Nữ lao động Việt Nam bị vắt kiệt sức ở Ảrập Xêút
Qua môi giới, những người phụ nữ suốt năm quanh quẩn ở nhà, có người đọc chữ còn chưa thạo, người đầy bệnh tật… cũng liều mình đi Ảrập Xêút xuất khẩu lao động với hy vọng thoát nghèo. Giấc mơ thoát nghèo còn chưa thấy đâu nhưng hiện thực thì thật tủi nhục, ê chề.
Những tin nhắn kêu cứu của người lao động gửi về Báo Lao Động và Đời sống.
Trong nội dung kêu cứu gửi đến Báo Lao Động & Đời sống, những lao động nữ Việt Nam làm việc tại Ảrập Xêút trình bày, họ phải làm việc gần như 20 tiếng/ngày, phục vụ cho 2 hộ gia đình hơn 10 người, bệnh đau không được chữa trị, lại bị “quấy rối”, công việc, mức lương không đúng như thỏa thuận ban đầu. Chịu hết siết, họ xin về thì Cty đưa đi bắt phải bồi thường…
Bị vắt đến kiệt sức
Trao đổi với PV, chị N.T.B.Chín (51 tuổi, SĐT liên lạc tại Ảrập Xêút +96655…064, quê: xã Thạnh Tân, TX.Tây Ninh, Tây Ninh), bật khóc nức nở: “Chắc chị chết ở xứ người quá em ơi. Làm ơn giúp chị về”. Trong tiếng nấc nghẹn, chị kể, thông qua một người môi giới tên Quỳnh Anh (có khi gọi là Huỳnh Anh) ở Tây Ninh (SĐT: 0907…649), chị Chín được Cty CP Đầu tư Vĩnh Cát (Hà Nội) đưa đi làm việc tại Ảrập Xêút. “Lúc thỏa thuận, người ta nói mình chỉ làm một việc hoặc giữ em, hoặc chăm người ốm, hoặc làm việc nhà…
Nhưng khi qua đây, mình phải làm hết mọi việc. Mỗi ngày chỉ ngủ được có 3, 4 tiếng đồng hồ, thời gian còn lại là làm liền tay từ 7h sáng đến 2, 3h khuya mới được nghỉ”, chị Chín kể.
Ngoài làm việc nhà, chị phải phục vụ gia đình chủ gồm 2 vợ chồng, 5 đứa con và một ông già bị bệnh ở chân. “Điều khủng khiếp nhất chính là ông già. Mỗi khi con ông đi vắng, ông bắt chị phải sờ mó những chỗ “nhạy cảm” của ông ấy. Chị không làm thì ông nói với con là chị không chịu làm việc nhà. Chị ra dấu với con ông ấy rằng ông ấy bắt chị phải làm những chuyện như vậy thì con ông ấy không tin, cho rằng chị bịa chuyện. Chị khổ quá!”, chị Chín nức nở.
Cũng do Cty Vĩnh Cát đưa đi thông qua môi giới là bà Quỳnh Anh, chị H.T.K.Kiều (50 tuổi, SĐT liên lạc tại Ảrập Xêút +96653…305, quê: Hòa Thành, Tây Ninh) bật khóc nức nở: “Khổ lắm em ơi! Ngày đầu tiên chị qua đây họ đối xử với mình tàn tệ như con vật vậy. Họ cho nửa chén cơm, nửa quả trứng gà luộc, rồi làm việc liên tục. 24h đêm cho đi ngủ, 3h sáng bị gọi dậy. Sau đó, chị được đổi chủ nhưng cũng không khá hơn. Sáng 7h dậy, 2h đêm ngủ. Phải làm liên tục mới hết việc.
Đã vậy, không chỉ làm bên nhà chủ mà còn làm bên nhà má của chủ nữa. Vừa dỗ con bà chủ nín khóc thì em gái bà chủ bồng con sang bắt bế tiếp. Làm việc nhà cho cùng lúc 2 gia đình, về tới nhà chủ là 1h đêm, mình vừa bắc nồi cơm lên để ăn thì chủ nhà từ trên lầu gọi điện thoại bắt chạy ngược chạy xuôi, 2h đêm mới xong thì cũng chẳng còn sức để mà ăn cơm nữa.
