Phải từ bỏ con đường lao động giá rẻ
Trong 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động, trên tổng số hơn 53 triệu lao động cả nước thì có chưa đến 19% công nhân kỹ thuật cao.
“Công nhân kỹ thuật cao là tài nguyên, là tài sản, vốn quý của dân tộc, quốc gia. Thế giới đã chuyển từ tuyển dụng dựa vào bằng cấp sang tuyển dụng nhân lực sở hữu kỹ năng cụ thể. Do vậy, công nhân kỹ thuật cao là lực lượng lao động đang có nhu cầu tăng cao, không lo bị robot thay thế”.
Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi gặp mặt với gần 1.000 công nhân, lao động, trong đó có 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao ở 7 tỉnh, thành phố và nhiều công đoàn ngành trong cả nước vào sáng ngày 5/5 vừa qua.
Đây là diễn đàn để Đảng, Nhà nước và người đứng đầu Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất chính sách của công nhân, lao động kỹ thuật cao với sự phát triển của đất nước, địa phương, ngành và doanh nghiệp.
Cũng là dịp để đoàn viên, công nhân, lao động được đón nhận thông điệp của Đảng và Chính phủ gửi tới người lao động cả nước nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5, tháng Công nhân năm 2019 và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Một vấn đề rất lớn mà đất nước xã hội quan tâm, đó là chúng ta phát triển đất nước rất cần đội ngũ lao động có kỹ thuật, có trình độ. Tuy nhiên, hiện nay công nhân kỹ thuật cao lại chiếm tỷ lệ khá thấp. Một con số thống kê cho thấy, trong 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động, trên tổng số hơn 53 triệu lao động cả nước thì có chưa đến 19% công nhân kỹ thuật cao.
Để khách quan hơn, người viết xin viện dẫn thêm số liệu mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng trích dẫn trong một Hội thảo có chủ đề “Việt Nam - Phát triển giáo dục và kỹ năng để nắm bắt các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai”, rằng: “Có tới 80% quản lý và lao động gián tiếp trong các doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu, thiếu kỹ năng; 60% lao động kỹ thuật thiếu các kỹ năng cần thiết; 20% lao động giản đơn không đáp ứng được yêu cầu kỹ năng lao động cơ bản”.
Để có được nguồn công nhân kỹ thuật cao để đáp ứng được nhu cầu phát triển trong thời đại 4.0, nó cần đến sự hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó có Chính phủ, chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Những con số trên cho thấy, lực lượng lao động lớn, nhưng đa số là tay ngang, trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề của lao động Việt Nam nói chung đang có những bất ổn nhất định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Bộ đang hoàn thiện Đề án đổi mới nâng cao chất lượng nghề nghiệp theo hướng dự báo tốt về nhu cầu thị trường, giảm lý thuyết, tăng thực hành, tập trung đào tạo mới và đào tạo lại cho những công nhân có nhu cầu”.
Đúng là, những thay đổi về khoa học công nghệ hiện nay không còn là chuyện trên truyền hình, báo chí, mà đã bước vào sân, có nơi vào tận dây chuyền sản xuất của nhà máy.
Nhưng ai sẽ là người tiếp cận được công nghệ nếu như không có kỹ thuật cao? Chính công nhân lao động, những người trực tiếp làm ra của cải vật chất, lăn lộn trong các nhà máy, dự án, công trình, thấy được mình thiếu gì, cần gì.
Thực tế, nhiều người trong số họ có nhu cầu được trở thành lao động kỹ thuật cao. Nhưng làm gì và làm như thế nào để đạt được lại không chỉ là việc riêng của họ, cần có sự hiến kế từ cộng đồng xã hội, trong đó có doanh nghiệp, người lao động.
Và doanh nghiệp hiểu rõ nhất mình cần công nhân, lao động kỹ thuật cao như thế nào và làm cách gì để tạo ra nguồn nhân lực đó.
Trong bối cảnh nguồn nhân lực hiện nay đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Cộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa được thiết lập; Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết..v..v đã mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm và tự do dịch chuyển cho người lao động.
Đồng thời, đây cũng là giai đoạn để nền kinh tế có khả năng cất cánh và phát triển trở thành một nước công nghiệp, nếu chúng ta biết sử dụng và tận dụng hết năng lực và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Chính vì thế, đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn từ bỏ "con đường lao động giá rẻ và đầu tư vốn lớn", thay vào đó, phải đi vào khoa học, công nghệ nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới cũng như không để tụt lại phía sau con tàu công nghệ 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.
Theo Sông Hàn/Diễn đàn Doanh nghiệp