"Ông đồ 4.0" chuẩn bị hàng trăm bức thư pháp cho Tết
(Dân trí) - Đầu tư 100 bức thư pháp nhũ vàng, dát vàng và số lượng lớn bao lì xì, liễn, câu đối, lá bồ đề... phục vụ Tết, "ông đồ 4.0" Đỗ Nhật Thịnh mong muốn mang thư pháp Việt đến gần hơn với công chúng.
Bán chữ, lo... lỗ vốn
Từ 3 tháng trước, Đỗ Nhật Thịnh (24 tuổi, quê Đà Nẵng, ngụ tại TPHCM) đã bắt tay chuẩn bị các tác phẩm thư pháp phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần 2022. Dù dịch bệnh, ông đồ trẻ vẫn bỏ ra nhiều công sức thực hiện các sản phẩm tinh xảo.
3 gian hàng tại Trung tâm văn hóa Hòa Bình cũng được Thịnh đầu tư trang hoàng.
"Tết năm nay, tôi sử dụng chủ đề "Tâm, An, Phúc, Lộc" xuyên suốt các tác phẩm của mình. Tôi đã thiết kế nhiều mẫu bao lì xì mới, làm tranh khắc gỗ nhũ vàng, dát vàng và các chất liệu khác để thêm phần đa dạng. Những tác phẩm đều làm thủ công nên tốn rất nhiều thời gian", ông đồ trẻ chia sẻ.
Dù vậy, những ngày qua, gian hàng của "đồ" Thịnh rất ít người đến xin chữ. Khách chủ yếu mua một ít bao lì xì, liễn, câu đối. Một chiếc bao lì xì thư pháp do chính tay "ông đồ 4.0" thiết kế được bán với giá 10.000 đồng, một cặp liễn từ 150.000-300.000 đồng tùy theo kích thước, chất liệu. Ngoài ra, những sản phẩm thư pháp khác như móc khóa, lá bồ đề, vòng tay… cũng được nhiều người chọn mua làm vật cầu may dịp năm mới.
"Năm nay tôi làm gần 100 bức tranh nhưng dường như nhu cầu của người tiêu dùng không nhiều. Tôi rất lo sẽ lỗ vốn. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng sáng tác hết mình, đặt tất cả niềm đam mê, tâm huyết vào từng tác phẩm để mang đến giá trị tốt đẹp cho mọi người".
Chuyện giữ nghề: Nhiều lần bật khóc!
Theo đuổi thư pháp từ năm 6 tuổi, Nhật Thịnh được biết đến với cái tên "ông đồ 4.0" vì anh không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với giới trẻ. Ngoài mực tàu, giấy đỏ, Thịnh nảy ra ý tưởng sử dụng chất liệu mới như giấy bồi lụa, giấy bo cứng, gỗ, vải, đá, kính để tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng hơn.
Chưa dừng lại ở đó, để thu hút thế hệ "Gen Z", Thịnh sử dụng triệt để các phương tiện công nghệ, trong đó có màn hình Led. Đặc biệt, chàng trai còn kết hợp thư pháp với nghệ thuật biểu diễn cùng hiệu ứng sân khấu, âm thanh, ánh sáng.
Miệt mài theo đuổi và phát triển nghệ thuật thư pháp nhưng công việc chính của Thịnh là họa sĩ thiết kế, nhiếp ảnh gia. Ông đồ 24 tuổi tâm sự: "Thư pháp không phải là công việc chính để tôi nuôi sống bản thân nhưng cũng giúp tôi có thêm chi phí trang trải một phần cuộc sống. Tuy nhiên, quan trọng nhất, thư pháp là đam mê nên tôi cảm thấy rất thú vị và thoải mái khi sáng tác".
Trong suốt hành trình 15 năm theo đuổi niềm đam mê đó, Đỗ Nhật Thịnh cũng đã trải qua nhiều gian nan. "Có những lúc tôi phải dùng trái mồng tơi giã nát, hòa với nước để làm mực hay xin hoặc mua lại giấy báo cũ với giá rẻ của người bán phế liệu để có thể viết thư pháp. Mặc dù khó khăn nhưng may mắn là tôi vẫn cố gắng theo đuổi đến cùng", Nhật Thịnh nói.
Chỉ mới 24 tuổi đời, theo đuổi một loại hình nghệ thuật truyền thống đang dần mai một trong đời sống hiện đại không phải là điều dễ dàng. Vì thế, trước câu hỏi đã từng nghĩ đến việc dừng lại, Nhật Thịnh không kiềm được sự xúc động.
"Có nhiều lúc tôi cảm thấy rất mệt mỏi, khó khăn và bế tắc đến bật khóc vì cuộc sống, vì công việc, tài chính. Tuy nhiên, tôi đã luôn luôn cố gắng để duy trì đam mê, vì một khi ngọn lửa đã tắt thì sẽ rất khó lòng nhen nhóm lại..." - Thịnh trải lòng.
Năm mới 2022 cận kề cũng là năm thứ 15 Thịnh gắn bó với nét chữ nghệ thuật. Ông đồ hy vọng mọi người sẽ có nhiều tác phẩm giá trị treo trong nhà để trang hoàng không gian sống và những tác phẩm của Thịnh sẽ được mọi người, đặc biệt là giới trẻ đón nhận nhiều hơn.