Bên nhà má của chủ có 2 ông bà, 2 đứa con gái, 2 người có bầu với một bầy con nít, bên nhà chủ có 2 vợ chồng chủ. Một mình chị phục vụ hơn chục người. Biết cảnh này, chị ở Việt Nam ăn cơm với muối trắng chị cũng thấy sướng hơn”.
“Nghe giới thiệu, mình muốn đi để thoát nghèo, chứ cũng chẳng ai ép mình nhưng qua đây khổ quá chịu không nổi em ơi. Khi đi khám sức khỏe ở BV Thống Nhất (TPHCM), chị được chẩn đoán là bị hở van tim hai lá nhưng vẫn được cho đi làm. Qua đây, chân tay chị tê buốt, mất hết cả cảm giác.
Ngày ngủ được mấy tiếng đồng hồ, chị mệt quá, chủ đưa đi khám, bác sĩ cho một vỉ thuốc về uống thì phù hết cả mình mẩy”, chị Đ.T.K.Chi (44 tuổi, SĐT liên lạc tại Ảrập Xêút +96659…211, quê: Hòa Thành, Tây Ninh), được Cty Vĩnh Cát đưa đi xuất khẩu lao động tại Ảrập Xêút nói.
Chị Nguyễn Thị Hà (40 tuổi, SĐT liên lạc tại Ảrập Xêút +96650…748, quê Tây Ninh) - người được Cty Vĩnh Cát đưa đi làm việc tại Ảrập Xêút bật khóc nức nở: “Chị kêu cứu không chỉ cho chị mà còn cho hai người bạn của chị nữa”. Theo lời chị Hà, họ cũng được Cty Vĩnh Cát đưa đi qua môi giới của bà Quỳnh Anh. Chị Lê Thị Hương qua đây làm việc 6 tháng mà chủ mới trả có 2 tháng lương.
Chị Oanh, cùng quê Tây Ninh, sang đây làm việc 5 tháng, bị chủ hành hạ hình hài nhìn không ra, ăn cơm còn bị chủ đi theo kẹp da, đau đớn lắm! “Riêng tôi qua đây 6 tháng mà đã giảm 11 ký rồi, làm việc liên tục, lại chăm bà già ốm, rồi con nhỏ, tôi sắp kiệt sức đến nơi”, chị Hà vừa khóc vừa kể.
Công ty, người môi giới đem con bỏ chợ?
Làm việc quá cực khổ, không như thỏa thuận và lời giới thiệu ban đầu, gần 10 lao động nữ Việt Nam đang giúp việc nhà tại Ảrập Xêút đã nhiều lần xin được về nước nhưng không được chấp thuận. “Cty nói muốn về phải bồi thường chi phí hơn 60 triệu đồng. Tôi đã rao bán đất để chuộc mẹ tôi về nhưng chưa ai mua đất cả. Gia đình có 4 anh em nhưng anh em đều làm thuê, ngày kiếm mấy chục ngàn đồng. Khổ quá nên má tui phải đi xuất khẩu lao động, tưởng giúp được con, ai ngờ qua đó lại khổ quá!”, anh Lê Văn Lễ - con trai bà N.T.B.Chín, nói.
Anh Đặng Hữu Tâm - chồng chị Đ.T.K.Chi cho biết, hai vợ chồng làm thuê, không có đủ tiền nuôi con ăn học nên khi nghe bà Quỳnh Anh giới thiệu đi giúp việc nhà ở Ảrập Xêút với lương từ 8-12 triệu đồng/tháng, “vợ anh và cô em gái đã âm thầm đi xuất khẩu lao động”. “Đến khi ra Hà Nội, phải ở lại công ty gần 15 ngày, lúc đó vợ tôi sợ quá, xin về thì công ty bắt phải bồi thường 60 triệu đồng.
