1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đà Nẵng: Doanh nghiệp lo lắng vì 20% ứng viên đáp ứng chuyên môn

(Dân trí) - Thị trường lao động Đà Nẵng đang cần nhiều nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao… Thế nhưng, nhiều cơ sở đào tạo chưa bắt kịp xu thế, chưa đổi mới theo yêu cầu thực tế. Trong khi đó, doanh nghiệp lo lắng vi chất lượng ứng viên một số nơi chỉ đáp ứng 20 % yêu cầu chuyên môn.

Sáng 30/3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức: “Tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ”.

Thống kê kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng cho thấy, trong năm 2018, Đà Nẵng đã giải quyết việc làm cho 24.500 doanh nghiệp, tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 51%.

Trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số “Chất lượng đào tạo lao động” của Đà Nẵng trong nhiều năm luôn năm sau cao hơn năm trước.

Đà Nẵng: Doanh nghiệp lo lắng vì 20% ứng viên đáp ứng chuyên môn - 1

Quang cảnh buổi tọa đàm

Dù đạt được nhiều kết quả nhưng công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực của Đà Nẵng hiện còn “nhiều vấn đề” như: Chất lượng nguồn nhân lực đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập.

Lao động mới tốt nghiệp đa số chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của cơ quan, doanh nghiệp. Do đó doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian và nguồn lực đào tạo lại.

Sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung - cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo trong việc xây dựng một chương trình đào tạo thực tế và thiết thực, để học viên được thực tập và trải nghiệm môi trường làm việc. Các thành tựu nghiên cứu khoa học chưa được doanh nghiệp biết đến và hệ số sử dụng, ứng dụng còn thấp.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Đà Nẵng coi phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt được ưu tiên đầu tư hàng đầu nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho thành phố trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, ông Võ ông Trí cũng thừa nhận, trong bối cảnh hiện tại, thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các địa phương và khu vực lân cận trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi bản chất nhiều loại hình công việc, giảm thiểu không ít công đoạn thông qua tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… đặt ra nhiều thách thức đối với người lao động trong việc phải nâng cao kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng xã hội và kỹ năng phát triển bản thân.

Đà Nẵng: Doanh nghiệp lo lắng vì 20% ứng viên đáp ứng chuyên môn - 2

Các doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn trong việc tuyển dụng lao động

Theo ông Takeshi Takeuchi – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, hiện có 134 doanh nghiệp Nhật Bản đang có hoạt động đầu tư tại thành phố. Đà Nẵng cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cấp hạ tầng phục vụ cho đầu tư.

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.

“Doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng lớn về lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghiệp. Tuy nhiên, việc tuyển dụng hiện đang gặp nhiều khó khăn”, ông Takeshi Takeuchi nói.

Còn ông Kelvin Loebbaka - Giám đốc điều hành Công ty sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC Hòa Kỳ cho biết, đến năm 2022, UAC có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.087 kỹ sư phục vụ cho hoạt động sản xuất và đến năm 2025 sẽ là hơn 4.000 lao động.

“Lao động là một trong những yếu tố cốt lõi để tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Chúng tôi đặc biệt coi trọng đến yếu tố an toàn và phúc lợi cho người lao động để phát huy tối đa năng lực của đội ngũ nguồn nhân lực, từ đó, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của khách hàng”, ông Kelvin Loebbaka nói.

Ông Vương Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Điện tự động Biển Đông (ESTEC) cho biết, chỉ khoảng 20% ứng viên được phỏng vấn đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhưng còn rất thiếu kỹ năng mềm.

"Các kỹ năng mềm là rất cần thiết như kỹ năng giao tiếp, văn phòng, đặc biệt là thiếu kỹ năng ngoại ngữ..... Điều này là rất khó khăn cho doanh nghiệp bởi trong xu thế hội nhập ngoại ngữ, các kỹ năng sử dụng phần mềm cơ bản là nền tảng để doanh nghiệp bắt kịp nhịp phát triển", ông Hoàng nói.

Khánh Hồng