Nữ phiên dịch viên với chiêu lừa tại tòa nhà khu trung tâm

Nữ phiên dịch viên câu kết với một đối tượng không rõ lai lịch lập công ty ma lấy trụ sở tại tòa nhà khu trung tâm để lừa đảo.

TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm đã sửa án tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Tứ (SN 1992, quê Thái Bình, làm nghề phiên dịch viên) ba năm án treo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

HĐXX xét bị cáo đã tích cực bồi thường toàn bộ, có vai đồng phạm, hạn chế nên chấp nhận kháng cáo sửa án.

Theo hồ sơ, do có nhu cầu đi hợp tác lao động tại Úc nên anh T. lên mạng tìm thông tin. Qua mục Rao vặt, anh T. liên hệ với Công ty TNHH dịch vụ Green Canal, địa chỉ tại một tòa nhà trên đường Ngô Đức Kế, quận 1, TP.HCM. Tứ xưng là Lê Như Tuyết, hẹn anh T. đến lầu 6, tòa nhà trên để được tư vấn và làm hợp đồng.

Nữ phiên dịch viên với chiêu lừa tại tòa nhà khu trung tâm - 1

Tháng 11/2013, anh T. đã đến và đưa đầy đủ hồ sơ cá nhân. Tháng 1-2014, Tứ gọi điện thoại thông báo cho anh T. biết hồ sơ anh đã đạt tiêu chuẩn và yêu cầu nộp tiền mở tài khoản chứng minh tài chính. Anh T. đã nộp cho Tứ 8 triệu đồng có phiếu thu. Vài ngày sau Tứ yêu cầu anh tiếp tục nộp 400 USD để đặt cọc đi hợp tác lao động. 

Sau đó, anh này đã đến gặp Tứ ký hợp đồng làm hồ sơ thủ tục xuất cảnh, thủ tục visa để anh đi làm phụ bếp tại Úc hai năm nộp 5.000 USD. Trên hợp đồng, Tứ ký tên Tuyết với vai trò giám đốc tư vấn...

Sau đó, anh T. không liên lạc được với Tứ. Nghi bị lừa nên anh đến Đại sứ quán Úc thì không có thông tin hồ sơ. Quay trở lại tòa nhà trên, anh T. tìm Tứ thì không gặp.

Với thủ đoạn tương tự, Tứ còn lừa anh V. gần 150 triệu đồng. Ngoài hai nạn nhân này còn có bà P. tố cáo Tứ lừa bà làm thủ tục gia hạn visa cho em trai để ở lại du học Nhật 60 triệu đồng nhưng việc giao nhận không có giấy tờ. 

Vào cuộc công an xác minh tại tòa nhà trên không có Công ty TNHH dịch vụ Green Canal và người tên Lê Như Tuyết. Tuy nhiên, có người đến mua thẻ thành viên để được vào làm việc và giao dịch trong khu sảnh tiếp khách lấy tên Tuyết.

Người này sử dụng thẻ ngân hàng thanh toán mang tên Tứ. Từ đây, công an lần ra chủ thẻ của tài khoản không còn số dư. Đồng thời qua nhận dạng, các bị hại đều xác định Lê Như Tuyết là Phạm Thị Tứ.

Bị bắt, nữ phiên dịch viên này khai cùng với một đối tượng tên Minh (không rõ lai lịch) lấy danh nghĩa công ty trên để tự thỏa thuận ký hợp đồng đưa người đi lao động nước ngoài và làm visa.

Thực tế, các đối tượng chỉ làm visa, passport để khách tin tưởng rồi sau đó không làm gì cả nhằm chiếm đoạt tiền của khách đã đưa. Tứ có nhiệm vụ thuê văn phòng, tư vấn và nhận tiền. Minh có nhiệm vụ lo các thủ tục visa, passport. Sau khi lấy được tiền của khách, Tứ đưa cho Minh và được chia 10%. 

Tứ cũng thành khẩn với cơ quan tố tụng là đã chiếm đoạt tiền của các bị hại trên. Tứ không biết giấy tờ Minh đưa cho để giao cho khách là giả. Do đó, cơ quan tố tụng không đủ cơ sở xử lý Tứ về hành vi làm giả hay sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Với Minh, do không rõ lai lịch nên chưa có cơ sở xử lý, khi nào xác định được sẽ xử lý sau. 

Hồi tháng 11/2019, TAND quận 1 xử sơ thẩm, chiếu cố các tình tiết giảm nhẹ xử phạt bị cáo này ba năm tù. Sau đó, Tứ kháng cáo xin xem xét giảm nhẹ và cho hưởng án treo...

Theo Hoàng Yến/PLO.VN