Nữ công nhân trong thế giới ảo
Đến công ty, về nhà trọ, ngủ, đến công ty… chu kỳ sống buồn chán của các nữ công nhân khiến họ luôn thèm khát một không gian sống mới, cuốn hút và mơ mộng. Internet đã cho họ điều đó.
Những “tín đồ” của chat
Phòng B2 (khu phố Bình Hòa, Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương) có 5 người ở: Hồng, Phượng, Sinh, Thủy và Tuệ. Họ đều là dân xứ Nghệ vào Bình Dương từ năm 1998. Nhóm bạn này trở thành “tín đồ” của chat cách đây chỉ vài tháng. Ngày nào họ cũng ghé phòng net từ 1 đến 2 giờ sáng.
Hồng, Phượng, Sinh, Thủy làm ở Công ty Esquel (khu công nghiệp Việt Nam - Singapore). Công ty này làm 2 ca. Ca 1 từ 6h sáng đến 14h, ca 2 từ 14h đến 22h. Sinh bảo họ đã bị nghiện chat, và tận dụng mọi thời gian rảnh để lên mạng. Có khi đi làm ca chiều về, họ không về phòng ngay mà rẽ vào tiệm internet để chat.
Người truyền bá “văn hóa chat” cho các nữ công nhân trong khu nhà trọ chính là Hồng. Hồng được một cô em đang học đại học “chỉ giáo”, sau đó về phổ biến lại cho các bạn cùng nhà trọ. Ban đầu, mỗi lần Hồng đi chat, luôn có 4 bạn trong phòng đi kèm. Ngoài việc học hỏi cách chat, những người này còn là “quân sư” cho Hồng trong phần… ứng xử. Dần dà, những nữ công nhân trong khu nhà trọ của Hồng đều là những “chatter” siêu hạng. Họ đến với chat như tìm một sự cứu rỗi sau những ngày giờ miệt mài, cắm cúi với đường kim mũi chỉ.
Ngót 10 năm sống ở đất Bình Dương nhưng nhiều người chưa biết thị xã Thủ Dầu Một ở đâu. Trâm, quê Thái Bình, ở cạnh phòng Hồng, đang làm ở Công ty 3/2 Thuận An, Bình Dương, có mặt từ lúc đây còn là một bãi đất hoang, cỏ dại mọc ngang lưng quần. Trâm chưa hề đi ra khỏi khu phố, từ phòng trọ đến công ty khoảng chừng 1 cây số nhưng Trâm không dám đạp xe một mình.
Thế mà từ khi biết chat, Trâm mạnh dạn hẳn lên, cô có thêm nhiều bạn, biết nhiều nơi. Nhờ chát, Trâm đã tìm thấy một nửa của mình, một chàng trai đồng hương, tên Duy. Tình yêu của Duy và Trâm là sản phẩm của công nghệ thông tin. Có lẽ vì thế mà hình ảnh những cô nàng ủ rũ, mắt lúc nào cũng sưng (vì ngủ quá nhiều) không còn thấy trong các khu nhà trọ ẩm thấp này.
4 giờ tăng ca = 3 giờ chat
“Bỏ tăng ca thì tiếc lắm nhưng làm thêm 4 giờ chỉ đủ 3 giờ chat thôi” - chị Phượng, 32 tuổi, làm ở một công ty giày da thổ lộ. Trước đây, Phượng ngày nào cũng tăng ca từ 3 đến 4 giờ, nhưng bây giờ, chị chỉ làm thêm giờ vào các ngày chẵn trong tuần.
Tháng rồi Phượng chi cho dịch vụ internet trên cả trăm ngàn đồng. Lương giảm, chi phí cho net nhiều nhưng chị vẫn vui. Chị khoe mình đang quen với một chàng phi công, Việt kiều Mỹ. Tháng 11 tới, anh ấy về Việt Nam và nhất định sẽ đến thăm chị.
Ở những khu nhà trọ này, hầu hết công nhân nữ đã ở vào tuổi “toan về già”. Họ sống khép kín, chi tiêu dè sẻn, không có thời gian và cơ hội để tiếp xúc với nhiều người. Internet chính là chiếc cầu nối giúp họ giao lưu với thế giới rộng mở bên ngoài, hiện thực hóa ước mơ có một mái ấm gia đình.
Chuyện tình buồn trong thế giới thực
Ai bảo những gì các “chatter” khai báo trên mạng đều là “dỏm”? Những nữ công nhân nói chuyện rất chân thật. Họ vào đề trực tiếp bằng một bản lý lịch trích ngang, tên, tuổi, quê quán, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe, tình trạng hôn nhân... Vậy nhưng cũng có không ít những người con gái chân chất trong các dãy nhà trọ buồn tẻ này trở thành nạn nhân của các gã Sở Khanh.
Ngày S. ẵm đứa con còn nằm ngửa vào xin trọ, ai cũng thương cảm cho cô “lỡ một thời con gái, bởi một đời dại yêu”. Người vài chục ngàn đồng, kẻ dăm ký gạo giúp cô có cái ăn trong lúc chưa thể đi làm. Khi đứa con đã cứng cáp, S. gửi cho bà chủ nhà trông giùm và xin vào một công ty may mặc trong khu công nghiệp Việt Nam - Singapore. Thoáng một cái, con gái S. đã tròn 3 tuổi và mẹ con cô cũng đã có cái ăn, cái để.
Nhưng cuộc sống của S. bắt đầu bị đảo lộn khi những người bạn giúp cô làm quen với internet. Qua những lần chat, cô có rất nhiều bạn. Và rồi S. gặp H. Theo lời H. kể thì anh đang làm việc tại Hàn Quốc. Anh rất thông cảm với hoàn cảnh của S. nên sẽ về nước để cưới S. làm vợ và nhận làm cha của đứa bé.
Trước Tết Bính Tuất 2 tháng, S. xin nghỉ làm một ngày và hai mẹ con cô ăn mặc chỉnh tề, thuê xe ra sân bay Tân Sơn Nhất đón H. Chờ từ sáng đến chiều, cô mới thấy H. xuất hiện. Khác với tưởng tượng của cô, H. đẹp trai hơn nhiều so với hình ảnh của anh trên webcam. Nhưng sao mặt anh lại ủ rũ thế, làm việc ở nước ngoài sao lại về tay không?
Khi về tới phòng trọ, anh mới giải thích là bị kẻ gian lấy hết đồ đạc. S. phải ra sức động viên để H. bớt xót của. Từ đó, S. tăng ca nhiều hơn. Có thêm miệng ăn thì vất vả nhưng được cái vui cửa, vui nhà, hơn nữa, H. rất thương con gái S. H. bảo là ráng giúp H. qua cơn bĩ cực này “Ra năm, anh sẽ về Phú Thọ làm lại hồ sơ, anh sẽ sang Hàn Quốc làm việc, gửi tiền về để cuộc sống của mẹ con em đỡ vất vả”.
Tết đã qua, không thấy H. đả động gì tới việc về quê... Thương người chồng chưa cưới “cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi”, S. nhận đồ về nhà may gia công, kiếm thêm tiền xoay xở cho cuộc sống của 3 người. Cứ thế, S. trở nên xơ xác, trong lúc H. ngày càng béo tốt ra...
Không biết đến bao giờ, S. mới nhận ra bộ mặt thật của H. Hoặc giả S. cũng không muốn thừa nhận thực tế ấy, để mãi được hạnh phúc trong thế giới ảo.
Theo Bảo Thiên
Thanh Niên