Bán đất, cầm nhà, vay nóng... lo thưởng Tết cho người lao động
(Dân trí) - "Ai làm doanh nghiệp mới thấy dịp cuối năm áp lực về tiền bạc nó khủng khiếp như thế nào, đặc biệt là năm nay. Nghĩ đến thưởng Tết nhiều đêm tôi không thể ngủ", ông Chu Thái Út chia sẻ.
Thưởng Tết hay giải thể?
Còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, vấn đề thưởng Tết lại tiếp tục "nóng" khi hàng loạt công nhân khắp nơi đình công, yêu cầu tăng thưởng. Đây không phải vấn đề mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ khi doanh nghiệp và người lao động khó có tiếng nói chung.
Theo ông Chu Thái Út (Giám đốc doanh nghiệp gỗ tại Quận 10, TPHCM), doanh nghiệp lúc nào cũng muốn lợi nhuận thật nhiều, công nhân lại muốn thưởng Tết luôn ở mức cao. Do đó, thưởng Tết luôn là vấn đề bất cập và không phải lúc nào doanh nghiệp nào cũng có thể vượt qua.
"Cứ cuối năm là tôi nhận hàng trăm tin nhắn của nhân viên hỏi về thưởng Tết. Mọi năm, tôi luôn lo xong việc thưởng Tết trước 15 tháng Chạp nhưng năm nay tôi trả thưởng vào ngày làm việc cuối cùng trước khi công ty nghỉ Tết. Năm nay thực sự rất khó khăn, ai làm doanh nghiệp sẽ hiểu cảm giác của tôi, nhiều khi muốn giải thể công ty cho đỡ đau đầu", ông Út nói.
Hơn 15 năm gầy dựng doanh nghiệp với gần 300 công nhân, ông Út luôn tìm mọi cách để tăng thu nhập cho người lao động. Mỗi năm, ông đều cố gắng duy trì tỷ lệ tăng lương 5 - 10% cho công nhân nhưng hai năm qua, chính sách này buộc phải ngưng lại.
"Hơn 60% đơn hàng trong 2 năm qua bị hủy bỏ. Hiện, công ty đang hoạt động cầm chừng, chỉ khoảng 50% công suất. Tuy vậy, hầu hết các đối tác đều xin khất nợ qua Tết, tình hình khó khăn chung nên cũng không ép được. Tôi đã bán một mảnh đất để lo tiền lương, thưởng cho nhân viên, nếu cuối năm không thu hồi được một phần công nợ thì phải vay nóng hoặc cầm nhà", Giám đốc doanh nghiệp gỗ chia sẻ thêm.
Ông T.D.D (Giám đốc công ty may ở TP Thủ Đức) cũng than thở: "Tình hình khó khăn như năm nay thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải đứng trước nguy cơ giải thể hoặc chăm lo lương, thưởng Tết cho người lao động như mọi năm. Không ít doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động và không ít doanh nghiệp cũng đang lay lắt duy trì sản xuất".
Theo ông D., vấn đề thưởng Tết ở các doanh nghiệp nhỏ thì nhẹ nhàng nhưng đối với các doanh nghiệp hàng ngàn, hàng chục ngàn công nhân thì rất phức tạp. Một số công nhân cũng hay bị kích động khi thưởng Tết không được như dự kiến nên gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Cần phải sòng phẳng
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Thư (Chủ tịch công đoàn công ty Kim An, Quận 7, TPHCM) cho rằng, doanh nghiệp và người lao động phải sòng phẳng với nhau về thưởng Tết. Doanh nghiệp cần phải có mức thưởng tương xứng để tạo động lực cho người lao động. Ngược lại, người lao động cũng cần có sự chia sẻ khi công ty gặp khó khăn.
"Doanh nghiệp thì phải có người lao động và ngược lại. Đây là mối quan hệ cùng nhau phát triển, không phải xin xỏ hay nhờ vả ai. Do đó, doanh nghiệp cần phải có mức thưởng phù hợp với mức lợi nhuận để người lao động vui vẻ, tiếp tục làm việc hiệu quả. Không thể lợi nhuận 100 đồng mà chi thưởng chỉ 5 - 10 đồng được. Lương, thưởng thấp thì công nhân không làm việc hết công suất, doanh nghiệp sẽ lụi tàn dần", ông Thư nhận định.
Là người hoạt động công đoàn, ông Thư cho biết, không ít công ty đặt lợi ích công ty quá lớn so với lợi ích của người lao động. Ở các công ty như vậy, nếu tổ chức công đoàn không đấu tranh, không đứng về phía công nhân thì công nhân sẽ rất thiệt thòi.
"Tôi rất buồn khi vừa qua hàng ngàn công nhân phải xuống đường đình công để phản đối về lương, thưởng Tết. Ở góc độ nào đó thì đây là lỗi của tổ chức công đoàn công ty nhưng nhiều khi người lao động cũng chưa chia sẻ với doanh nghiệp. Tôi nghĩ, việc đòi quyền lợi là đúng nhưng cũng cần tuân thủ pháp luật. Thực tế ai cũng hiểu năm nay các doanh nghiệp đang rất khó khăn, làm như vậy là không nên", ông Thư nói thêm.
Về phía người lao động, ông Thư nhấn mạnh, cần phải hiểu rõ "thưởng Tết không phải quy định bắt buộc". Khi cảm thấy bị mất quyền lợi, người lao động cần trao đổi với các tổ chức công đoàn hoặc các Phòng Lao động tại các quận, huyện để được hỗ trợ, tránh tình trạng bị các đối tượng xấu kích động đình công, đập phá tài sản công ty.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho hay, thời gian qua, các tổ chức công đoàn luôn đồng hành, giám sát việc chi trả lương, thưởng Tết cho người lao động. Liên đoàn cũng yêu cầu các đơn vị sớm thông báo công khai thời gian trả lương, thưởng và lịch nghỉ Tết để người lao động an tâm sản xuất. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mức thưởng Tết giảm nhiều so với năm 2021.
Ngoài ra, dịp cuối năm, thành phố sẽ tổ chức buổi họp mặt có sự tham dự của 10.000 hộ gia đình đoàn viên Công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê ăn Tết. Thành phố cũng có kế hoạch trao tặng 35.000 vé xe, vé tàu, vé máy bay cho đoàn viên công đoàn và người lao động gặp khó khăn nhiều năm không có điều kiện về quê ăn Tết cùng công nhân lao động tiêu biểu.