Nửa đầu năm 2015: Gần 240.000 người đăng ký trợ cấp thất nghiệp
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), qua 6 tháng đầu năm 2015, 64 Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành LĐ-TB&XH đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 825.000 lượt người, giúp 347.000 người có việc làm. Các Trung tâm cũng tiếp nhận 239.859 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đánh giá của Cục Việc làm cho thấy, trong những tháng đầu năm 2015, tình trạng thiếu hụt lao động, lao động nhảy việc vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng ít biến động hơn so với các năm trước.
Số lao động thiếu hụt trong các doanh nghiệp dần được cân bằng vào tháng cuối của Quý I (tại những tỉnh lớn có nhu cầu tuyển lao động như: Đồng Nai, Bình Dương, tỉ lệ lao động quay lại làm việc ngay sau Tết hơn 90%; TP Hồ Chí Minh là 95%...).
Trong số lao động nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 196.657 người, bằng 92% số người có quyết định hưởng TCTN; Số người được hỗ trợ học nghề: 10.806 người (cả nước có 41/63 địa phương có hỗ trợ học nghề), bằng 5% số người có quyết định hưởng TCTN, tăng 54,7% so với cùng kỳ tháng năm 2014 (6.986 người) |
Thông qua hệ thống 64 Trung tâm dịch vụ việc làm (TT DVVL), doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm đã và đang tiếp tục thực hiện đẩy mạnh các hoạt động để cung ứng các dịch vụ việc làm.
Tần suất các phiên giao dịch việc làm được tổ chức tăng dần sau tết âm lịch, hình thức các phiên giao dịch việc làm cũng được tổ chức đa dạng phù hợp với đặc trưng của địa phương. Hơn 500 phiên GDVL đã được hệ thống các TT DVVL tổ chức tại 63 tỉnh, thành qua 6 tháng đầu năm 2015.
Ngoài ra, Cục Việc làm đã phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước của Bộ để bố trí kinh phí và tổ chức 10 phiên chợ việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản trở về nước.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến cả năm 2015 có 1.980.000 lượt người được tư vấn việc làm.
Về bảo hiểm thất nghiệp, các TT DVVL tiếp nhận 239.859 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2015, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2014 (219.931 người).
Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2015: 214.428 người, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2014 (219.931 người).
Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2015 có chuyển biến tích cực nhưng vẫn gặp không ít khó khăn thách thức, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết việc làm cho người lao động.
Cụ thể, chất lượng lao động việc làm còn thấp, trong khi khả năng tạo việc làm của nền kinh tế còn hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết việc làm cho người lao động.
“Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chậm, lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn (chiếm 45,3%). Các nguồn lực cho các dự án, chương trình hỗ trợ tạo việc làm thấp, trong khi các địa phương chưa đảm bảo cam kết đối ứng hoặc khó khăn, không có nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ giải quyết việc làm” - Bà Nguyễn Thị Hải Vân cho biết.
Hoàng Mạnh
TIN VIỆC LÀM:
Quảng Ngãi: Tổ chức Phiên GDVL tại huyện Sơn Hà vào ngày 3/7
Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Sơn Hà tổ chức Sàn GDVL Phiên thứ 12 vào ngày 3/7 tại Nhà Văn hóa thiếu nhi huyện Sơn Hà. Sàn giao dịch việc làm là nơi tiếp xúc gặp gỡ giữa người lao động đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm và các đơn vị, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động.
Đến với Sàn Giao dịch việc làm lần này, các bạn sẽ tiếp cận được thông tin tuyển dụng của trên 45 doanh nghiệp, công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.000 lao động, cũng như biết được mức lương cùng các chế độ trợ cấp, phụ cấp khác, để lựa chọn chỗ làm việc phù hợp với khả năng của mình. Tại Sàn GDVL, bạn trẻ được tiếp xúc trực tiếp với các nhà doanh nghiệp để trao đổi, chia sẻ, phỏng vấn tuyển dụng tại chỗ, gặp gỡ các nhân viên tư vấn tận tình hỗ trợ cung cấp thông tin, hoặc bạn có thể khai thác trên Internet, trang website: vieclamquangngai.com.vn để tìm hiểu thông tin thị trường lao động, đăng ký việc làm một cách thuận lợi, tạo cơ hội cho các bạn sớm có một việc làm phù hợp với khả năng của mình. Đây là nơi để các bạn nam nữ thanh niên, học sinh sinh viên, người lao động trực tiếp gặp gỡ với các đơn vị, doanh nghiệp để trao đổi phỏng vấn tuyển dụng.
H.P
Sau 6 năm triển khai BHTN: 81 % lao động tham gia
Sau 6 năm thực hiện chính sách BH thất nghiệp, số người đăng ký tham gia tăng dần theo từng năm và hiện đã chiếm 81% số người tham gia BHXH bắt buộc. Nếu như năm 2009, trong cả nước mới chỉ có gần 6 triệu người tham gia BH thất nghiệp với tổng số thu cả năm là trên 3.510 tỉ đồng, thì đến nay đã tăng lên 10,066 triệu người, chiếm gần 81% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc; số thu đạt 7.004 tỉ đồng.
Tới nay, cả nước đã có 408.356 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2014 (395.107 người). Trong đó, những khu vực có số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN chiếm tỉ lệ lớn trong cả nước là: Đông Nam bộ (183.162 người, chiếm 45%); ĐBSCL (70.075 người, chiếm 17,2%); Đồng bằng Sông Hồng có 63.124 người, chiếm 15,5%.
Tại một số địa phương, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN tăng do tình hình sản xuất kinh doanh của DN chưa ổn định sau khủng hoảng kinh tế; nhiều DN chuyển đổi loại hình kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu, thu hẹp sản xuất và một số DN phải di dời tới địa phương khác nên cắt giảm lao động như Bắc Giang, Gia Lai, Đắk Lắk...
H.P
Quý 2/2015: Thu nhập tháng trung bình đạt 4,46 triệu đồng/người
Đây là kết quả khát sát trong Bản tin cập nhập thị trường lao động VN quý 2, vừa được Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê công bố tại Hà Nội. Trong đó, thu nhập dẫn đầu vẫn thuộc về nhóm lao động trong khối các doanh nghiệp Nhà nước, với mức lương 6,15 triệu đồng/người. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, quý 2/2015, thu nhập bình quân/tháng (bao gồm tiền lương/tiền công, các khoản có tính chất lương và phúc lợi khác) từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 4,46 triệu đồng.
Phân chia theo giới tính, mức thu nhập bình quân của lao động nam là 4,7 triệu đồng/tháng; lao động nữ có thu nhập thấp hơn, chỉ đạt 4,13 triệu đồng/tháng. Quý 2/2015, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương giảm 435 nghìn đồng (8,9%), lao động nữ có thu nhập thấp hơn, song mức giảm lại cao hơn lao động nam (tương ứng 576 nghìn đồng và 334 nghìn đồng). Theo khu vực, thu nhập bình quân của lao động thành thị là 5,25 triệu đồng/tháng; lao động nông thôn thấp hơn đáng kể so với thành thị, chỉ đạt 3,84 triệu đồng/tháng. Xét theo nghề, quý 2/2015 thu nhập bình quân tháng của nhóm “lãnh đạo” cao nhất (7,3 triệu đồng), tiếp đến là nhóm “CMKT bậc cao” (6,5 triệu đồng), thấp nhất là nhóm “lao động giản đơn” (chỉ 3 triệu đồng).
N.H