Quảng Nam:

Nuôi con “ăn đêm, ngủ ngày”, vốn ít mà thu về 200 triệu đồng/năm

(Dân trí) - Dễ nuôi, ít công chăm sóc nhưng lại có giá trị cao, con dúi đang được anh Tô Văn Bình phát triển và nhân giống tại địa phương, mang lại thu nhập cao, xoá đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

Tốt nghiệp THPT năm 2007 nhưng vì điều kiện gia đình không cho phép, anh Tô Văn Bình (SN 1985, xã Đại Chánh, Đại Lộc, Quảng Nam) đành tạm gác lại việc học để vào Nam làm ăn, phụ giúp ba mẹ trang trải cuộc sống và lo cho các em ăn học.

Nuôi con “ăn đêm, ngủ ngày”, vốn ít mà thu về 200 triệu đồng/năm - 1

Anh Bình với mô hình nuôi dúi (cúi núi) triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Khi công việc dần ổn định, anh tiếp tục thực hiện giấc mơ dang dở và đã hoàn thành chương trình đại học với tấm bằng cử nhân luật hệ tại chức. Thế nhưng, chuyện xin việc ngày càng khó, anh đành chuyển sang hướng đi khác để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2017, với số vốn gần 30 triệu đồng dành dụm trong quá trình đi làm ăn xa, anh Bình quyết định đầu tư nuôi dúi. Ban đầu, anh xây một chuồng nhỏ, diện tích chỉ khoảng 4m2 theo kiểu nhà tầng để thả nuôi 2 cặp dúi rừng.

“Bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ từ huyện đoàn Đại Lộc và địa phương, tôi cũng tìm đến các trang trại trong tỉnh Quảng Nam để tìm hiểu kỹ thuật và con giống", anh Bình cho biết. "Việc nuôi dúi lấy thịt thì đảm bảo, nhưng nuôi để sinh sản thì bản thân chưa có kinh nghiệm nên phải mất gần 1 năm trời mày mò, đàn dúi của tôi mới bắt đầu sinh sản”.

Nuôi con “ăn đêm, ngủ ngày”, vốn ít mà thu về 200 triệu đồng/năm - 2

Thời gian tới, để đảm bảo cung ứng thị trường, anh Bình sẽ tăng đàn dúi, đặc biệt là dúi sinh sản

Gần 1 năm sau, 2 cặp dúi đã bắt đầu sinh sản và anh mạnh dạn đầu tư hơn 60 triệu đồng xây chuồng trại trên diện tích gần 100 m2. Hiện nay đàn dúi của anh đã được nhân lên được 150 con. Thời gian tới anh sẽ tiếp tục nhân giống, phát triển lớn mạnh đàn dúi.

Nói về kỹ thuật nuôi dúi, anh Bình cho biết, chuồng nuôi dúi thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích, 100m2 có thể nuôi được 400 con dúi. Chuồng có thể xây hoặc đổ tấm bê tông gắn lại với nhau theo kích thước cao 60cm, rộng 50 cm và dài 50 cm. Tuy nhiên, chuồng phải kín gió, nên bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.

Đặc điểm của loài dúi là không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô nên thường 15 -17 ngày mới phải dọn chuồng một lần. Dúi chịu lạnh tốt. Mùa hè có thể phun sương trên mái che tạo nhiệt độ dưới 33 độ C để dúi sinh trưởng, phát triển tốt.

Nuôi con “ăn đêm, ngủ ngày”, vốn ít mà thu về 200 triệu đồng/năm - 3

Dúi là động vật ăn đêm ngủ ngày, thịt thơm ngon, mát, giàu đạm nên được thị trường ưa chuộng

Về quá trình sinh trưởng, nuôi được 6 - 7 tháng là thời điểm dúi phát dục, cần ghép đôi để dúi giao phối. Qua theo dõi, nếu hai cá thể không xung đột thì ghép đôi với nhau. Sau 15 ngày tách đôi để dúi cái dưỡng thai và sinh sản. Khi dúi sinh sản được một tháng thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm...

Anh Bình cho biết, với dúi thương phẩm, trung bình mỗi con phải chăm sóc trong 8 - 12 tháng, cho trọng lượng 1,2 - 1,5 kg/con, giá bán dao động 500.000 - 700.000 đồng/con. Nếu bán dúi giống, tùy theo kích cỡ có giá khoảng 800-1,4 triệu đồng/con.

Dúi sinh sản nhanh, 1 năm khoảng 3 - 4 lứa, mỗi lứa khoảng 2 - 5 con. Dúi dễ nuôi, chủ yếu ăn đêm ngủ ngày, thức ăn cũng dễ tìm như cây cỏ, mía, rau củ.

Với lợi thế đất vườn rộng, anh Bình chủ động trồng nguồn nguyên liệu thức ăn ngay tại vườn, góp phần giảm kinh phí chăn nuôi.

“Thịt dúi rất thơm ngon, mát, giàu đạm nên được nhiều tiểu thương và các nhà hàng trong huyện, tỉnh tìm mua. Nuôi dúi rừng hiệu quả kinh tế rất cao, trung bình nếu cứ 100 con mẹ thì 1 năm sẽ cho thu nhập gần 200 triệu đồng", anh Bình nói.

Anh Bình chia sẻ, hiện nay để phục vụ việc nhân đàn, anh bán ra số lượng cũng hạn chế hơn, chủ yếu là dúi sinh sản, còn lại sẽ phục vụ việc tăng đàn dúi trong thời gian tới. Cuộc sống vài năm nay của anh ổn định, mỗi năm cho anh thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Trước thực trạng con dúi trong tự nhiên đang dần khan hiếm và các mô hình nuôi dúi còn manh mún, chưa có sự gắn kết giữa người nuôi, mới đây, 9 thành viên gồm 6 thanh niên, 1 cựu chiến binh, 1 cựu giáo chức và 1 hội viên nông dân đã liên kết thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dúi Đại Lộc. Qua đó tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau về mặt kỹ thuật, con giống, đầu ra…

Anh Mai Thanh Sang - Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc cho biết, trong thời gian qua, mô hình chăn nuôi của Tổ hợp tác chăn nuôi dúi Đại Lộc là địa chỉ chuyển giao kỹ thuật, học tập kinh nghiệm được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tìm đến. Đây là mô hình Tổ hợp tác làm kinh tế mới đối với huyện do thanh niên làm chủ, có khả năng mang lại hiệu quả cao và có thể nhân rộng.

“Thời gian tới, Huyện đoàn Đại Lộc sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các thành viên Tổ hợp tác nuôi dúi được vay vốn, tham gia các lớp tập huấn mở rộng chăn nuôi, nhân rộng mô hình cho thanh niên, là cơ hội xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương”, anh Sang cho biết.

Công Bính - Ngô Linh