ được thực hiện vào năm 2014.

Phạm Thanh