1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Nữ dược sĩ thu trăm triệu mỗi tháng với nông sản quê hương

Ngô Linh

(Dân trí) - Những sản phẩm từ nông sản như ngũ cốc lợi sữa, gạo lứt của chị Phạm Thị Duy Mỹ đang dần chinh phục khách hàng và mang lại doanh thu hơn 100 triệu đồng mỗi tháng.

Khởi nghiệp vì sức khỏe

Tốt nghiệp Cao đẳng Dược thuộc Đại học Y Dược Đà Nẵng và có một tiệm thuốc với công việc ổn định, chị Phạm Thị Duy Mỹ (35 tuổi, ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) lại thử sức với một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, đó là nông sản.

Nữ dược sĩ thu trăm triệu mỗi tháng với nông sản quê hương - 1

Chị Phạm Thị Duy Mỹ với giấc mơ đưa nông sản địa phương vươn xa mọi miền đất nước.

Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở sản xuất của mình, chị Mỹ cho biết, mình là một dược sĩ, ngày ngày tư vấn và bán thuốc, chị hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe cũng như việc lạm dụng thuốc tây sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể.

Chính vì vậy, chị quyết tâm đưa cây lúa, hạt đậu trở thành những sản phẩm ngũ cốc, mang giá trị dinh dưỡng cao, bổ trợ sức khỏe từ gốc. Sản phẩm đầu tiên chị nghiên cứu thành công là ngũ cốc lợi sữa.

Chia sẻ về sản phẩm đầu tay, chị Mỹ cho hay năm 2015, sau khi sinh bé đầu lòng, sữa ít, thương con, chị tìm đủ phương pháp để khắc phục.

Nữ dược sĩ thu trăm triệu mỗi tháng với nông sản quê hương - 2

Nguyên liệu tạo ra thực phẩm được chị Mỹ sử dụng chủ yếu có tại địa phương.

Từ những kinh nghiệm dân gian cùng kiến thức được học, chị đã tự mình xây dựng công thức và sản xuất ngũ cốc lợi sữa từ những nguyên liệu gần gũi, dân dã quê nhà như gạo lứt, các loại đậu có sẵn tại địa phương. Sau một tuần dùng thử, chị thấy rất hiệu quả.

Có được bí quyết, chị Mỹ chia sẻ cho nhiều người quen. Tiếng lành đồn xa, năm 2017, ngũ cốc lợi sữa của chị chính thức được nhiều người biết đến, đơn đặt hàng cũng dồn dập.

"Nguyên liệu đầu vào là yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, quy trình chế biến, đặc biệt là tỷ lệ pha trộn các loại nguyên liệu đảm bảo hài hòa, cân bằng mới thực sự là chìa khóa làm nên thành công", chị Mỹ "bật mí".

Nữ dược sĩ với giấc mơ đưa nông sản quê đến mọi miền đất nước (Video: Ngô Linh).

Từng gặp không ít trắc trở khi khởi nghiệp, bởi những định kiến hay lời gièm pha xung quanh. Hành trình gần 7 năm khởi nghiệp, với chị đó là quãng đường đầy nước mắt, chông gai nhưng chưa khi nào chị bỏ cuộc.

"Tôi luôn tự nhủ phải sống cho không phí hoài tuổi trẻ, dù thất bại nhưng không được từ bỏ. Tôi may mắn được làm công việc yêu thích, dũng cảm theo đuổi đam mê, vậy là đủ rồi", chị Mỹ nói.

Từ những sáng tạo tìm tòi và nghiên cứu, đến nay chị đã có hơn 10 sản phẩm liên quan đến nông sản. Mỗi tháng, chị bán khoảng 1.000 sản phẩm, doanh thu gần 100 triệu đồng; tạo việc làm cho 3 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Giấc mơ đưa nông sản quê hương vươn xa

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch cho sản phẩm, chị Mỹ đã chủ động trực tiếp trồng 5 sào lúa gạo lứt đỏ. Còn tại địa phương, đậu và hạt sen đều sẵn có.

Nữ dược sĩ thu trăm triệu mỗi tháng với nông sản quê hương - 3

Chị Mỹ tự trồng gạo lứt để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Theo chị Mỹ, để có thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường hôm nay, chị phải cẩn thận trong từng công đoạn làm ra sản phẩm. Các loại nông sản quê đều được chị liên kết với nông dân địa phương sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Quá trình chế biến đậu, gạo lứt chị đều dùng nồi gang, rang trên bếp củi để giữ hương vị truyền thống.

Đối với các loại hạt đều được chị chọn lọc ở những cơ sở cung cấp uy tín. Kết hợp với đầu tư về máy móc hiện đại trong quá trình rang sấy, đóng gói cũng như sự giám sát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện sản phẩm của chị đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Nữ dược sĩ thu trăm triệu mỗi tháng với nông sản quê hương - 4

Từ những sáng tạo tìm tòi và nghiên cứu, đến nay chị đã có hơn 10 sản phẩm từ nông sản.

"Tôi dự định liên kết với nông dân trên địa bàn huyện Duy Xuyên mở rộng vùng cung cấp nguyên liệu, tạo cơ hội phát triển kinh tế cho người dân. Sắp đến, chúng tôi sẽ nghiên cứu và phát triển thêm 3 dòng sản phẩm mới từ nông sản để", chị Duy Mỹ chia sẻ.

Cuối năm 2021, ngũ cốc Duy Oanh của chị Phạm Thị Duy Mỹ đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (sản phẩm đạt chất lượng Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" của Chính phủ - PV). Cơ sở của chị cũng đang phấn đấu xây dựng thành công sản phẩm OCOP xếp hạng 4-5 sao cấp tỉnh.

Vừa qua, thương hiệu ngũ cốc Duy Oanh của chị Duy Mỹ là một trong 2 dự án đã đạt giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam năm 2022.