Gia Lai:

Nuôi cá trên hồ thủy điện, thu lãi khủng

Nay Sắt

(Dân trí) - Các hộ dân thị xã An Khê (Gia Lai) đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện.

Hồ Thủy điện An Khê được xem là "thủ phủ" của nghề nuôi cá lồng ở thị xã An Khê (Gia Lai), với hàng chục hộ dân mưu sinh và sống khỏe nhờ nghề này.

Nuôi cá trên hồ thủy điện, thu lãi khủng - 1

Mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn xã Xuân An (thị xã An Khê, Gia Lai) đã cho hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân vùng cao nguyên (Ảnh: Nay Săt).

Gia đình anh Nguyễn Văn Thơm (42 tuổi) là một trong những hộ mưu sinh trên hồ thủy điện An Khê với các lồng nuôi cá diêu hồng.

Anh Thơm cho biết, năm 2012, gia đình tham gia mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng ở lòng hồ thủy điện An Khê do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai triển khai. Được đầu tư vốn, anh Thơm mạnh dạn vay thêm để phát triển hơn 10 lồng nuôi cá.

Vốn là nông dân, trước đây chỉ biết đến ruộng đồng với nghề trồng lúa, anh Thơm gặp rất nhiều khó khăn khi mới chuyển sang nuôi cá.

"Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên toàn bộ cá đều chết do nhiễm nấm, gia đình thua lỗ nặng, gần như mất trắng vốn đầu tư cho lần khởi nghiệp đó", anh Thơm nhớ lại.

Nuôi cá trên hồ thủy điện, thu lãi khủng - 2

Toàn thị xã hiện có khoảng 369 lồng cá của 13 hộ dân ở xã Xuân An đang nuôi trên lòng hồ thủy điện An Khê (Ảnh: Nay Săt).

Không nản chí, anh Thơm đã đi khắp nơi để học hỏi, tìm hiểu cách chăm sóc, trị bệnh cho cá lồng. Về nhà, anh đã xây dựng diện tích lồng khoảng 50m2. Lồng được phủ nhiều lớp lưới để tạo không gian rộng cho cá bơi lội thoải mái, khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh. 

Sau 8 tháng thả lứa đầu tiên, đàn cá của anh đạt trọng lượng tốt để thu hoạch. Bước đầu có được hiệu quả, anh Thơm cùng nhiều hộ dân trong xã liên kết, tiếp tục phát triển nghề nuôi cá trên lòng hồ thủy điện với hơn 200 lồng.

Theo anh Thơm, nếu nuôi tốt thì mỗi năm sẽ thu được 3-5 tấn cá thương phẩm/lồng. Với giá bán cá diêu hồng khoảng 35.000-50.000 đồng/kg, gia đình anh thu lãi 500 triệu đồng mỗi năm. Cá xuất bán khắp tỉnh Gia Lai và các địa phương lân cận như Kon Tum, Bình Định đến Đà Nẵng.

Nuôi cá trên hồ thủy điện, thu lãi khủng - 3

Lồng cá của anh Nguyễn Văn Thơm (thôn 3, xã Xuân An) phần lớn nuôi cá diêu hồng (Ảnh: Nay Săt).

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tèo (50 tuổi, trú tại thôn 3, xã Xuân An) cũng nuôi hơn 60 lồng cá diêu hồng, cá trê; thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Ông Tèo kể, trước kia gia đình ông sống bằng nhiều nghề khác nhau nhưng mãi không thoát nghèo. Kể từ khi nuôi cá ở lòng hồ thủy điện An Khê, cuộc sống gia đình đã thay đổi, khấm khá lên, có của ăn, của để.

"Nuôi cá trong lồng không hề dễ, cần phải tuân thủ rất nhiều quy trình. Sau khi thu hoạch cá, người nuôi phải vệ sinh lồng cá và lưới. Thường xuyên theo dõi sức khỏe của đàn cá, nếu cá có dấu hiệu lạ thì tìm hiểu nguyên nhân để trị bệnh, tránh việc lây lan ra cả đàn", ông Tèo chia sẻ kinh nghiệm.

Nuôi cá trên hồ thủy điện, thu lãi khủng - 4

Mỗi năm, người dân thu về khoảng từ 3-5 tấn cá thương phẩm với thu nhập hàng trăm triệu đồng (Ảnh: Nay Săt).

Nhờ việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật mà nhiều hộ dân thị xã An Khê đã khấm khá, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nghề nuôi cá lồng.

UBND xã Xuân An cũng đã phối hợp để tổ chức nhiều đợt tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi cá lồng cho người dân, để phát triển mô hình kinh tế hiệu quả này.

Ông Phan Vĩnh Tấn - Phó Phòng Kinh tế thị xã An Khê cho hay, toàn thị xã có 369 lồng cá của 13 hộ dân ở xã Xuân An, tập trung nuôi cá diêu hồng, cá trê, cá rô phi trên lòng hồ thủy điện An Khê. Mỗi năm, số lồng cá ở đây đạt sản lượng hơn 1.800 tấn cá thương phẩm.

Khấm khá nhờ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ở Gia Lai (Video: Nay Săt).

"Thị xã đã xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển nghề nuôi cá lồng. Thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ một số chính sách thực hiện mô hình trình diễn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân. Mô hình nuôi cá được thực hiện là theo dạng sinh học để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường", ông Tấn cho biết.