Nữ sinh trốn học làm thêm, đòi tiền chủ báo... "đang nằm viện"

Hoài Nam

(Dân trí) - Hùng hục làm việc suốt tháng, tăng ca, làm xuyên Tết nhưng mọi hy vọng của Hân sụp đổ khi chủ nhà hàng "bùng" tiền công.

Phụ huynh "lờ" tiền của gia sư mướn cho con

Ra Tết, M.N, sinh viên năm hai một trường đại học lại tiếp tục phải đi đòi nợ thù lao gia sư từ một phụ huynh. 

Muốn kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt, cuối năm vừa rồi N. đi gia sư. Khi cô bắt đầu công việc, phụ huynh trao đổi Noel sẽ thanh toán tiền học. Nhưng qua hẹn, khi N. đã nghỉ dạy, phụ huynh lại hẹn tiếp là... vài tuần tới. 

Nữ sinh trốn học làm thêm, đòi tiền chủ báo... đang nằm viện - 1

Sau nhiều lần hứa trả tiền gia sư cho N., phụ huynh "đọc tin nhắn không trả lời" (Ảnh chụp lại màn hình).

Rồi qua Tết âm, phụ huynh vẫn chưa trả tiền, chỉ trả lời "đang về quê chữa bệnh". 

"Khi mình đi qua cửa hàng gia đình phụ huynh, thấy chị ấy vẫn đang bán hàng chứ không "về quê chữa bệnh" như chị nói. Sau này, mình nhắn thêm vài tin nhắn hỏi thăm, chị ấy đọc nhưng không trả lời nữa", N. nói.

Để kiếm được số tiền này, N. phải đổi nhiều công sức, thời gian. Với cô gái, đó là một khoản tiền không nhỏ để bù đắp thêm vào chi phí sinh hoạt nhưng giờ công cốc, lại mang thêm ức chế vào người. 

Thảm thương hơn là hoàn cảnh của nữ sinh Lê Ngọc Hân, sinh viên năm 2 ngành du lịch tại một trường đại học ở TPHCM. Làm thêm với vị trí nhân viên phục vụ tại một nhà hàng, đã không ít buổi Hân phải trốn học để đáp ứng yêu cầu làm thêm, tăng ca. 

Với tiền công 50.000 đồng/giờ, hai tháng đầu, Hân nhận được tiền lương đầy đủ. Đến tháng thứ 3, Hân nghe chủ hứa hẹn làm Tết tiền ngày công được trả gấp 3 lần, xong đợt sẽ thanh toán một thể. 

Hân làm ngày hai ca xuyên Tết, đến tận mùng 5 mới nghỉ. Nhưng từ đó đến nay, đã gần hết tháng Giêng, lời hứa của chủ quán thanh toán một tháng lương cộng tiền làm trong Tết, tổng gần 10 triệu đồng, trôi trong vô vọng. Hân nhắn tin hỏi, chỉ nghe đáp lại "đang bệnh viện". 

Nữ sinh trốn học làm thêm, đòi tiền chủ báo... đang nằm viện - 2

Nhiều sinh viên bị chủ "bùng" tiền làm thêm (Ảnh minh họa: H.N).

Hân không dám làm căng vì chủ đang giữ giấy tờ tùy thân cô phải nộp lúc xin vào. Sau đó cô được trả giấy tờ, còn tiền thì không biết đâu mà đòi vì người chủ hiếm khi có mặt tại quán, trong khi gọi điện, nhắn tin giờ đều không được. 

Cô gái khổ sở kể, ngoài đồ ăn thừa ở quán, nguyên mùa Tết cô ăn mì tôm cầm hơi. Đợt đi làm cô còn khoe với bố mẹ ra Tết bố mẹ không cần gửi tiền cho con nữa nhưng mới đây, Hân lại phải gọi điện về... xin tiền. 

Vướng đa cấp "bẩn", sinh viên lừa bố mẹ hàng trăm triệu đồng

Ngoài việc bị "quỵt" lương khi đi làm, sinh viên làm thêm rất dễ rơi vào "bẫy"  đa cấp "bẩn" với những dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao".

Tại TPHCM, từng ghi nhận hàng loạt trường hợp sinh viên gọi điện về gia đình yêu cầu bố mẹ đóng tiền để mình nhận học bổng đi du học.

Có trường hợp phụ huynh đóng gần nửa tỷ đồng theo yêu cầu của con gái, còn tiễn con ra sân bay quốc tế như thật, con gọi điện về kể bên nước ngoài này kia... Sau này mới vỡ lẽ, thật ra con vẫn ở trong nước, đi làm thêm, cuốn theo hệ thống đa cấp "bẩn" nên quay sang bố mẹ. 

Tại trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM từng xảy ra sự việc sinh viên đưa hồ sơ, giấy tờ học bổng của trường rồi yêu cầu bố mẹ đóng tiền vào tài khoản cá nhân mình cung cấp, có trường học sinh viên đòi bố mẹ đến 150 triệu đồng. 

Gia đình nghi ngờ, liên hệ với trường mới được biết trường không hề có học bổng như sinh viên thông báo. Thực chất là do các em đi làm thêm, rơi vào "bẫy" đa cấp. 

Nữ sinh trốn học làm thêm, đòi tiền chủ báo... đang nằm viện - 3

Một sinh viên tại TPHCM chia sẻ lại hành trình trở thành nạn nhân của đa cấp "bẩn" khi đi làm thêm (Ảnh: H.N).

Hàng loạt trường đại học đều lưu ý sinh viên đi làm thêm cần tránh để ảnh hưởng đến việc học, lộ trình ra trường. Đặc biệt, sinh viên cần trang bị kiến thức để tránh bị lừa đảo, đặc biệt là rơi vào hệ thống đa cấp biến tướng.

Trong buổi trao đổi về chủ đề việc làm của sinh viên, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm, An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH TPHCM bày tỏ, đi làm thêm giúp các bạn sinh viên vừa có thêm thu nhập vừa có thêm kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên, các em cũng có thể gặp nhiều hình thức lừa đảo bên ngoài và cả trên mạng xã hội qua hình thức giới thiệu việc làm.

Theo bà Trúc, nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ của sinh viên để lừa đảo. Sinh viên cần cẩn trọng trước những lời hứa hẹn "việc nhẹ lương cao". 

Người này nhấn mạnh, sinh viên khi đi làm thêm hãy tìm việc qua bộ phận quan hệ doanh nghiệp của các trường, trung tâm hỗ trợ việc làm của thành phố, các đơn vị giới thiệu việc làm uy tín.  

"Các hình thức lừa đảo hiện nay được thông tin rộng rãi trên báo chí, trên mạng... Sinh viên cần chú ý, quan tâm cập nhật để biết cách đảm bảo an toàn cho mình", bà Thanh Trúc chia sẻ.