1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nữ đại biểu hiến kế giải quyết việc làm cho lao động hồi hương tránh dịch

Hoàng Lam

(Dân trí) - Dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề nhưng cũng là dịp để đánh giá lại chất lượng lao động của địa phương.

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Nghệ An khóa XVIII, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là lao động hồi hương tránh dịch được các đại biểu hết sức quan tâm, dành nhiều thời gian để thảo luận.

Nữ đại biểu hiến kế giải quyết việc làm cho lao động hồi hương tránh dịch - 1

Giải quyết việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và lao động hồi hương tránh dịch là vấn đề được các đại biểu kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII đặc biệt quan tâm và đưa ra thảo luận tại các phiên thảo luận tổ (Ảnh: Hoàng Lam).

Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi - đại biểu thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đại dịch Covid-19 gây tổn thất nặng nề về mọi mặt đời sống, kinh tế xã hội. Từ đại dịch này, nhiều địa phương chứng kiến cuộc dịch chuyển lao động chưa từng có trong lịch sử, trong đó có Nghệ An.

"Nghệ An đông dân, số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn nhưng lực lượng lao động, nhân lực lao động và nhân lực chất lượng cao hiếm, ít cả về số lượng và chất lượng. Lao động vẫn nặng tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ, thích vào biên chế. Cần phải nhìn thẳng vào thực trạng này" - đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi

"Con số xấp xỉ 70.000 người trở về từ các tỉnh, thành để tránh dịch, trong đó có huyện miền núi có tới 10.000 người là con số chúng ta phải suy nghĩ. Lao động trở về phần lớn không có nghề, không có vốn và phải trải qua một "cơn bạo bệnh" về cả tâm lý. Giải quyết việc làm, ổn định an sinh xã hội cho lao động hồi hương tránh dịch và lao động nội tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là một bài toán khó cần phải giải quyết", đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi nhận định.

Với diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp như hiện nay, dự báo trong năm 2022, người lao động vẫn phải ở lại quê hương. Do vậy, nhu cầu công ăn việc làm, an sinh xã hội, thu nhập càng bức bách hơn.

Nữ đại biểu hiến kế giải quyết việc làm cho lao động hồi hương tránh dịch - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi: Đã đến lúc người lao động nhận thức được không đâu bằng quê hương để ở lại quê nhà làm việc (Ảnh: Hoàng Lam).

Tuy nhiên nữ đại biểu cũng cho rằng, đây cũng là thời điểm để bắt buộc thay đổi về nhận thức, về tư duy, nhìn nhận, đánh giá cũng như đưa ra giải pháp mới về lực lượng lao động và chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh.

Nhịp độ phát triển kinh tế của tỉnh đang mở ra những cơ hội mới với nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy có quy mô lớn và "khát" nhân lực lao động. Đây là cơ hội việc làm cho người lao động hồi hương. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc người lao động nhận thức được không đâu bằng quê hương để ở lại quê nhà làm việc, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Từ phân tích thực trạng lao động "hậu Covid", bà Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng cần thực hiện tốt giải pháp tuyên truyền, nhưng cách làm phải khác, đó là tuyên truyền cho lao động từ chính trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng; tuyên truyền thông qua phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội; đặc biệt, giải pháp tuyên truyền hiệu quả nhất chính là bằng thực tiễn thông qua các dẫn chứng số liệu, nhu cầu lao động từ các khu công nghiệp, nhà máy, các mô hình kinh tế trên địa bàn tỉnh.

"Thực tế người tha hương chủ yếu đi theo tâm lý đám đông, đi theo xóm, theo làng. Bởi vậy, vai trò tuyên truyền của gia đình, của dòng họ rất quan trọng", bà Nguyễn Thị Kim Chi cho hay.

Nữ đại biểu hiến kế giải quyết việc làm cho lao động hồi hương tránh dịch - 3

Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An về tận các xã để tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trở về từ các vùng có dịch (Ảnh: H.Dương).

Trong những năm gần đây, công tác phân hóa, phân luồng, hướng nghiệp đã rõ ràng và hiệu quả. Cần phải để các em nhận thức được học giỏi thì đi làm thầy, em nào sức học vừa phải và cảm thấy phù hợp thì đi làm thợ. Theo nữ đại biểu, đây là xu hướng đúng trong giáo dục hiện nay.

Bên cạnh phân luồng, hướng nghiệp, cần nâng cấp và nâng cao chất lượng của các trường nghề trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đẩy mạnh liên kết đào tạo và tạo việc làm sau đào tạo nghề. Cùng với đó các biện pháp, các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh cần sớm đi vào thực hiện để có những nguồn lực cụ thể, chính sách hỗ trợ đến sớm nhất với người lao động.

Nữ đại biểu cũng cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ về vốn và vay vốn, thủ tục nhanh gọn, tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận nguồn vốn nhanh, tránh tình trạng sa vào tín dụng đen, tạo thêm gánh nặng. Muốn người lao động Nghệ An làm việc trên quê hương Nghệ An để tránh tha hương cầu thực cần chú trọng phát triển 3 vùng kinh tế miền núi, miền núi cao và kinh tế biển gắn với tiềm năng và thế mạnh của từng vùng.