Nữ lao động Việt chia sẻ lợi ích khi sống gần "bãi rác" ở Nhật Bản

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Hơn một năm sang Nhật Bản, Huyền Trang (quê Nghệ An) sở hữu một căn phòng đầy đủ tiện nghi, nhiều nội thất đắt tiền nhưng không tốn tiền mua nhờ thói quen thường xuyên "shopping" tại các bãi rác.

Nguyễn Thị Huyền Trang là thực tập sinh ngành thực phẩm y tế tại Tokyo. Nữ thực tập sinh gần đây thu hút sự chú ý của mạng xã hội khi chia sẻ đoạn video giới thiệu căn phòng đầy đủ đồ đạc tiện nghi với nhiều món đồ đắt tiền.

Đáng nói, hầu hết đều được nhặt từ bãi rác.

Cô gái quê Nghệ An cho biết, khi mới đặt chân sang Nhật, cô rất ngạc nhiên khi phát hiện các bãi tập kết rác ở Nhật có rất nhiều món đồ tốt, còn sử dụng được.

Nữ lao động Việt chia sẻ lợi ích khi sống gần bãi rác ở Nhật Bản - 1

Căn phòng đầy đủ đồ đạc tiện nghi của Trang đều nhặt từ bãi rác (Ảnh: Cắt từ clip).

"Mình gọi là bãi rác cho dễ hiểu, còn thực ra, ở Nhật, đó giống như bãi tập kết đồ đạc bỏ đi. Không như bãi rác ở Việt Nam, ở Nhật, có nhiều món đồ bỏ đi vẫn còn tốt", Trang chia sẻ.

Theo Trang, người Nhật thường chỉ sử dụng đồ dùng trong một thời gian ngắn rồi thay mới, đặc biệt là khi chuyển nhà vì chi phí vận chuyển khá đắt. 

Những món như kệ tủ, bàn ghế, đệm... được gọi là "rác to" hoặc "rác quá khổ", nên cũng cần phải mua vé vứt rác để dán lên trước khi bỏ ra ngoài.

"Thích nhất mỗi lần ra bãi tập kết đúng lúc người Nhật mang đồ đi vứt, mình đến xin họ rất vui vẻ. Đặc biệt khi chưa mua vé vứt rác, họ càng thích có người xin.

Ở nơi tôi sinh sống, người Nhật họ rất tốt bụng. Nếu họ cho thì sẽ đồng ý, còn nếu không muốn cho họ sẽ nói thẳng.

Có lần, khi tôi xin chiếc giường và đệm, chủ nhà không chỉ đồng ý mà còn nhiệt tình bê đồ lên tận phòng. Thậm chí, họ còn mời tôi lấy thêm bàn và bếp từ", Trang chia sẻ.

Nữ lao động Việt chia sẻ lợi ích khi sống gần bãi rác ở Nhật Bản - 2

Vợ chồng Trang đang sinh sống và làm việc tại thành phố Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Khi mới sang Nhật, căn phòng của Trang không có gì ngoài chiếc đệm công ty mua cho. Các món đồ tiện nghi như bàn, tủ quần áo, giường và đệm... trong phòng của cô đều đi xin hoặc nhặt từ bãi rác. Nếu phải mua, số tiền cần bỏ ra sẽ rất lớn.

"Những vật dụng này rẻ nhất khoảng 5 man (8,5 triệu đồng). May mắn là tôi xin được nên tiết kiệm được kha khá. Ví dụ như giường và đệm tôi xin của chủ nhà người Nhật, họ nói hai món đồ đó họ đã mua với giá 20 man (hơn 34 triệu đồng)", Trang nói.

Hơn một năm sống tại Nhật, Trang cho biết, mỗi khi cần món đồ gì, cô lại "shopping" tại các bãi rác, chỉ khi không tìm thấy món đồ cần, cô mới mua mới.

"Tôi sang đây lao động kiếm tiền nên tiết kiệm được tới đâu hay tới đó. Kể cả khi dư giả tôi cũng không dám mua những món đồ đắt tiền để dùng", Trang chia sẻ.

Kinh nghiệm nhặt đồ ở bãi rác

Hồi mới sang Hàn Quốc, Trần Lê Na (quê Hậu Giang) cũng rất ngạc nhiên khi thấy những món đồ còn rất mới và tốt bị bỏ ngoài bãi rác. Ban đầu cô có chút ngại ngùng, nhưng khi thấy bạn bè nhặt đồ về và không gặp vấn đề gì, cô cũng thử trải nghiệm.

Na chia sẻ rằng các khu căn hộ cao cấp hoặc những khu vực gần trường đại học thường là nơi có thể tìm thấy nhiều món đồ, thậm chí là những đồ dùng tốt và đắt tiền.

"Người Hàn Quốc thường xuyên thay đổi đồ đạc, từ tủ lạnh, bàn ghế, đến quần áo. Những ngày cuối tuần hoặc đầu tháng, khi nhiều người dọn nhà, tôi thường ra bãi rác để tìm đồ.

Có lần, tôi nhặt được một chiếc tủ lạnh và vài món đồ nội thất nhỏ như ghế sofa và bàn học… Những món đồ này khi mang về chỉ cần lau chùi lại một chút là có thể sử dụng được ngay.

Một lần khác, tôi còn nhặt được một chiếc xe đạp rất tốt, chỉ việc sửa lại phanh là đi ngon lành", Na nói.

Nữ lao động Việt chia sẻ lợi ích khi sống gần bãi rác ở Nhật Bản - 3

Na mừng rỡ khi nhặt được gấu bông còn mới ngoài bãi rác ở Hàn Quốc (Ảnh: Cắt từ clip).

Theo nữ thực tập sinh, người Hàn Quốc rất quan tâm đến việc sắp xếp không gian sống, nhiều người mua sắm theo xu hướng mới. Vì vậy, những món đồ cũ dù còn tốt cũng bị bỏ đi.

Thêm vào đó, chi phí vận chuyển đồ cũ đôi khi cao hơn so với việc mua mới, nên nhiều người chọn bỏ đồ thay vì bán hoặc vận chuyển.

Chia sẻ về trải nghiệm cá nhân, cô gái quê Hậu Giang cho biết, ban đầu cô cũng có chút lo ngại về việc sử dụng đồ nhặt từ bãi rác, đặc biệt là vấn đề an toàn và vệ sinh.

"Sau vài lần kiểm tra kỹ lưỡng và vệ sinh đúng cách, tôi đã yên tâm sử dụng. Ví dụ như chiếc sofa nhặt được, khi mang về, tôi vệ sinh sạch sẽ bằng dung dịch tẩy rửa và đến nay đã dùng được hơn một năm mà không gặp vấn đề gì", Na nói.

Với kinh nghiệm hơn 2 năm sống tại Hàn Quốc, Na chiêm nghiệm, việc nhặt và tận dụng những đồ cũ bỏ đi, có thể giúp các du học sinh tiết kiệm chi phí đáng kể, đặc biệt những người mới sang.

"Đừng ngại thử, nhưng hãy làm theo cách có trách nhiệm. Luôn kiểm tra kỹ lưỡng đồ trước khi mang về, vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo tuân thủ các quy định của địa phương", cô nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nữ du học sinh cũng cảnh báo, người mới sang Hàn cần chú ý đến các quy định về rác thải của khu vực mình sinh sống, vì không phải lúc nào cũng được phép nhặt đồ ở bãi rác.