Số tiền đó, dù vợ chồng tôi có bán nhà cũng chẳng đủ. Thấy số tiền quá lớn, vợ tôi đành nhắm mắt liều đi luôn, khi lên tới máy bay, vợ tôi mới chịu gọi điện về thông báo là đi Ảrập Xêút làm việc. Vợ chồng tôi chỉ biết khóc”, anh Tâm kể.
“Làm việc quá cực, tôi xin đổi chủ nhưng công ty không cho, gọi cho bà Quỳnh Anh thì bà nói là mới nhận việc mà đòi đổi cái gì, ráng lên vài tháng sẽ đổi, vậy là tôi lại cố gắng nhưng sức khỏe tôi ngày càng giảm sút. Vừa rồi, khi con tôi ốm sắp chết, tôi xin về, tôi tự bỏ tiền mua vé máy bay nhưng Cty không cho. Bức quá tôi xin về Việt Nam thì Cty nói phải bồi thường gần 100 triệu đồng”, chị Hà khóc kể.
Người lao động cho biết, về chi phí đi Ảrập Xêút, họ chỉ phải chịu tiền khám sức khỏe từ 2-3 triệu đồng/người, có người không có tiền thì bà Quỳnh Anh cho mượn. Các HĐLĐ mà người lao động ký với Cty Vĩnh Cát, sau đó bà Quỳnh Anh cũng giữ. “Tôi được giới thiệu là qua đây làm việc, lương tháng đầu là 7, 8 triệu đồng, tháng sau lên 9 triệu đồng, tháng sau lên hơn 12 triệu đồng rồi 13 triệu đồng.
Nói là vậy nhưng mức lương của tôi là 1.300 S.R (đơn vị tiền tệ Ảrập Xêút) - khoảng hơn 6 triệu đồng tiền Việt Nam. Sau khi trừ chi phí, tôi gửi về cho gia đình được 5 triệu đồng. HĐ của tôi ký với Cty bị bà Quỳnh Anh giữ đã 6 tháng rồi, chồng tôi xuống lấy thì bà Quỳnh Anh không đưa với lý do còn nợ tiền khám sức khỏe”, chị Hà nói.
Ngoài ra, người lao động cũng cho biết, khi bị kiệt sức, chịu không nổi, người lao động gọi về Cty, người môi giới để nhờ giúp đỡ nhưng rất khó liên lạc. “Lúc tôi chịu hết nổi, tôi gọi cho bà Quỳnh Anh thì bà ấy không bắt máy, nhắn tin thì không trả lời tin nhắn. Tôi dọa sẽ uống thuốc tự vẫn, trước khi chết, tôi sẽ điện cho tất cả người lao động ở Ảrập Xêút, rồi điện cho cơ quan chức năng Việt Nam thì con gái của bà Quỳnh Anh mới điện lại cho tôi”, chị Kiều bức xúc nói. “Cũng không hy vọng gì ở Cty cả. Gọi điện cho Cty khó khăn lắm.
Tối 1.9, có một người ở Cty Vĩnh Cát gọi điện cho tôi. Tôi trình bày việc mình bị bố của chủ nhà quấy rối, bắt sờ mó “của quý” thì Cty nói là sẽ đổi chỗ làm cho tôi. Tôi xin về thì Cty nói tôi phải bồi thường 60 triệu đồng mới được về”, chị Chín nói.
“Khi mình chịu không nổi hoặc đề nghị được đổi chủ thì chủ nhà sẽ chở mình đến Cty cung ứng lao động bên Ảrập Xêút. Tại đây, rất nhiều chị em bị nhốt ở đó, có người bị chủ hành hạ, nợ lương…, người ở miền Trung, miền Bắc, Nghệ An, Thanh Hóa đủ cả. Mấy chị em tập trung ở đó, rồi lại được đưa đến một chủ mới. Đổi vậy thôi, chứ chẳng khá hơn. Cực khổ, tủi nhục lắm em ơi! Giờ chỉ muốn về Việt Nam thôi, có chết cũng an lòng”, chị Chi cho biết. |
Theo Báo Lao Động